Nếu con có 4 dấu hiệu “hư hỏng” này thì cha mẹ nên lưu ý: Nhiều đứa trẻ đã trở thành "nạn nhân"
Cha mẹ hãy thận trọng và có cách cải thiện tình hình.
Là cha mẹ, tất cả chúng ta đều muốn dành cho con mình 100% tình yêu thương và chỉ mong chúng lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc. Nhưng đôi khi, sự nuông chiều vô nguyên tắc của cha mẹ không phải là điều tốt cho con cái.
Quá chiều con, làm ngơ khi con mắc lỗi, để con mặc sức làm theo ý mình ngay từ khi còn nhỏ, trong khi cha mẹ lại chỉ biết phục tùng vô điều kiện... Tất cả những thứ đó đều sẽ tác động tiêu cực lên việc hình thành nhân cách của đứa trẻ sau này. Nhiều đứa trẻ đã nhận hậu quả khi lớn lên vì cách giáo dục sai lầm này của gia đình.
Trong quá trình nuôi dạy, nếu trẻ có 4 hành vi sau đây nghĩa là trẻ đang có dấu hiệu bị dạy "hư". Cha mẹ hãy thận trọng và có cách cải thiện tình hình.
1. Khả năng độc lập và tự chăm sóc bản thân kém
Một số cha mẹ có thể vì nhiều lý do khác nhau, như vội vã về thời gian hay lo lắng con học không tốt nên lo liệu mọi việc dù lớn hay nhỏ. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường như vậy sẽ có sức ì và dần mất đi khả năng tự chăm sóc bản thân. Kết quả là một số trẻ đã vào tiểu học nhưng vẫn chưa biết cách tự mặc quần áo, tắm rửa, thậm chí khi ăn phải dỗ dành cho ăn.
Câu chuyện về chàng trai tên Jack, 33 tuổi, sống tại Mỹ là một ví dụ. Anh chàng này được cả xã hội biết đến với biệt danh "cậu bé khổng lồ" khi đến tận ngoài 30 tuổi vẫn không thể tự phục vụ cho bản thân mà phải phụ thuộc hết vào cha mẹ.
Anh chàng không có khiếm khuyết nào trên cơ thể, mọi bộ phận đều hoạt động bình thường và phát triển như một người trưởng thành. Song, anh lại giữ thói quen uống sữa bằng bình, mặc tã, dùng núm vú giả và vẫn ở trong cũi. Điều này khiến nhiều người đặt dấu hỏi chấm vì không hiểu tại sao một người khoẻ mạnh lại trở nên như vậy?
Nguồn cơn của chuyện này chính là việc anh chàng đã được nuông chiều từ khi còn rất nhỏ, mọi hoạt động của cha mẹ dù là nhỏ nhất đều phục vụ con trai. Cha mẹ Jack không cho con trai mình ra khỏi nhà, luôn ở trong tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, cứ để cho con trai mình nằm dài trong cũi chơi trò chơi và bưng đồ ăn lên tận miệng. Vì vậy, đến năm 6 tuổi, Jack không thể bước đi vững vàng nên cũng không thể đi học.
Điều này kéo dài đến tận năm 13 tuổi, bố mẹ Jack nghĩ cậu bị mắc một chứng bệnh tâm lý nào đó nên mới bị như vậy. Tuy nhiên, bác sĩ lại xác định Jack hoàn toàn bình thường nhưng cách chăm sóc quá khác biệt khiến cho cậu không thể phát triển.
Quá trình phát triển của trẻ là một hành trình tiếp thu kiến thức và kỹ năng ở mọi mặt của cuộc sống. Vì vậy, nếu cha mẹ đều tự tay làm hết cho các con, không để con mình tự trải nghiệm thì trẻ sẽ không có khả năng thực hiện những điều cơ bản đó. Từ đó, các việc làm khó hơn cũng không thể làm.
3-6 tuổi là giai đoạn quan trọng để rèn luyện khả năng tự chăm sóc bản thân của trẻ. Trẻ nên được phép thực hiện một số hành vi sinh hoạt cơ bản một cách độc lập như mặc quần áo, cởi quần áo, buộc dây giày, giặt giũ, ăn uống, v.v. Khuyến khích trẻ tự làm những việc của mình ngay từ khi còn nhỏ và tạo ra nhiều cơ hội thực hành hơn.
2. Mất bình tĩnh và không biết ơn
Một đặc điểm đặc biệt rõ ràng của những đứa trẻ hư là tính khí nóng nảy, mất bình tĩnh khi không vừa ý dù chỉ một chút. Chúng thường ích kỷ, không quan tâm đến cảm xúc của người khác và làm ngơ trước những sự "cung phụng" của gia đình. Đặc biệt khi gặp khó khăn hay những ham muốn không được thỏa mãn, chúng sẽ trút hết cảm xúc lên những người thân thiết nhất.
