Nếu cha mẹ không nhận ra những điều này sớm thì con có học đến 1, 2 giờ sáng, kết quả vẫn chẳng ra sao!

Thanh Hương,
Chia sẻ

Vì sao nhiều đứa trẻ học rất chăm nhưng kết quả vẫn không như mong đợi?

Một phụ huynh chia sẻ, chị cảm thấy bất lực vì chuyện học của con. Nếu con không nghiêm túc làm bài tập, việc điểm thi không tốt là bình thường. Nhưng điều đáng nói ở đây là con chị thường xuyên thức khuya để làm bài tập, có những hôm thức đến 11, 12h đêm.

Trong cuộc sống, có lẽ rất nhiều phụ huynh đều có chung thắc mắc: Con mình rõ ràng rất chăm chỉ và nỗ lực, nhưng thành tích vẫn không có tiến triển. Dù đã thử nhiều cách khác nhau, tình hình vẫn không cải thiện.

Nỗ lực và kết quả không tỷ lệ thuận, phần lớn là do những nguyên nhân này

1. Quản lý thời gian không hiệu quả

Hiện nay, lượng bài tập của học sinh khá lớn. Đối mặt với khối lượng bài tập nặng nề này, các em thiếu kỹ năng lập kế hoạch thời gian một cách hiệu quả, dẫn đến hiệu suất học tập thấp.

Nói thẳng ra, trẻ không biết cách phân biệt giữa việc quan trọng và không quan trọng. Các em có thể dành quá nhiều thời gian cho một bài tập, từ đó bỏ qua tầm quan trọng của những bài tập khác.

2. Phương pháp học tập lỗi thời

Một số trẻ vẫn áp dụng cách học thuộc lòng truyền thống. Dù cách này có thể giúp ghi nhớ một số kiến thức, nhưng hiệu quả lại không cao.

Khối lượng kiến thức cần học rất lớn. Nếu không nắm bắt được các chiến lược học tập hiệu quả hơn, các em sẽ cảm thấy ngày càng vất vả. Điều này không chỉ khiến việc học không theo kịp, mà còn dễ quên đi những kiến thức đã học trước đó.

Nếu cha mẹ không nhận ra những điều này sớm thì con có học đến 1, 2 giờ sáng, kết quả vẫn chẳng ra sao!- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

3. Áp lực tâm lý quá lớn

Những trẻ thường xuyên thức khuya học bài nhưng điểm số không như mong muốn thường phải chịu áp lực tâm lý rất lớn, dễ rơi vào vòng luẩn quẩn trong học tập.

Nếu tình trạng này kéo dài, trẻ có thể gặp các vấn đề tâm lý khác nhau, từ nhẹ như lo âu, cáu gắt, đến nặng hơn như trầm cảm. Những vấn đề này ảnh hưởng nghiêm trọng đến trạng thái học tập và kết quả của các em.

4. Sự ảnh hưởng từ môi trường gia đình

Bầu không khí gia đình, phương pháp giáo dục của cha mẹ và cách giám sát việc học bài đều có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập của trẻ.

Điều đáng buồn là cho đến nay, một số phụ huynh vẫn chưa nhận thức được vấn đề này. Họ thường nghĩ rằng học tập là việc của con, không liên quan gì đến người lớn. Hoặc, có những phụ huynh giám sát con làm bài như đang "canh phạm nhân".

5. Kiến thức nền tảng yếu kém

Một nguyên nhân khác là kiến thức cơ bản của trẻ quá yếu, dù có cố gắng đến đâu cũng không thể theo kịp nhịp độ học tập bình thường.

Học tập giống như xây nhà, kiến thức nền tảng chính là phần móng. Nếu phần móng không được xây vững chắc, việc xây dựng tiếp theo chỉ càng khó khăn hơn.

Cách cải thiện kết quả học tập của trẻ

1. Tìm phương pháp học tập phù hợp

Học tập chưa bao giờ là một việc có thể hoàn thành ngay lập tức. Phụ huynh cần chấp nhận kết quả học tập chưa tốt của con, sau đó dần dần đồng hành cùng con, tìm ra phương pháp học phù hợp nhất với trẻ.

Phụ huynh có thể quan sát xem con thích học theo cách nào: học qua video, sử dụng sơ đồ tư duy, hay thông qua thảo luận nhóm.

2. Rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian

Đừng để trẻ bị "giả nỗ lực" đánh lừa. Hãy dạy các em cách sử dụng công cụ quản lý thời gian một cách hợp lý, phân loại kiến thức theo mức độ quan trọng hoặc độ khó.

Sau đó, lập kế hoạch học tập phù hợp. Những môn học hoặc kiến thức quan trọng có thể dành nhiều thời gian hơn, trong khi những nội dung ít quan trọng hơn có thể dành ít thời gian hơn.

3. Củng cố kiến thức nền tảng

Hãy giúp trẻ tự đánh giá kết quả học tập, tìm ra những môn hoặc kiến thức yếu kém, sau đó tập trung ôn tập bổ sung. Việc này sẽ giúp trẻ tiến bộ rõ rệt hơn.

Nếu không thực sự cần thiết, không nên đăng ký quá nhiều lớp học thêm cho trẻ, vì điều này dễ khiến các em phát sinh tâm lý chống đối. Thay vào đó, có thể tìm tài liệu phù hợp trên mạng, giúp trẻ học tập trong môi trường quen thuộc để đạt hiệu quả tốt hơn.

4. Quan tâm đến sức khỏe tâm lý của trẻ

Sức khỏe tâm lý của trẻ thực sự rất quan trọng. Hy vọng mọi phụ huynh đều có thể chú ý đến cảm xúc của con mình, đừng để trẻ rơi vào "vực thẳm tâm lý".

Trong cuộc sống, hãy thường xuyên trò chuyện, khuyến khích trẻ bày tỏ suy nghĩ. Dù kết quả học tập không tốt, phụ huynh vẫn cần đảm bảo sức khỏe tâm lý của trẻ.

5. Tạo dựng môi trường gia đình tích cực

Phụ huynh nên tạo một bầu không khí gia đình ấm áp, tràn đầy sự hỗ trợ cho con. Dù là học tập hay bất kỳ việc gì khác, đừng đặt quá nhiều áp lực lên trẻ, vì các em không thể gánh chịu được.

Sự thấu hiểu và khích lệ chính là điều kiện tiên quyết để trẻ tiến bộ. Trong gia đình, hãy dùng sức mạnh của tình yêu và sự ấm áp để đồng hành cùng con, khơi dậy động lực học tập bên trong trẻ.

Lời khuyên dành cho phụ huynh

Không thể phủ nhận rằng thành tích học tập rất quan trọng. Nhưng so với sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ, việc này nên đặt ở vị trí thứ hai.

Điều cần nhớ là, phụ huynh không nên lúc nào cũng chỉ tập trung vào việc học của trẻ. Hãy dành thời gian để trẻ làm những điều mà các em yêu thích, đó cũng là một cách để thư giãn.

Về việc học, sự thúc giục từ phụ huynh thường chỉ mang lại áp lực. Thay vào đó, hãy tìm cách để trẻ chuyển từ bị động sang chủ động. Khi trẻ nắm được kỹ năng học tập và tự nguyện học tập, chắc chắn kết quả sẽ không làm bạn thất vọng.

Chia sẻ