Nếu con có 4 hành vi "khôn lỏi" này, cha mẹ nên xấu hổ chứ đừng khoe khoang
Nếu cha mẹ không can thiệp kịp thời mà còn tự hào về điều đó, thì tương lai của con cái thực sự rất khó để thành đạt.
Kiểu thứ nhất: "Trước mặt một kiểu, sau lưng một kiểu"
Một cư dân mạng kể: "Con gái 13 tuổi của một người bạn tôi nổi tiếng là một "học sinh kiểu mẫu". Mỗi lần gặp người lớn, bé đều cúi chào rất lễ phép, thậm chí còn rót nước cho người lớn. Ai cũng khen bé "biết điều".
Nhưng một lần, sau khi buổi tiệc kết thúc, tôi vô tình nghe thấy bé cầm tiền từ mẹ và hậm hực bảo: "Phiền quá. Nếu không phải vì mẹ hứa mua cái iPad mới, con chẳng thèm ra rót nước đâu".
Khoảnh khắc đó khiến cư dân mạng kia sốc nặng.
Người lớn nếu cố tình giả vờ khéo léo đã là điều đáng xấu hổ, huống hồ đây lại là một đứa trẻ vốn nên hồn nhiên và trong sáng?
Đây không phải là sự thông minh thực sự, mà là dấu hiệu của sự thoái hóa về năng lực cảm xúc.
Nhà tâm lý học trẻ em Winnicott từng chỉ ra: Việc quá chú trọng rèn luyện lễ nghi cho trẻ có thể khiến chúng phát triển một "cái tôi giả tạo". Điều này giống như những nhân viên bán hàng trong trung tâm thương mại chỉ biết đọc những câu thoại tiêu chuẩn, vẻ ngoài nhiệt tình nhưng ánh mắt không có chút chân thành.

Ảnh minh hoạ
Điều đáng lo hơn là có những đứa trẻ trước mặt giáo viên thì ngoan ngoãn, nhưng sau lưng lại lợi dụng quyền lực để bắt nạt bạn bè; có trẻ đọc bài về đạo hiếu trước máy quay nhưng lại đánh mắng ông bà khi không có ai chứng kiến; có trẻ viết trong bài tập làm văn rằng "cần quan tâm đến công nhân vệ sinh", nhưng ngoài đời lại vứt rác bừa bãi.
Những đứa trẻ có kiểu hành vi "trước một kiểu, sau lưng một kiểu" như vậy thực chất là có vấn đề về nhân phẩm. Cha mẹ cần can thiệp và hướng dẫn kịp thời, nếu không đường đời của con càng đi sẽ càng hẹp, tương lai khó mà thành đạt. Bởi lẽ, chẳng ai muốn hợp tác với một người không có đạo đức.
Cách sửa đổi: Nếu bạn phát hiện con mình có kiểu hành vi này, hãy thử tạo thói quen mỗi tối trước khi ngủ, tắt hết đèn và để con chia sẻ cảm xúc thật của mình trong bóng tối. Phương pháp "Kể chuyện trong bóng tối" có thể giúp trẻ dần dần tháo bỏ lớp mặt nạ và trở về với chính mình.
Kiểu thứ hai: Không bao giờ nhận lỗi, luôn đổ lỗi cho người khác
Ở khu vui chơi trong khu dân cư, có một cậu bé rất "tinh ranh", mỗi lần gây chuyện đều có thể khéo léo đổ lỗi cho người khác: Làm vỡ kính cửa sổ, cậu bé nói là do con mèo hoang chạy qua đụng phải. Giật đồ chơi của em gái, cậu bé cãi là do em "tự đưa cho mình". Xé rách sách tranh, cậu bé lén nhét giấy vụn vào cặp sách của bạn.
Mẹ của cậu bé thậm chí còn tự hào chia sẻ với mọi người: "Tôi luôn dạy con làm gì cũng phải chừa đường lui".
Nhưng thực sự điều này không có gì đáng tự hào cả. Ai mà thích một người luôn đổ lỗi cho người khác? Nếu gặp một đứa trẻ như vậy, tôi sẽ dạy con mình tránh xa ngay lập tức.

