Nếu không học, Uyên Linh sẽ bị hỏng giọng
Nếu Uyên Linh không học mà vẫn hát theo kiểu gào thét thì sớm muộn cũng bị hỏng giọng. Nhiều bài dùng sức mà mài âm thanh từ cổ họng ra như thế thì không giữ được giọng lâu dài.
Tôi rất ngạc nhiên về Uyên Linh
- Chất lượng âm nhạc của Vietnam Idol năm nay rất tốt, mặc dù giai đoạn trước thì rất nghiệp dư và có nhiều cái chưa được. Khi loại chỉ còn hơn chục em thì tôi thấy khả năng cảm thụ âm nhạc của các em đều khá tốt.
Đặc biệt hôm chung kết, tôi thấy Uyên Linh vô cùng đặc biệt. Uyên Linh không được đào tạo bài bản về âm nhạc nhưng cảm thụ về âm nhạc, nhạc cảm của cô quá tuyệt vời. Uyên Linh không biết nhiều về âm nhạc nhưng xử lý tác phẩm rất tinh tế. Tôi rất ngạc nhiên về một người không được học nhạc một cách bài bản mà có thể làm được điều đó.
Ở Nhạc viện, có rất nhiều em cũng tham dự cuộc thi Vietnam Idol nhưng không hiểu sao bị loại. Tôi cũng không biết tiêu chí chấm là như thế nào. Tuy nhiên, tôi rất mừng là cuộc thi đã chọn được Uyên Linh.
Tôi không bàn đến vấn đề kỹ thuật. Tôi muốn nói tố chất của Uyên Linh rất tốt. Nhưng nếu Uyên Linh muốn thực sự đi xa nữa thì Uyên Linh vẫn phải học. Học để giữ được hơi thở, cách phát âm, nhả chữ...
Nếu Uyên Linh không học mà nhiều khi vẫn hát theo kiểu gào thét thì sớm muộn cũng sẽ bị hỏng giọng. Nhiều bài dùng sức mà mài âm thanh từ cổ họng ra như thế thì không giữ được giọng lâu dài.
- Có ý kiến cho rằng Uyên Linh hát giống ca sĩ Mỹ Linh?
- (Cười). Những ca sĩ chưa được học, nghiệp dư thường thường tìm một thần tượng nào đó để người ta bắt chước. Nếu không giống được 100% thì cũng giống đến 80%. Nếu bạn nghe Mỹ Linh và Uyên Linh cùng song ca thì bạn có thể thấy điều đó, đúng không?
- Với tài năng của Uyên Linh, liệu cô có vươn ra thế giới được không, vì cô hát tiếng Anh rất ổn?
- Khi ra nước ngoài, người ta đưa cho một bản nhạc và bảo hát ngay. Nếu Uyên Linh mà không biết nhạc thì ra thế giới chắc chắn là không theo kịp. Đấy là chưa nói đến giọng hát có bắt nhịp được với thế giới hay không. Ít nhất là phải học nhạc lý cơ bản, xướng âm, phải biết đọc nốt nhạc.
- Vậy Uyên Linh có cần phải học một chương trình giống như những sinh viên đang học thanh nhạc không? Hay cô có thể học tắt?
- Trong trường hợp Uyên Linh không thi vào một trường âm nhạc nào, khi có danh hiệu VietNam Idol rồi thì vẫn có thể học ngoài. Trong TP. Hồ Chí Minh có rất nhiều thầy có thể dạy về thanh nhạc. Chẳng hạn, tại sao không tìm đến NSND Trần Hiếu, một bậc thầy về kỹ thuật hơi thở, phát âm, nhả chữ, xử lý tác phẩm âm nhạc một cách tinh tế.
Không nên quá hy vọng vào giải Vietnam Idol
- Chương trình dạy thanh nhạc trong Học viên âm nhạc quốc gia Việt Nam dạy những gì cho sinh viên?
- Ông có nhận xét về những ca sĩ từng đạt giải Sao Mai? Thầy có nhận xét gì về các giải âm nhạc đại chúng gần đây, liệu nổi tiếng từ đó thì có thể tự hào?
- Nhạc viện đào tạo cũng không nhiều những ca sĩ đoạt giải Sao Mai. Cũng có một vài em thi có giải nhưng học hành tại Nhạc viện không đến nơi đến chốn, cũng bỏ dở giữa chừng. Có em buộc phải thôi học và ra ngoài nhưng có lẽ cũng không thành công lắm.
Giải Sao Mai cũng ngày một chuyên nghiệp hơn. Các thí sinh không vất vả như Vietnam Idol. Những ca sĩ đoạt giải Sao Mai khi đã đoạt giải rồi thì gần như ai cũng có vị trí, chỗ đứng, thành danh hết.
Trọng Tấn, Anh Thơ... là vài người trong số những người học hành nghiêm túc nhất. Trong trường, Anh Thơ hát cổ điển rất tốt. Sau này ra ngoài thì Anh Thơ mới hát dòng dân gian. Khi đã nắm chắc kỹ thuật rồi thì hát kiểu gì cũng tốt. Nghe Anh Thơ hát dân gian sẽ thấy cô hát khác hẳn những người hát dân gian khác.
Trần Thu Hà cũng thế, học kỹ thuật cơ bản, học cổ điển vào loại "khủng" ở trường. Sau đó khi ra trường, Hà mới chuyển sang thể loại nhạc trữ tình mang chất nhạc Jazz nhưng nghe vẫn thấy một cái gì đó rất đặc biệt.
Đăng Dương cũng thế, học trong trường cũng rất tuyệt vời. Trần Hồng Nhung, vừa tốt nghiệp đại học thanh nhạc, từ ngày đoạt giải nhì Sao Mai 2009 càng ngày hát càng hay.
Các em không nên hy vọng quá nhiều về giải Vietnam Idol. Các em muốn trở thành một ca sĩ thực thụ, chuyên nghiệp thì phải học nghiêm túc ở những môi trường đào tạo nghệ thuật nghiêm túc, chẳng hạn như các trường nghệ thuật hoặc Nhạc viện ở Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh.
- Ông có nghe và xem những chương trình thi âm nhạc nghiệp dư hay các kiểu thi âm nhạc như Vietnam Idol ở nhiều nước trên thế giới như Anh, Mỹ...Những thí sinh dù nghiệp dư nhưng hát vẫn tuyệt vời. Vậy họ có được đào tạo bài bản không?
- Theo tôi, họ hát rất chuyên nghiệp, chứng tỏ họ được đào tạo một cách bài bản.
- Ông có lời khuyên gì cho những bạn trẻ tham gia các cuộc thi âm nhạc đại chúng?
- Các bạn trẻ muốn đi theo con đường ca hát chuyên nghiệp, cần phải học, không học ít thì học nhiều những kiến thức căn bản, hiểu thế nào là âm nhạc, nếu mình đã có giọng, tố chất như Uyên Linh, lại cộng thêm hiểu biết về âm nhạc, nắm được kỹ thuật thanh nhạc thì sẽ tốt hơn rất nhiều và mới có thể tiến xa được.
Tôi cũng phải nói rằng, Uyên Linh hát rất có văn hóa. Chưa được đào tạo bài bản mà hát được như vậy thì có lẽ chỉ có Uyên Linh.