Nàng dâu Việt được báo Nhật ca ngợi nhờ quảng bá hình ảnh đẹp về nông nghiệp
Nên duyên với người đàn ông Nhật Bản vào năm 2017, chị Bùi Thị Ngọc Thúy (36 tuổi, quê ở Long Khánh, Đồng Nai) bỏ lại công việc của một chủ cơ sở làm đẹp để theo chồng làm dâu xứ người...
Chị Thuý cùng chồng và con trai dạo chơi trên cánh đồng của gia đình vào mùa lúa chín
Năm 2017, chị Thúy kết hôn cùng anh Murakami Kazuyuki (49 tuổi) sau đó sinh sống và làm việc cùng gia đình chồng tại tỉnh Miyagi, Nhật Bản. Hiện nay, công ty của gia đình chị đang canh tác diện tích nông nghiệp rộng 50ha, trong đó chiếm 40ha là cây lúa nước. Vốn là chủ của một cơ sở làm đẹp lại chưa từng "chân lấm tay bùn" nên khi tiếp quản công việc nông nghiệp của gia đình, chị Thúy phải bắt đầu từ con số 0.
Nhớ về thời điểm bắt đầu làm quen với công việc của gia đình chồng vào tháng 12 năm 2017, rào cản về văn hóa, ngôn ngữ và công việc làm nông dưới khí hậu khắc nghiệt khiến khởi đầu của chị Thúy cũng không hề dễ dàng.
"Vạn sự khởi đầu nan", khi chị Thúy bắt đầu tiếp quản công việc của gia đình thì cũng là lúc 2 nhân viên cuối cùng của công ty nghỉ việc. Không chần chừ, dưới thời tiết Nhật Bản vào mùa đông năm ấy có những ngày âm độ, chị xắn tay vào làm từ những việc nhỏ nhất. Chỉ trong thời gian ngắn, chị đã thuần thục quy trình canh tác cây trồng ở đất nước xa lạ.
Một ngày của chị Thúy bắt đầu từ 4h sáng cùng chồng sử dụng thiết bị máy bay không người lái diệt cỏ cho cánh đồng. Khi chồng điều khiển máy bay thì chị sẽ phụ trách công việc chỉ điểm dừng để không lấn sang ruộng của người khác. Diệt cỏ trong một tháng là hoàn tất, chị Thúy quay sang gieo trồng rau, củ, quả vào mỗi sáng sớm. Đến 8h trong ngày lại trở về nhà để chăm con rồi cho con đi học. Dọn dẹp nhà cửa một mạch đến 10h sau đó chị quay ra kiểm tra đơn đặt hàng của khách. Nhiều hôm bận đến mức, chị quên ăn sáng. 11h cũng là lúc chị vào bếp nấu cơm cho gia đình. Đến chiều lại tiếp tục công việc đồng áng.
Trừ những ngày trời mưa, còn lại chị Thúy cùng ông xã đều luôn chân luôn tay ngoài cánh đồng, làm đủ việc khác nhau. Khi thì chạy máy cấy lúa cho vụ mùa mới, lúc lại điều khiển máy bay không người lái phun thuốc diệt cỏ cho cánh đồng. Ngớt việc trồng lúa, hai vợ chồng chị tiếp tục quay ra làm đất, gieo hạt giống trồng đậu nành, hành baro, bắp,... mùa nào thức nấy.
"Làm nghề nông tại nước Nhật đỏi hỏi không quản ngại thời gian ngày hay đêm bởi hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết", chị Thúy cho biết. Để "chạy đua" với những biến đổi của thời tiết, gia đình chị đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị cơ giới hóa nhằm đạt hiệu quả công việc cao nhất.
Chẳng hạn, dự báo thời tiết ngày mai trời mưa, người làm nông sẽ phải dậy sớm từ 3h sáng làm việc tới tận 12h đêm ngày hôm trước để làm việc. Bởi khi mưa xuống, máy móc sẽ khó di chuyển trong điều kiện đất bị ướt, do đó ảnh hưởng đến kết quả trồng cấy... Nhờ sự am hiểu và vận hành máy móc thành thạo như anh Murakami Kazuyuki - chồng chị Thúy, công việc sản xuất nông nghiệp được diễn ra theo một quy trình bài bản, ít dùng sức người.
Hiện vợ chồng chị Thúy lựa chọn một trong những giống lúa khó trồng và hầu như không có ai trồng tại địa phương đó là cây lúa nếp. Theo chị, giống lúa này có thân mềm nên dễ đổ, khi đổ dễ mọc mầm, hơn nữa ở tỉnh chị sinh sống lại hay gặp thiên tai nên cần sự tính toán và kỹ thuật canh tác phức tạp.
Nhờ độc quyền với sản phẩm chủ lực là cây lúa nếp tại địa phương, gạo nếp của nhà chị Thúy trở thành đặc sản của vùng này và chuyên phân phối cho các công ty làm bánh mochi, bánh gạo,... Bên cạnh đó, sản phẩm rau, củ, quả của nhà chị Thúy luôn được lựa chọn đặt tại gian hàng nông sản chất lượng cao tại các siêu thị.
Dành trọn tâm huyết cho công việc nông nghiệp của gia đình nhưng chị Thúy cho rằng kết quả cuối cùng của một vụ mùa vẫn phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết, khí hậu. Không giống như tại Việt Nam một năm có hai vụ, ở Nhật chỉ có một vụ duy nhất trong năm. "Trồng cấy chỉ là một phần nhỏ, nếu không sát sao chăm bón cho cây lúa mỗi ngày thì nguy cơ mất mùa rất cao", chị Thúy nhận định.
