Nếu người mẹ có 3 kiểu tính cách dưới đây thì dù không cố ý, họ cũng đang vô tình kéo thấp EQ của con

Minh Châu,
Chia sẻ

Bạn đã bao giờ cảm thấy hối hận vì một tính cách nào đó ảnh hưởng tới con mình?

Bài viết của "Mẹ mọt sách" – một blogger tại Trung Quốc, chuyên viết về nội dung giáo dục, nuôi dạy con:

Tuần trước, tôi đưa con gái đi chơi ở khu vui chơi. Một cậu bé khoảng 5 tuổi đứng lặng một góc, ngập ngừng nhìn nhóm bạn đang chơi. Cậu bé nhỏ giọng hỏi mẹ: "Liệu các bạn có không thích con không?". Nhưng thay vì động viên, người mẹ lại thở dài: "Con nhút nhát thế này, ai mà thích được chứ!".

Ngay khoảnh khắc ấy, mắt cậu bé đỏ hoe. Tôi chợt thấy nhói lòng. Và cũng chính lúc đó, tôi nhận ra: Trí tuệ cảm xúc (EQ) của một đứa trẻ, đôi khi được hình thành từ chính những câu nói rất đỗi bình thường của mẹ.

Chúng ta ai cũng mong con thông minh, nhưng nghiên cứu của Đại học Harvard chỉ ra: IQ chỉ chiếm 20% trong thành công của một người, còn EQ chiếm tới 80%. Và điều quan trọng hơn cả – EQ hoàn toàn có thể bồi dưỡng từ môi trường sống, từ cách con được yêu thương, đồng hành.

Nếu người mẹ có 3 kiểu tính cách dưới đây thì dù không cố ý, họ cũng đang vô tình kéo thấp EQ của con - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhớ lại ngày con gái tôi mới 3 tuổi, lần đầu tham gia hội thao ở trường và bị ngã khi đang thi đấu. Bé khóc nức nở, nhìn tôi đầy tuyệt vọng. Tôi giấu đi sự xót xa, mỉm cười nói: "Con ngã là vì con đang cố gắng hết mình đấy!". Giờ con đã 10 tuổi và mỗi lần vấp ngã, con lại tự nhủ: "Không sao, mình thử lại lần nữa!".

Là người gần gũi với con nhất từ khi con chưa chào đời, mẹ chính là người có ảnh hưởng sâu sắc nhất tới cảm xúc và thế giới nội tâm của con.

Nếu một người mẹ mang những tính cách dưới đây, thì dù không cố ý, họ cũng đang vô tình kéo thấp chỉ số cảm xúc của con:

1. Người mẹ bi quan: "Cuộc sống khó khăn quá…"

Biểu hiện: Luôn than phiền, dễ buông xuôi. Gặp khó khăn thì nói: "Thôi bỏ đi, mình không làm nổi đâu".

Chị hàng xóm của tôi là một ví dụ điển hình. Khi con muốn học trượt patin, chị bảo: "Con vụng về thế, học làm sao nổi!". Con thi được điểm cao, chị lại nói: "Đề dễ thôi, đừng vội mừng". Bây giờ bé mới 10 tuổi đã hay nói: "Con không làm được đâu…".

Trái ngược hoàn toàn, mẹ của nhà văn Mạc Ngôn – một người không biết chữ, sống trong nghèo khó – luôn nói: "Trời sinh chim mù cũng không để nó chết đói". Chính tinh thần lạc quan ấy đã trở thành sức mạnh giúp ông vượt qua biết bao khó khăn.

Bài học: Trẻ em như bọt biển, hấp thụ cảm xúc và thái độ sống từ cha mẹ. Sự bi quan của người lớn sẽ trở thành giới hạn vô hình trong tâm hồn con.

2. Người mẹ hay chỉ trích: "Sao con dốt thế!"

Biểu hiện: Hay phủ định, chỉ trích, xem đó là cách "thúc đẩy" con tiến bộ.

Trong một bộ phim tài liệu về trẻ vị thành niên phạm tội, có em nói: "Mẹ luôn coi em là kẻ vô dụng, nên em cũng nghĩ: Vậy thì cứ làm một kẻ vô dụng thôi". Trong khi đó, đạo diễn "Na Tra: Ma đồng giáng thế" – khi quyết định bỏ ngành y để theo đuổi hoạt hình – đã được mẹ nhẹ nhàng ủng hộ: "Con nghĩ kỹ là được, mẹ sẽ luôn bên con".

Một người chị họ của tôi từng bị gọi là "mập như heo" từ bé. Giờ ngoài 30, mỗi lần ăn tiệc vẫn luôn miệng: "Tôi không xứng đáng ăn ngon đâu…".

Bài học: Sự tự tin của con có thể được xây dựng – hoặc phá hủy – từng chút một, từ chính lời nói của cha mẹ.

3. Người mẹ kiểm soát: "Nghe lời mẹ là đúng!"

Biểu hiện: Từ việc mặc gì, học ngành gì đến yêu ai, làm gì… tất cả đều phải "nghe theo mẹ".

Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường như vậy thường rơi vào hai kiểu: Một là 30 tuổi vẫn không dám tự quyết, cái gì cũng hỏi mẹ; Hai là cố tình chọn đại học thật xa nhà, chỉ để thoát khỏi vòng kiểm soát.

Tâm lý học chỉ ra: Tình yêu của cha mẹ phải là thứ tình yêu hướng đến sự tách biệt. Như nhà văn Long Ứng Đài từng viết: "Làm cha mẹ là việc nhìn bóng dáng con dần rời xa…".

Làm sao để thay đổi? Ba điều nhỏ, tác động lớn

Tuần trước, con trai tôi quyết định dùng tiền mừng tuổi để mua một mô hình khủng long – món đồ không thực sự hữu ích. Tôi cố gắng không phán xét. Tối đó, con đặt lên bàn tôi một tờ giấy nhỏ: "Cảm ơn mẹ đã tôn trọng quyết định của con, con sẽ giữ gìn thật cẩn thận".

Tôi đã xúc động đến mức vui hơn cả khi mình được tặng quà.

Lời kết từ "Mẹ mọt sách":

Không có người mẹ nào hoàn hảo cả. Chính tôi cũng từng có lúc cáu gắt vì áp lực công việc mà buông lời khiến con tổn thương. Nhưng điều kỳ diệu trong việc làm mẹ là – con luôn sẵn sàng cho chúng ta cơ hội để sửa sai và yêu thương lại từ đầu.

Trẻ con không cần cha mẹ hoàn hảo. Chúng cần cha mẹ thật – và luôn sẵn lòng lớn lên cùng con.

Chia sẻ