Nên đóng nắp bồn cầu khi giật nước

,
Chia sẻ

Mỗi lần giật nước, các vi khuẩn theo bọt nước li ti bắn lên cao đến 1,8m, bao trùm hầu hết diện tích nhà tắm và lây nhiễm vào nhiều vật dụng, trong đó có bàn chải, khăn mặt.

Hầu hết các gia đình đều để bàn chải, khăn mặt trong nhà tắm và thiết kế nhà tắm chung với nhà vệ sinh để tiện sử dụng. Chính thói quen này là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh về răng miệng và nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm, tiêu chảy...
 
Một nghiên cứu của TS Chuck Gerba (ĐH Arizona, Mỹ) cho biết, mỗi cm vuông bồn cầu có đến hàng trăm nghìn vi khuẩn trú ngụ.
 

Mỗi lần giật nước, các vi khuẩn này theo các bọt nước li ti bắn lên cao đến 1,8m, bao trùm hầu hết diện tích nhà tắm và lây nhiễm vào nhiều vật dụng, trong đó có bàn chải, khăn mặt. Môi trường ẩm ướt thường xuyên của nhà tắm là điều kiện để vi khuẩn phát triển mạnh.   

Để tránh nhiễm bệnh từ những vật dụng này, sau mỗi lần đánh răng nên rửa sạch bàn chải dưới vòi nước chảy trong khoảng 20 giây.

Ngoài ra, mỗi tuần có thể khử trùng bàn chải bằng dung dịch oxy già pha loãng (50% oxy già, 50% nước).

Nên thay bàn chải mới sau từ 1 - 3 tháng sử dụng. Nếu mắc các bệnh truyền nhiễm thì sau khi khỏi nên thay bàn chải ngay. Không nên để bàn chải gần nơi rửa tay hoặc bồn cầu mà nên để vào hộp riêng hoặc tủ tường.

Với khăn mặt, nên bố trí giá phơi khăn ở trên cao và cách xa bồn cầu. Giặt khăn thường xuyên bằng xà phòng và phơi ngoài nắng. Nên đóng nắp bồn cầu trước khi giật nước để hạn chế phát tán vi khuẩn.

Theo Bee/Ehow
Chia sẻ