Ảnh minh hoạ
Bạn có từng gặp kiểu trẻ này chưa? Những đứa trẻ khi làm sai thì tìm mọi cách biện hộ: "Con để ở đây 3 phút trước, chắc chắn có người khác làm hỏng"; "Ai cũng làm thế, sao lại chỉ trách con?"; "Nếu mẹ cứ trách con, con sẽ nhảy xuống luôn đó!";...
Trẻ con mà luôn đổ lỗi cho người khác sẽ ngày càng bị xa lánh, và chắc chắn tương lai cũng khó mà có thành tựu.
Cách sửa đổi: Hãy đặt một "Hòn đá ăn năn" trong phòng của trẻ. Mỗi lần con đổ lỗi cho người khác thay vì nhận trách nhiệm, hãy thêm một hòn đá vào. Nếu gom đủ bảy hòn, con sẽ phải làm một việc tốt để "chuộc lỗi", như chăm sóc mèo hoang trong ba ngày. Qua cách này, con sẽ dần học được tinh thần trách nhiệm.
Kiểu thứ ba: Luôn thích tranh luận vô nghĩa
Một giáo viên dạy văn kể rằng lớp học cuối tuần của cô có một cậu bé "thiên tài logic", luôn có cách lập luận oái oăm khiến cô đau đầu.
Cô nói: "Chăm chỉ là một đức tính tốt", cậu bé liền hỏi lại: "Vậy tại sao những người chăm chỉ thường nghèo hơn?". Cô kể chuyện "Khổng Dung nhường lê", cậu bé lại phản bác: "Nếu quả lê có độc thì sao?".
Cậu bé thích tranh luận với giáo viên nhưng thực tế lại không có ý tưởng sáng tạo hay chính kiến gì nổi bật. Bài văn viết rất kém, nhưng lại không chịu tiếp thu.
Trẻ như vậy sau này sẽ khó học tốt, khó làm việc hiệu quả, và các mối quan hệ xã hội cũng không suôn sẻ, khiến con đường thành công trở nên xa vời.
Cách sửa đổi: Cha mẹ có thể tổ chức các buổi "tranh luận mang tính xây dựng" trong gia đình. Quy tắc là: Mỗi khi con đưa ra ý kiến phản đối, con phải đi kèm với một giải pháp thực tế. Điều này giúp trẻ vừa thỏa mãn sở thích tranh luận, vừa học cách tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề.
Kiểu thứ tư: Luôn thích lợi dụng người khác
Những đứa trẻ vì chút lợi nhỏ mà từ bỏ nguyên tắc của mình thực ra rất phổ biến, và phần lớn là do cha mẹ đã làm gương xấu.
Tôi từng thấy một cậu bé 6 tuổi trong siêu thị, vừa bước vào đã chạy thẳng đến quầy thử đồ ăn miễn phí. Cậu bé thử hết tất cả các món có sẵn, thậm chí còn lén nhét một phần mẫu vào túi của mẹ.
Điều đáng nói là người mẹ không hề ngăn cản, mà còn khen con: "Con trai tôi giỏi thật, tiết kiệm được bao nhiêu tiền mua đồ ăn vặt rồi!". Cho đến khi nhân viên siêu thị yêu cầu trả lại mẫu thử, người mẹ vẫn cố biện hộ: "Trẻ con còn nhỏ, cứ tưởng thử là được lấy luôn!".
Có thể chính cha mẹ cũng quen thói chiếm lợi nhỏ nên con cái mới bắt chước như vậy. Nhưng người có thể chiếm lợi một lần, không thể chiếm lợi cả đời, vì không ai ngu ngốc mà để bị lợi dụng mãi.
Cách sửa đổi: Cha mẹ phải làm gương trước: Thử đồ miễn phí nhưng không lạm dụng. Không đi tàu xe mà trốn vé. Không lấy thứ không thuộc về mình. Ngoài ra, có thể tạo "Hũ tiết kiệm niềm vui": Mỗi lần con từ bỏ việc lợi dụng người khác, con sẽ được tặng một đồng xu. Khi đạt đủ 10 đồng, con có thể đổi lấy phần thưởng lớn hơn.
Sự thông minh thực sự là khiến người khác cảm thấy thoải mái khi ở bên cạnh. Trẻ học được cách cùng người khác chiến thắng thì mới có tương lai tươi sáng. Bạn có đồng ý không?