Hơn nữa, với mô hình nông nghiệp lớn như của gia đình chị, chi phí kiểm định và bảo dưỡng máy móc, các loại thuế cùng chi phí phân bón cao, khi không có được vụ mùa bội thu sẽ khiến doanh nghiệp lao đao.
Chính vì vậy, ngoài việc đi theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch với sản phẩm cây lúa, rau màu, công ty của gia đình chị Thúy còn mở rộng thêm lĩnh vực cung cấp thịt bò để phòng bị cho tình huống mùa màng không như mong đợi.
Lấy cảm hứng từ "tiên nữ đồng quê" Lý Tử Thất, chị Thúy ngỏ lời với chồng về ý tưởng xây dựng kênh YouTube, anh ủng hộ ngay và sắm cho chị một thiết bị ghi hình chuyên dụng.
Với kênh YouTube này, bối cảnh chính là những thước phim về hoạt động sản xuất nông nghiệp của gia đình chị Thúy trên cánh đồng mẫu lớn với diện tích 50ha. Cùng với đó là những cảnh quay lồng ghép về đời sống thường nhật như bữa cơm thường ngày hay hoạt động thường nhật của các thành viên trong gia đình. Chị Thúy chia sẻ, sáng tạo nội dung trên YouTube không phải là công việc chính của chị, đây là cách để chị lan tỏa cuộc sống thực tế ở Nhật và lưu giữ lại kỷ niệm bên gia đình.
Vốn là người cầu toàn, chỉn chu trong từng công việc, trước đây chị Thúy dự định theo học một khóa đào tạo quay dựng phim chuyên nghiệp. Tuy nhiên, vì quá bận bịu với công việc và chăm con, những sản phẩm Youtube của chị ra đời nhờ tự mày mò học trên mạng.
Những thước phim chị Thúy quay không quá cầu kỳ nhưng để có một sản phẩm video trọn vẹn chị vừa lên ý tưởng hình ảnh, đặt máy, xuất hiện trong khung hình và dựng phim. "Mắt nhìn, chân chạy, tay làm và đầu phải suy nghĩ linh hoạt là những yếu tố phải thực hiện đồng thời trong một video về nội dung làm nông nghiệp của chị", chị Thúy nói. Còn những thước phim toàn cảnh quay bằng flycam, chồng chị sẽ là người thực hiện do yêu cầu về thủ tục cấp phép sử dụng thiết bị này.
Chị Thúy tâm sự, nếu một công việc bình thường chỉ mất từ 1 tiếng để hoàn thành thì kết hợp vừa làm vừa quay video sẽ tốn thời gian gấp đôi, gấp ba lần như thế. Chưa kể có những video tái hiện khung cảnh của một vụ mùa phải mất nhiều tháng liền để quay từ công đoạn gieo cấy đến thu hoạch nhằm tạo nên thước phim chân thực nhất.
Làm video tuy đem đến cho chị Thúy những hiệu ứng tích cực từ người xem nhưng cũng "ngốn" của chị không ít quỹ thời gian trong ngày. Thường sau khi mọi công việc của một ngày đã hoàn tất, con trai đã ngủ, chị mới ngồi vào bàn làm việc dựng phim. Có đêm con trai của chị rón rén đến bên bàn làm việc thủ thỉ nhắc mẹ nghỉ ngơi rồi vào ngủ cùng con.
Khoảnh khắc nhận ra con luôn cần sự quan tâm, vỗ về của mẹ nên chị tạm gác công việc làm video dài mất nhiều thời gian. Thay vào đó, chị tập trung sản xuất nhiều video dạng short ngắn với khung hình dọc theo xu hướng mạng xã hội để có nhiều thời gian đồng hành cùng con.
Tại Nhật, người trẻ đều lựa chọn những công việc nhẹ nhàng thay vì công việc làm nông vất vả nên những nỗ lực của chị Thúy được cơ quan địa phương nơi sinh sống đánh giá cao. Trang thông tin MIA của Hiệp hội Quốc tế hóa tỉnh Miyagi ghi nhận những nỗ lực của chị trong công việc làm nông và chăm sóc gia đình. Qua đó, thấy được chị Thúy là người phụ nữ đến từ một đất nước xa xôi góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về sản xuất nông nghiệp tại Nhật Bản. Một tờ báo địa phương có tên Kahoku Shinpo hướng đến đối tượng độc giả là các em nhỏ cũng đưa tin xoay quanh công việc và đời sống của chị Thuý.
Sau khi câu chuyện về người phụ nữ Việt được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, chị Thúy nhận lại được nhiều tình cảm từ người dân Nhật Bản. Nhiều người gọi điện bày tỏ sự ngưỡng mộ về công việc của chị. Khi đến trường của con trai, chị cũng được giáo viên tại đây khen ngợi. Nhờ vậy, chị cảm thấy rất vui và có thêm động lực cố gắng.
Nói về những thành quả hiện tại bản thân đạt được, chị Thúy khiêm tốn bày tỏ "núi này cao sẽ có núi khác cao hơn", những nỗ lực không ngừng của chị là hướng đến một tương lai tươi sáng, ý nghĩa hơn.