Nấu cơm giữ lại loại nước này, uống vào vừa trắng mịn da lại làm chậm quá trình lão hoá

Hải Yến,
Chia sẻ

Nhiều nước như Nhật Bản, Trung Quốc và có cả Việt Nam từ lâu đã sử dụng nước gạo để làm đẹp, vừa giúp trắng mịn da lại có thể làm chậm quá trình lão hoá.

Nước gạo là nước chứa tinh bột còn sót lại sau khi nấu chín hoặc ngâm gạo. Mặc dù là loại nước bình dân nhưng nước gạo được ví như "thần dược tự nhiên cho sức khỏe", đặc biệt là làn da.

Theo WebMD, nước gạo chứa nhiều chất dinh dưỡng và khoáng chất thiết yếu như inositol, vitamin E, vitamin B, magie, chất xơ, kẽm, mangan.

7 lợi ích của nước gạo đối với sức khoẻ

1. Tăng cường năng lượng, tốt cho tiêu hoá

Uống nước gạo có thể giúp cải thiện tiêu hóa, giảm táo bón và có thể ngăn ngừa một số bệnh. Tinh bột trong nước gạo hoạt động như một chất liên kết, giúp giảm bớt sự khó chịu và thúc đẩy môi trường đường ruột ổn định hơn.

Ngoài ra, nước gạo còn chứa nhiều khoáng chất và carbohydrate tốt cho sức khỏe, do đó uống một ly nước gạo mỗi sáng có thể cung cấp cho cơ thể bạn nguồn năng lượng dồi dào để hoạt động suốt cả ngày.

2. Tốt cho da

Nước gạo rất giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, chẳng hạn như inositol. Do vậy, loại nước này được ví như "thần dược" của làn da, giúp bạn sở hữu làn da trắng sáng, mịn màng.

Hơn nữa, thoa nước gạo lên mụn nhọt và mụn trứng cá có thể làm giảm mụn hoặc viêm, sưng, đau vì có chứa tinh bột. Tinh bột tự nhiên có tác dụng giúp làm sạch da bằng cách se khít lỗ chân lông, giảm dầu trên da.

Nấu cơm giữ lại loại nước này, uống vào vừa trắng mịn da lại làm chậm quá trình lão hoá - Ảnh 1.

Nước vo gạo giàu chất chống oxy hoá, tốt cho da và giúp làm chậm quá trình lão hoá (Ảnh minh hoạ)

3. Làm chậm quá trình lão hoá

Nước gạo có một số hợp chất có đặc tính chống oxy hóa, chẳng hạn như inositol, axit ferulic và gamma-oryzanol, giúp ngăn ngừa tổn thương do các gốc tự do trong tế bào gây ra.

Một số nghiên cứu khoa học cho thấy nước gạo có thể cải thiện độ ẩm và độ đàn hồi của da, đồng thời ngăn ngừa sự xuất hiện của nếp nhăn.

Chẳng hạn như nghiên cứu năm 2018 cho thấy nước gạo làm giảm hoạt động của elastase, một loại enzyme liên quan đến lão hóa da. Điều này cho thấy nước gạo có thể có khả năng làm giảm sự hình thành nếp nhăn trên da.

4. Tốt cho tóc

Có rất nhiều lợi ích của nước gạo đối với tóc. Dưỡng tóc bằng nước gạo có thể cải thiện độ chắc khỏe và vẻ ngoài của tóc. Các axit amin có trong nước gạo giúp phục hồi các nang tóc bị hư tổn và giảm gãy rụng.

Sau khi gội đầu, bạn có thể xả tóc bằng dưỡng tóc từ nước gạo để tăng độ bóng và sức khỏe tổng thể cho tóc. Để tăng thêm lợi ích, bạn cũng có thể sử dụng nước gạo lên men vì nó giúp tăng cường nồng độ chất dinh dưỡng và tăng cường các đặc tính nuôi dưỡng.

