Nếu cha mẹ quát mắng mà con cãi lại thì gia đình này vẫn có thể cứu được. Điều đáng sợ nhất là...
"Con trai vừa tròn 15 tuổi đã tặng tôi một món quà cực lớn: Đe dọa rằng sẽ không học tiếp vào kỳ sau, muốn bỏ nhà ra đi".
* Bài viết của mẹ Tiểu Miên - một blogger chuyên về nuôi dạy con ở Trung Quốc.
Tôi đã quên mất đây là lần thứ mấy cãi nhau với con trai đến mức tôi suýt nữa bị nhồi máu cơ tim. Đặc biệt là gần đây, con trai vừa tròn 15 tuổi đã tặng tôi một món quà cực lớn: Đe dọa rằng sẽ không học tiếp vào kỳ sau, muốn bỏ nhà ra đi.
Từ khi con còn nhỏ, vợ chồng tôi đã lên kế hoạch cho con mọi thứ: Học trường nào, tham gia những lớp năng khiếu gì, thậm chí còn tiết kiệm tiền cho con, dự định cho nó cơ hội đi du học sau khi học xong trung học. Về việc này, con trai tôi cũng không có sự phản kháng gì nhiều.
![Nếu cha mẹ quát mắng mà con cãi lại thì gia đình này vẫn có thể cứu được. Điều đáng sợ nhất là...- Ảnh 1. Nếu cha mẹ quát mắng mà con cãi lại thì gia đình này vẫn có thể cứu được. Điều đáng sợ nhất là...- Ảnh 1.](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/10/avatar1739168060663-17391680609641665606621.jpg)
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, từ năm ngoái, con trai tôi bắt đầu thay đổi, không chỉ tính khí trở nên nóng nảy hơn, mà còn thường xuyên cãi lại, nói rằng muốn học nhạc, không đồng ý với con đường học tập mà bố mẹ vạch sẵn.
Con trai vốn là đứa ngoan ngoãn và nghe lời, thế mà giờ lại dám phản đối, làm trái với ý kiến của chúng tôi. Điều này khiến tôi không thể chịu được.
Để thuyết phục con "quay lại" với những gì tôi và bố nó mong muốn, tôi ngày nào cũng không ngừng nói đi nói lại, hoặc là hét lớn để ép con phải đồng ý. Kết quả, con trai tôi, cao hơn tôi rất nhiều, còn "hét" lại tôi mạnh mẽ hơn, quyết không chịu nghe lời, suốt ngày nhốt mình trong phòng và mở nhạc rock ầm ĩ.
Lần này, nguyên nhân khiến con tôi muốn bỏ nhà đi là vì nó thấy trên mạng có một khóa học nhạc ở xa, tôi không cho tham gia thì nó tuyên bố bỏ học và tự mua vé đi.
Nhìn đứa con trai đang khỏe mạnh và bình thường, giờ bỗng dưng trở thành một người xa lạ không nhận ra được nữa, trong lòng tôi đau khổ đến mức suýt tuyệt vọng. Vì vậy, tôi đã nhờ một người bạn làm giáo viên chủ nhiệm cấp 2 gần 20 năm, tìm lời khuyên về cách sửa đổi hành vi của con.
Không ngờ, sau khi nghe tôi khóc lóc kể lể, cô bạn lại trả lời tôi một cách bất ngờ:
"Hãy trân trọng đứa trẻ có chính kiến, dám cãi lại!".
Câu hỏi khó trả lời
Cô ấy hỏi tôi: "Bạn muốn nuôi một đứa trẻ luôn im lặng, không bao giờ mở miệng nói gì không?". Thấy tôi ngơ ngác, cô ấy dẫn dắt tôi suy nghĩ về một câu hỏi:
"Con bạn bây giờ đang ở tuổi thanh xuân, là thời điểm nó có rất nhiều suy nghĩ và chính kiến. Bạn muốn con nó dám thể hiện bản thân, hay là cái gì cũng để bạn sắp xếp, dù bị mắng hay chỉ trích cũng không thèm nói gì?". Thực sự, câu hỏi này khiến tôi khó trả lời.
Nếu xét về sự tiện lợi, tôi dĩ nhiên mong con trai mình nghe lời, tôi nói gì cũng phải làm theo, không dám cãi lại. Nhưng nếu vậy, thì vô hình trung con sẽ trở thành con rối, làm mọi thứ chỉ theo ý của tôi, không có chính kiến và suy nghĩ riêng.
Hơn nữa, nếu những quyết định của bố mẹ không phải là những gì con thực sự mong muốn, mà không nói ra, cam chịu và cứ thế làm theo, sẽ vô cùng khổ sở và dễ bị tổn thương, thậm chí có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý sau này.
Giờ đây tôi mới nhận ra rằng, những đứa trẻ quá ngoan, luôn dùng sự nhu thuận và nghe lời để bao bọc bản thân, không dám lên tiếng phản đối khi bị tổn thương, sẽ rất dễ bị năng lượng tiêu cực nuốt chửng. Đến khi gặp vấn đề thực sự thì đã quá muộn.
Nếu tôi phải chọn, tôi thà rằng con không quá ngoan ngoãn, thà rằng có thể phản kháng và thể hiện chính kiến, còn hơn là cứ giấu giếm trong lòng và chịu đựng mọi thứ.
