Nặng gánh mưu sinh bỏ quên Ngày Phụ nữ
Tại tiệm nữ trang: "Bông tai này đẹp không, anh mua tặng em nhé”, tiếng người chồng âu yếm hỏi vợ. Bên kia góc phố, chị lao công lặng thinh nghe tiếng chồng quát: "Về nhanh nấu cơm”. Với chị, 20-10 thật xa lạ...
Chỉ mong có thịt trong bữa cơm tối
Bác L và xe mót ve chai
Hơn 50 tuổi đời, có với nhau 4 mặt con nhưng bác L làm nghề mót ve chai, quê Cần Thơ chưa bao giờ được chồng tặng hoa dịp nào khác ngoài ngày cưới.
Bác kể, gia cảnh nghèo nên sáng phải đi phụ quán cơm, chiều đi lượm chai nhựa quanh các công viên trong thành phố để bán. Tiền phụ quán cơm, bác dành trả tiền nhà, còn tiền bán ve chai dùng để lo bữa cơm hàng ngày cho 2 vợ chồng. Được biết, chồng bác bị bệnh, đi lại khó khăn nên chỉ quanh quẩn đỡ đần việc nhỏ nhặt giúp vợ.
Hỏi về ngày 20/10, bác bảo: “Thấy người ta bán nhiều hoa nên tui nghĩ có lễ chứ cũng không biết ngày phụ nữ Việt Nam là ngày gì”.
Chia sẻ về ước mong trong ngày dành cho phái đẹp, bác cười giản dị: “Chỉ mong cơm tối có thêm đĩa thịt cải thiện, chứ nửa tháng nay vợ chồng tui ăn rau hoài”.
Chị M bên xe xôi sáng
Khuôn mặt khắc khổ bởi nắng gió Sài Gòn, chị M, quê Thanh Hóa chuyên bán xôi dọc khu phố Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu tâm sự: “Từ ngày vào Sài Gòn mới biết 8/3, 20/10, rồi lễ Tình yêu gì đó, nhưng chẳng khi mô được ai tặng quà. Lễ tết tôi chỉ mong bán hết hàng về sớm là may rồi”.Chấp nhận xa quê, xa chồng và 2 đứa con thơ dại, chị M vào Sài Gòn đi bán hàng rong để kiếm thêm thu nhập, “chứ ở nhà biết mần chi mà sống”, chị M kể tiếp.
Để làm được chõ xôi nhỏ, chị phải tất bật ngâm gạo từ tối hôm trước rồi 3h sáng dậy đồ xôi. Chị nấu đủ loại xôi, từ xôi bắp, xôi cúc, xôi đậu phộng, xôi đậu đen, xôi đậu xanh và cả xôi mặn, thứ xôi trắng ăn kèm chả lụa, chà bông, mỡ hành. Mỗi thứ một ít gói ghém gọn gàng trong chõ, khách gọi chị lại thoăn thoát lấy ra.
“ Đạp xe rong ruổi khắp mấy con phố cũng phải tới gần trưa mới hết, nên lễ 20/10 tôi chỉ mong bán đắt hàng là tốt lắm rồi”, chị M chia sẻ ước mơ nhỏ nhoi của mình.
“Ước gì ngày nào người ta cũng mua sữa đậu nành”
Xe bán sữa đậu nành của chị H
Đó là câu trả lời rất thật của chị H, 26 tuổi, quê Nghệ An. Chị mới vào Sài Gòn được hơn 1 năm vì ở quê vất vả quá, “suốt ngày chỉ biết tới gió Lào cát trắng thì biết khi mô mới đủ ăn”, chị nói.
Được người bà con tốt bụng giúp đỡ mua xe đẩy rồi hỗ trợ đồ nghề, chỉ chỗ mua sữa rẻ nên chị cũng sống được với nghề. “Biết bao người bán dạo sữa đầu nành trong Sài Gòn, cũng may nhờ trời thương nên ít khi tui bị ế”, chị H cười nhỏ nhẹ.
Hỏi chị có ước mơ gì trong ngày 20/10 không, chị tự tin cười bảo: “Tui chưa dám mong có chồng, chỉ mong ngày nào người ta cũng mua sữa đậu nành là vui rồi”.
Còn nhiều lắm những phận đời ngược xuôi
Cụ già bán bánh mì trên đường Trần Quốc Thảo
Sài Gòn những ngày giáp 20/10 ngập tràn sắc hoa tươi, phố xá lung linh quà tặng dành cho phái đẹp. Nhưng mấy ai biết, ngoài kia còn nhiều lắm những phận đời ngược xuôi, hàng ngày các bà, các chị vẫn rong ruổi trên ngõ hẻm nắng rát để đổi lấy vài ba chục ngàn ít ỏi.
“Nhìn bà cụ già còn ngồi bán bánh mì, em xót xa quá, nghĩ bà bằng tuổi bà mình mà vất vả lúc tóc bạc trắng em không cầm được nước mắt”, Thảo, nhân viên ngân hàng A. nói.
Lại thêm một mùa 20/10 yêu thương nữa, chúc cho đôi vai gầy của các bà, các chị bớt gánh nặng mưu sinh.