5. Tăng cường miễn dịch

Một trong những lợi ích lớn nhất của nước gạo là giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ là rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh tật và duy trì sức khỏe tối ưu.

Một nghiên cứu năm 2022 do Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ - NIH công bố cho biết nước gạo có chứa các vitamin và khoáng chất thiết yếu, chẳng hạn như vitamin B, sắt, kẽm và magie, hỗ trợ chức năng của hệ thống miễn dịch. Uống nước gạo thường xuyên có thể giúp tăng cường khả năng phòng vệ của cơ thể bạn chống lại nhiễm trùng và bệnh tật.

Nấu cơm giữ lại loại nước này, uống vào vừa trắng mịn da lại làm chậm quá trình lão hoá - Ảnh 2.

Nước gạo chứa nhiều vitamin và khoáng chất có tác dụng tăng cường miễn dịch (Ảnh minh hoạ)

6. Giảm đau bụng kinh

Khi đến ngày "đèn đỏ", bạn hãy thử uống một ly nước gạo ấm. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu, giảm các cơn đau co thắt một cách rất hiệu quả.

Nước gạo có tác dụng này có thể do loại nước này có chứa magie, giúp thư giãn tử cung và giảm sản sinh chất gây viêm như prostaglandin.

7. Ngăn ngừa tình trạng mất nước

Nước gạo cũng giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước trong trường hợp tiêu chảy vì nó có thể giúp bổ sung lượng chất lỏng bị mất. Khi pha với muối, nước gạo cũng có thể giúp thay thế chất điện giải và nước.

Cách sử dụng nước gạo

Nước gạo có thể được sử dụng theo nhiều cách. Để bổ sung qua đường uống, các bạn có thể tham khảo một vài gợi ý sau:

- Nước gạo truyền thống

Cách làm rất đơn giản, bạn chỉ cần vo sơ gạo để loại bỏ tạp chất, bụi bẩn. Sau đó ngâm gạo khoảng 30 phút để chắt lấy nước. Tiếp đó, cho nước gạo vào nồi và đun sôi, giảm lửa và đun nhỏ lửa khoảng 20 phút. Sau đó, bạn có thể lọc lại nước gạo một lần nữa và thưởng thức.

Ngoài cách trên, bạn cũng có thể chắt lấy nước gạo khi nấu cơm. Khi cơm sủi mà chưa cạn nước, lúc này bạn có thể lấy muỗng để chắt lọc lấy phần nước gạo.

- Nước gạo lên men

Nước gạo lên men giàu chất chống oxy hoá hơn nên bạn có thể ưu tiên sử dụng nước gạo theo cách này.

Đầu tiên bạn vo sạch gạo như cách làm nước gạo truyền thống. Sau đó, ngâm gạo trong nước ấm khoảng 24 đến 48 giờ để lên men tự nhiên. Sau khi lên men, lọc lấy nước và bảo quản trong tủ lạnh để sử dụng dần.

- Nước gạo rang

Nước gạo rang thường được ưa chuộng hơn vì hương vị rất đặc trưng, thơm và ngậy. Cách thực hiện như sau:

Cho gạo vào chảo và rang đều tay ở lửa vừa đến khi gạo chuyển sang màu vàng nâu và có mùi thơm đặc trưng. Cần chú ý đảo liên tục để gạo không bị cháy. Sau đó, cho gạo đã rang vào nồi, thêm nước với tỷ lệ 1 phần gạo với 8-10 phần nước. Đun sôi nước gạo, rồi sau đó đun nhỏ lửa cho đến khi thấy nước gạo sánh mịn là hoàn thành.

Nếu bạn sử dụng nước vo gạo để gội đầu hoặc rửa mặt, bạn nên vo gạo qua nước đầu tiên, bắt đầu lấy từ nước thứ 2. Sau đó thoa lên mặt hoặc đầu đã được làm sạch. Massage trong vài phút rồi rửa/xả lại với nước sạch.

Chia sẻ