Suốt bao nhiêu năm nuôi dạy, tôi chỉ mong con có thể trưởng thành, tự lập, sống một cuộc đời mà nó thực sự mong muốn, tự do làm chủ cuộc sống của mình. Nếu sự mạnh mẽ của tôi khiến con trai phải từ bỏ nguyện vọng, không dám thể hiện suy nghĩ của bản thân, tôi sẽ rất ân hận.
Thà rằng con dám nói không, dám thể hiện suy nghĩ của mình, còn hơn để nó trở thành một đứa trẻ chỉ biết nghe lời bố mẹ mà không có chính kiến riêng.
"Đứa trẻ dám cãi lại, chẳng phải là đang thể hiện bản thân sao?"
Khi nghe câu này, tôi dường như đã nhận ra vấn đề của mình. Mặc dù tôi thường xuyên bị con trai làm cho tức điên người, nhưng mỗi lần cãi lại, phản kháng của nó chính là cách nó thể hiện suy nghĩ của mình. Khi tôi chia sẻ suy nghĩ này với người bạn, cô ấy cười và gật đầu, nói rằng cuối cùng tôi cũng đã nhận ra.
Trong một gia đình, nếu cha mẹ có thái độ cứng rắn, yêu cầu con cái quá cao, thậm chí thường xuyên dùng những lời la mắng để áp chế con cái, thì khi đứa trẻ dám cãi lại và thách thức quyền lực, điều này có nghĩa là đứa trẻ vẫn còn hy vọng và gia đình này vẫn có thể thay đổi.
Tại sao việc trẻ cãi lại là một điều tốt?
Bạn của tôi giải thích như sau:
- Những đứa trẻ cãi lại có ý thức mạnh mẽ về bản thân và khả năng tư duy độc lập. Hơn nữa, khi phản biện để chứng minh mình đúng, điều này vô hình trung rèn luyện khả năng tư duy, và trẻ phải dùng bộ não để đưa ra lý lẽ, thể hiện nhu cầu của bản thân.
- Những đứa trẻ biết cãi lại không sợ xung đột và ít bị nội tâm hóa sự việc. Đại học Virginia đã theo dõi 150 đứa trẻ 13 tuổi và phát hiện rằng những đứa trẻ thường xuyên "cãi lại" cha mẹ ở nhà có khả năng đối mặt với những ý kiến trái chiều từ người khác, dễ dàng xử lý căng thẳng hơn và sau này thành công hơn trong công việc.
Hãy thử nghĩ xem, nếu chúng bị cha mẹ tước đoạt quyền lợi mà vẫn dám chống lại quyền lực và tranh luận để bảo vệ bản thân, điều này chứng tỏ rằng chúng không sợ xung đột, có tính cách kiên cường và sau này sẽ không sợ bị lợi dụng hay thiệt thòi.
- Trẻ cãi lại đôi khi phản ánh vấn đề trong giáo dục và là cơ hội để cha mẹ điều chỉnh. Nếu đứa trẻ cứ cãi lại không ngừng, làm gì cũng thích đối đầu với cha mẹ, thì cha mẹ cần phải suy nghĩ lại xem liệu vấn đề có phải xuất phát từ chính mình.
Sự phản kháng của trẻ không phải là vô cớ, mà phần lớn là do cha mẹ quá kiểm soát, quá mạnh mẽ, khiến đứa trẻ cảm thấy bị gò bó và tích tụ quá nhiều sự bất mãn, dẫn đến phản kháng. Khi tìm được nguyên nhân cốt lõi, cha mẹ mới có thể điều chỉnh phương pháp giáo dục và đồng hành cùng trẻ trong quá trình trưởng thành.
3 việc cha mẹ nên làm
Là cha mẹ thật lòng yêu thương và mong con cái khỏe mạnh, hạnh phúc, tôi quyết định làm ba việc này, không còn cố gắng quát mắng và kiểm soát con:
- Hạ bớt thái độ từ trên cao xuống, học cách lắng nghe con cái. Có thể, khi kiên nhẫn bước vào thế giới của con, tôi sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị, những ý tưởng bất ngờ, và tôi sẽ thấy rằng thế hệ của con mình thật đặc biệt.
- Cố gắng trở thành đồng đội của con, đứng về phía con. Ví dụ, khi con trai tôi muốn học âm nhạc, điều đó gửi gắm một tín hiệu: So với kế hoạch mà cha mẹ đã đặt ra cho con, nó có dự định riêng, nó thích nghệ thuật. Lúc này, thay vì phản đối hay đè nén, tôi sẽ dùng thái độ tôn trọng để trao đổi với con, phân tích tính khả thi của quyết định này, những thách thức và rủi ro có thể gặp phải. Khi con bày tỏ nhu cầu mạnh mẽ, tôi sẽ tạo cơ hội cho nó thử nghiệm, miễn là không ảnh hưởng đến việc học.
- Thay đổi cách giao tiếp, làm gương mẫu và hướng dẫn con cách diễn đạt hợp lý. Muốn giảm bớt việc con dùng cách cãi lại để thể hiện nhu cầu và cảm xúc, điều quan trọng là cha mẹ cần kiểm soát cảm xúc và từ bỏ thói quen la mắng. Cần tìm cơ hội và hoàn cảnh thích hợp để giao tiếp với con một cách lý trí, nhẹ nhàng và thuyết phục.