Dạy trẻ hiểu và quản lý cảm xúc của mình ngay từ khi còn nhỏ là nền tảng để nâng cao khả năng tự chủ. Cha mẹ thông minh biết nắm bắt cơ hội để con trưởng thành, hướng dẫn con quản lý cảm xúc, rèn luyện tính tự chủ ngay từ khi còn nhỏ.
Ví dụ, chúng ta có thể dạy trẻ nhận biết những cảm xúc khác nhau và thể hiện chúng một cách chính xác thông qua sách tranh, truyện, đóng vai và hướng dẫn tình huống. Đồng thời, giúp con biết chú ý và tôn trọng nỗ lực của người khác và thể hiện lòng biết ơn. Trong trường hợp trẻ làm sai, trẻ hành xử tệ, bạn cần phải mô tả cảm xúc của mình cho con, để con hiểu những gì bạn đã trải qua, bạn cảm nhận. Từ đó, trẻ đồng cảm hơn, biết suy nghĩ về tác động từ hành động của mình gây ra cho người khác và thay đổi hành vi dần dần.
3. Đòi hỏi quá đáng và ra điều kiện thương lượng về mọi thứ
Ví dụ, nếu bạn yêu cầu con làm một số việc nhà, trẻ trước tiên sẽ thương lượng: Cho con tiền tiêu vặt, đổi lấy việc con chơi điện thoại di động hoặc xem TV. Dù có yêu con đến đâu thì bạn cũng không thể chấp nhận những đòi hỏi quá đáng. Những nhu cầu của trẻ cần được đáp ứng một cách có chọn lọc, nếu thỏa mãn được một lần thì sau này sẽ có nhiều yêu cầu khác chờ đợi. Đừng dễ dàng thỏa hiệp vô lý.
Trước đó, có một đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc: Một cậu bé khoảng 10 tuổi, giơ tay đấm liên tiếp vào người mẹ. Khi mẹ ngã xuống đất, cậu bé tiếp tục đạp vào mẹ. Đáp lại hành động này của con, người mẹ chỉ nhẫn nhịn. Trong khi người dùng mạng trách móc cậu bé một, thì giận người mẹ mười, bởi cô đã không biết làm thế nào để trị sự hư đốn của đứa con mình đẻ ra.
Từ phản ứng của những đứa trẻ như trong video, có thể thấy rằng chúng có một đặc điểm chung là phải được đáp ứng các nhu cầu cá nhân, nếu không sẽ phản ứng lại bằng vũ lực. Điều đó cho thấy trong suốt quá trình từ khi trẻ nhỏ, cha mẹ luôn làm hài lòng mọi yêu cầu của chúng, bất kể là yêu cầu đó có quá đáng hay không. Theo thời gian, những đòi hỏi này của trẻ tăng lên, chúng nghiễm nhiên cho rằng mình được quyền hưởng những điều đó thay vì thái độ biết ơn, trân trọng.
Khi trẻ đưa ra một đòi hỏi nào đó, bạn cần phải yêu cầu trẻ đưa ra lý do. Nếu hợp lý, bạn có thể đáp ứng. Tuy nhiên, nếu là vô lý, bạn nên từ chối nhẹ nhàng, nhưng thật kiên quyết. Là cha mẹ, chúng ta phải hướng dẫn con cái học cách có trách nhiệm, đồng thời để chúng hiểu rằng không phải mọi thứ trong cuộc sống đều có thể dễ dàng có được.
4. Hành động không tuân theo quy tắc
Mọi thứ trên thế giới đều không thể tách rời khỏi các quy tắc. Chỉ có quy tắc chúng ta mới biết được ranh giới và duy trì sự phù hợp giữa con người với nhau. Nhưng việc tuân thủ các quy tắc cần được rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ. Nếu một đứa trẻ ngang ngược, thiếu kỷ luật, không những xúc phạm người khác mà sau này còn khó thích nghi với xã hội!
Nếu bạn muốn con bạn tuân theo các quy tắc, trước tiên bạn phải đề ra các quy tắc đó. Cách trực tiếp nhất là bảo con bạn phải làm gì. Ví dụ: Giấy vụn phải vứt vào thùng rác, không được nói chuyện trong lớp, cùng chơi trò chơi phải xếp hàng chờ... Nếu trẻ làm đúng thì hãy động viên kịp thời.
Thứ hai, kết hợp lời nói với hành động. Ví dụ, hãy hỏi con bạn: Con nên ngồi ở đâu khi xem TV? Thôi đi ra ngoài nhanh, đi trễ học là không tốt đâu. Tất cả những điều này có thể đóng vai trò là gợi ý và nhắc nhở. Hơn nữa, điều quan trọng là cha mẹ phải làm gương cho con. Nếu cha mẹ có ý thức kỷ luật cao thì con cái sẽ không khác biệt nhiều.