Nên ăn loại cá nào bổ nhất?
Loại cá nào bổ dưỡng nhất, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng nhất, hay cá nào cần kiêng kỵ với một số người... vẫn là điều mà nhiều người muốn biết để sử dụng an toàn, hiệu quả.
Lâu nay, cá vẫn là thực phẩm bổ dưỡng, là món ăn ngon được chế biến với nhiều cách đa dạng, phong phú... Tuy nhiên, loại cá nào bổ dưỡng nhất, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng nhất, hay cá nào cần kiêng kỵ với một số người... vẫn là điều mà nhiều người muốn biết để sử dụng an toàn, hiệu quả.
Cá chép bổ cho phụ nữ
Cá chép sông do sống trong môi trường tự nhiên, phải tự tìm thức ăn nên tăng trưởng chậm, vài ba năm mới tăng được vài kg. Nhưng cũng vì thế mà thịt cá chép sông thường chắc, ngọt tự nhiên. Cá chép nuôi thông thường thịt nhão hơn. Tuy nhiên, nếu đơn vị chăn nuôi biết cách sử dụng thức ăn công nghiệp hợp lý thì thịt cá chép nuôi cũng không khác biệt nhiều so với cá chép sống trong môi trường tự nhiên.
TS Nguyễn Kiêm Sơn, phòng Tài nguyên Môi trường nước, Viện Tài nguyên sinh vật cũng cho biết, theo tài liệu của Hải Thượng Lãn Ông, có khoảng 60 loài cá có khả năng làm thuốc. Trong đó, cá chép là loài bổ dưỡng với phụ nữ. Không chỉ ở Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản cũng sử dụng cá chép để làm món ăn - bài thuốc cho phụ nữ. Những loài khác, tùy từng con, từng bệnh mà được sử dụng từng bộ phận để làm thuốc.
Theo ông Phạm Đức Dương, ngoài cá chép, cá hồi cũng là loại cung cấp lượng thịt ngon, ngọt, mềm, dễ ăn và dễ tiêu hóa. Hiện nay, cá hồi được nuôi nhiều ở Sa Pa (Lào Cai) và chuyển xuống dưới xuôi. Ở các siêu thị có bán cá hồi nhập ngoại. Nếu cá hồi nhập từ Nga thì chắc chắn thịt sẽ ngon bởi môi trường, không khí ở đây thích hợp với sự sinh trưởng và kỹ thuật nuôi ở đây đảm bảo cho ra thị trường cá hồi với chất lượng đảm bảo. Còn cá hồi nhập từ Trung Quốc thì hiện nay vẫn khó kiểm soát chất lượng thịt.
TS Nguyễn Kiêm Sơn cho biết, giá trị dinh dưỡng của cá còn được phân chia theo nguồn gốc xuất xứ. Tuy chưa có bằng chứng cụ thể, nhưng theo dân gian, cá biển quý và bổ dưỡng hơn cá nước ngọt. Phân tích thành phần dinh dưỡng cũng cho thấy cá biển giàu chất đạm. Ở nhiều đội tuyển bóng đá trên thế giới, trong khẩu phần ăn, cá và tôm biển luôn được khuyến khích ăn để tăng cường sức khoẻ. Protein từ cá khi vào cơ thể rất dễ tiêu, dễ hấp thụ, không chóng ngán như thịt bò, thịt lợn. Mỡ cá là mỡ không no, có chất trung gian để cơ thể dễ hấp thu. Nhìn chung, ngoài cá chép, cá hồi, "chim, thu, nụ, đé" vẫn là những loài hảo hạng.
Ông Phạm Đức Dương cho biết, cá nói chung bổ dưỡng, nhưng để đảm bảo an toàn, không gây tiêu chảy, ngộ độc, người nội trợ cần chọn cá tươi. Trước khi chế biến, cá cần được loại bỏ sạch mang bởi trong mang có thể có nấm và các tạp chất có hại. Màng đen ở bụng cá cũng cần được bóc sạch, đặc biệt là với cá mè (cá mè có lườn và màng đen bên trong gây tanh). Một số loại cá tanh như cá mè thì người mang thai không nên ăn vì theo kinh nghiệm dân gian, cá mè không có lợi với người đang suy yếu, phụ nữ đang mang thai.
Tuy hầu hết các loài cá đều bổ dưỡng, nhưng cá nóc ở biển thì không nên ăn. Thực tế, cá nóc thịt bổ, nhưng lại có độc ở nội quang (người làm nếu không cẩn thận thì khi ăn sẽ gây ngộ độc đến chết người). Một số loại cá như cá chép, cá vược nếu có trứng ở trong thì ăn không tốt bởi màng ở buồng trứng có thể gây độc, nhẹ thì người ăn có cảm giác bị say, nặng thì có thể bị nôn mửa và có tác động đến thần kinh.
Theo các chuyên gia, cá đuối là loài cá lành, có thể nấu canh chua, ăn phù hợp với thời tiết Việt Nam và không kiêng kỵ với bất kỳ ai, kể cả phụ nữ đang giai đoạn sinh nở.