Nếu mẹ có hành động này với bố, con cái khó trưởng thành ngoan ngoãn
Mẹ là người chăm sóc con nhiều nhất, nhưng người cho con cảm giác an toàn nhất lại chính là bố.
Tiểu Lan (Trung Quốc) ở độ tuổi 30 vẫn chưa lập gia đình. Cô nói dự định sẽ sống cả đời một mình vì sợ rằng sẽ gặp một người chồng giống như cha mình.
Tiểu Lan rất xinh đẹp, nhưng không có tự tin vì trải qua một tuổi thơ bất hạnh. Cha mẹ thường xuyên cãi vã, khi họ ly hôn, Tiểu Lan mới 5 tuổi phải theo mẹ. Thời gian đầu, cha cô thỉnh thoảng có đến thăm, nhưng người vợ luôn bị kích động nên ông dần lảng tránh.
Hình ảnh cha trong tâm trí Tiểu Lan vì thế đều được truyền lại từ lời kể của mẹ.
"Bố con rất lười, ngoại trừ 8 tiếng đi làm, ông chỉ nghịch điện thoại, hoặc ra ngoài uống rượu”; “Bố con rất thụ động, chuyện gì cũng vô tâm, không bao giờ để ý đến cảm xúc của vợ"; "Bố không thương con chút nào, vì vậy khi ly hôn không giành quyền nuôi con"...
Mặc cảm tự ti đã lấp đầy cuộc sống của Tiểu Lan trong hơn 30 năm như thế. Cô thiếu niềm tin vào hôn nhân, vào cuộc sống, thấy mình tự ti, bất hạnh.
Con gái thiếu vắng tình thương của bố là một điều thiệt thòi. Nếu hình ảnh của bố trong tâm trí con bị hủy hoại thì đứa trẻ có thể sẽ cảm thấy sợ hãi trước đàn ông. Bởi vì bố là hình tượng người đàn ông nguyên thủy trong tâm trí con, là cơ sở cho cảm giác an toàn của đứa trẻ trong cuộc sống sau này.
Hình ảnh người cha là tấm gương để con noi theo
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama có tuổi thơ đầy biến động khi bố mẹ ly hôn, mẹ tái giá. Nhưng bố luôn là đối tượng để ông ngưỡng mộ và học hỏi. Khi Obama lớn lên, mẹ luôn nói rằng, bố ông là người cực kỳ thông minh và cứng rắn.
Ngày nay, với sự gia tăng địa vị gia đình và địa vị xã hội của phụ nữ, các bà mẹ có nhiều tiếng nói hơn và phong cách sống của nhiều gia đình là "mẹ hổ và bố mèo”.
Nhiều bà vợ suốt ngày chê bai trách móc chồng: "Không có triển vọng, bỏ bê gia đình, ăn chơi nhậu nhẹt", những đứa con chỉ im lặng lắng nghe.
Trong lòng con nghĩ: "Bố mà thế này chắc con không còn nhiều tương lai", bởi bố là người định hướng cho con tiến lên, là tấm gương cho con noi theo, và hình ảnh bố trong tâm trí con cũng là hình ảnh con sẽ như thế nào trong cuộc sống sau này.
Nếu trẻ em luôn sống trong những gia đình có năng lượng tiêu cực thì sẽ không thể lớn lên khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
Không thay đổi được người khác thì hãy thay đổi chính mình. Mẹ hãy học cách giữ hình ảnh của bố trong gia đình, và biết đâu người bố cũng sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Hãy thay đổi lời than phiền bằng lời khen ngợi
Bố không biết thay bỉm, pha sữa bột cho con, có lẽ không phải bố lười mà có thể do bố không đủ tự tin để làm tốt. Nếu mẹ động viên nhiều hơn một chút, bố sẽ sẵn sàng làm những việc này.
Khi bố nấu một bữa ăn mà bố cho là ngon, mẹ đừng quên khẳng định: "Ngon hơn lần trước rất nhiều, bố sẽ sớm trở thành siêu đầu bếp".
Lời khen ngợi của mẹ sẽ khiến bố tràn đầy tự tin và sẵn sàng cống hiến hết mình cho công việc gia đình. Điều này cũng tạo nên hình ảnh tuyệt vời về người bố trong tâm trí con cái. Có một người bố tốt là điều vô cùng hạnh phúc đối với trẻ.
Khi bố lơ là chăm sóc con, mẹ nhắc nhở nhiều hơn và phàn nàn ít hơn
Nhiều bà mẹ nói rằng chồng mình như người máy, không tự giác làm việc gì nếu không sai bảo. Bố có thể rất bận rộn với công việc, hoặc có thể thực sự không muốn làm việc nhà. Người vợ nào cũng sẽ thấy bực bội, tủi thân, nhưng những lúc ấy, lời nhắc nhở sẽ hữu ích hơn là phàn nàn.
Mẹ có thể cùng bố phân công lao động cụ thể, khi bố quên hoặc bỏ sót điều gì, hãy nhắc bố bù lại.
Mẹ không nên phàn nàn trước mặt con rằng bố không chăm lo cho gia đình mà hãy nói với con: "Bố đã vất vả vì gia đình và để chúng ta hạnh phúc hơn". Giữ gìn hình ảnh người bố trong mắt con cái là điều mẹ nên làm nhất.
Mẹ học cách xoa dịu những cảm xúc tiêu cực khi bố làm không tốt
Nếu những cảm xúc tiêu cực tích tụ cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người mẹ. Bởi vậy, học cách điều hòa tâm trạng của bản thân là điều vô cùng quan trọng để có một cuộc sống hạnh phúc.
Vì chính lợi ích của mình, người mẹ hãy cố gắng làm sao để đôi bên cùng có lợi. Vu khống, chỉ trích lẫn nhau không có hiệu quả gì mà còn gây hại cho những đứa trẻ vô tội.