Nếu con làm vỡ 1 quả trứng, bạn sẽ ứng xử ra sao? - Hành động của bà mẹ này xứng đáng nhận điểm 10 về cách dạy con
Khi trẻ mắc lỗi, việc đánh đòn hay la mắng không giúp trẻ có hành vi đúng đắn hơn.
Bạn sẽ phản ứng thế nào nếu con vô tình làm vỡ một quả trứng? Chắc hẳn trong lúc đầu bù tóc rối chuẩn bị một bữa ăn, một số bà mẹ sẽ dễ nổi cơn tam bành. Nhưng cách xử lý bình tĩnh của một người mẹ ở Trung Quốc dưới đây đã khiến ai nấy đều ngạc nhiên.
Bà mẹ này xử lý như sau:
Sau khi đứa trẻ làm vỡ một quả trứng, chị đã giả vờ bất cẩn trước mặt đứa trẻ và làm vỡ một quả trứng khác. Sau đó chị ngồi xổm xuống, ôm lấy con và nói: "Con vô ý làm vỡ quả trứng, mẹ cũng vô ý như con, con xem, mỗi người chúng ta đều có lỗi lầm, mẹ tha thứ cho con và con cũng tha thứ cho mẹ, được không? Thôi, cùng mẹ dọn dẹp nào".
Một đứa trẻ sẽ có cảm giác ra sao khi vô tình làm vỡ một quả trứng hay thứ gì đó? Chắc hẳn sẽ sợ mẹ giận và bị mắng. Vì vậy khi gặp phải tình huống này, người mẹ đã chọn cách an ủi trẻ trước, để trẻ cảm nhận được mẹ có thể hiểu được cảm xúc của mình, đây gọi là "đồng cảm".
Thứ hai, chị cùng con giải quyết tình huống, cho con cảm giác an toàn. Chúng ta không cần phải lúc nào cũng nghĩ đến việc giáo dục trẻ. Sai lầm cũng quá trình cần thiết để trẻ trưởng thành, ta nên cho trẻ không gian để tiếp nhận cuộc sống và tự khám phá bản thân. Trẻ sẽ học từ chính sai lầm và trải nghiệm.
Đơn giản vậy thôi nhưng quả thật không phải ai cũng làm được, nhất là trong lúc bếp núc bận rộn dễ cáu gắt và mất bình tĩnh. Vì vậy, hành động của người mẹ sau đó nhận về cơn mưa lời khen. Nhiều người cho biết họ cảm thấy rất nể phục người phụ nữ này, vì đã rất bình tĩnh sau hành động vô ý của con.
Ứng xử khi con mắc lỗi là cả một nghệ thuật
Khi con lớn (từ 3-5 tuổi) và bắt đầu nhận thức được mối liên hệ giữa việc làm và kết quả, cha mẹ có thể nói cho con biết các quy tắc trong gia đình. Bạn hãy nói để trẻ hiểu điều đúng nên làm là gì, chứ không chỉ nói việc làm đó sai rồi. Trong một số trường hợp, sau khi trẻ đã nhìn nhận đúng và nhận lỗi, làm thế nào để hướng dẫn trẻ nói lời xin lỗi sao cho hiệu quả và chân thành?
Khi trẻ lớn và cần sự độc lập, trách nhiệm nhiều hơn, bạn hãy dạy trẻ đối phó với những hậu quả việc làm của mình. Chẳng hạn, trẻ đã học lớp 5 mà vẫn không chịu làm bài tập trước giờ đi ngủ thì có nên bắt trẻ phải thức để làm bài hoặc thậm chí làm giúp?
Có thể là không nên, bởi bạn sẽ bỏ lỡ một cơ hội dể dạy con bài học quan trọng về cuộc sống. Nếu không làm bài tập đầy đủ, trẻ sẽ bị điểm kém!
Cha mẹ bao giờ cũng muốn giúp con không phạm lỗi, nhưng về lâu dài bạn cũng nên để trẻ biết thế nào là thất bại. Trẻ sẽ nhìn ra rằng ứng xử không phù hợp thì sẽ có hậu quả gì và biết cách rút kinh nghiệm.
Khi trẻ mắc lỗi, việc đánh đòn hay la mắng không giúp trẻ có hành vi đúng đắn hơn, làm tốt hơn, mà sẽ "dạy" trẻ biết cách né tránh, đổ lỗi, biện minh mỗi khi mắc sai lầm. Đặc biệt, trẻ con thường nhớ sự trừng phạt hơn là lý do bị phạt.
Là cha mẹ, khi con mắc lỗi, trước tiên hãy dạy con nhận lỗi và chịu trách nhiệm. Sau đó, hãy khoan dung, tha thứ. Không cần dùng roi vọt hay những lời quát tháo mà con vẫn rút ra được bài học cho bản thân. Điều quan trọng là cha mẹ phải giúp con nhận ra lỗi lầm thực sự của mình và nói lời xin lỗi thật lòng chứ không phải nói cho xong nghĩa vụ hoặc vì sợ bố mẹ.