Nàng dâu kể về mẹ chồng giao ước "mỗi năm ăn Tết một nhà" trước cưới
Tết năm nay cũng là lần đầu tiên Bích được về Bắc ăn Tết cùng con trai. Với nàng dâu Bắc này, đó không chỉ là một niềm vui mà còn thấm đẫm tình cảm yêu thương với ông xã và mẹ chồng.
Ngày Tết sắp đến, việc ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại luôn là nỗi niềm canh cánh của nhiều chị em lấy chồng xa. Với Vũ Ngọc Bích (25 tuổi), xuân mới cũng dường như vui hơn gấp bội khi vượt cả ngàn cây số từ Nam ra Bắc ăn Tết cùng nhà ngoại. Với nàng dâu gốc Bắc này, đó không chỉ là một niềm vui mà còn thấm đẫm tình cảm yêu thương với ông xã và mẹ chồng.
Bích hiện đang là nhạc sỹ, cô giáo dạy piano, mẹ chồng của cô cũng là một gương mặt khá nổi tiếng của khán giả truyền hình – họa sỹ Đặng Ái Việt (69 tuổi). Bác Việt từng khiến nhiều người nể phục vì hành trình xuyên Việt thực hiện bộ sưu tập chân dung các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, nay lại càng khiến nhiều nàng dâu phải ngưỡng mộ, ao ước vì tấm lòng thơm thảo của mình với con cháu trong gia đình.
Cuộc trò chuyện dưới đây là những bộc bạch chân thành của Ngọc Bích về cuộc sống làm dâu và về người mẹ chồng hết mực tâm lý!
Câu chuyện bạn viết về mẹ chồng khiến rất nhiều chị em phải ao ước rằng mình cũng sẽ có được một người mẹ thứ 2 như thế. Trước khi kết hôn, có khi nào bạn tưởng tượng rằng sau này mình sẽ có mẹ chồng như thế nào không?
- Cảm ơn lời khen của bạn. Mình có vài cô bạn kết hôn và có con khi mới 20, 21 tuổi. Các bạn đều ở chung với bố mẹ chồng, đa phần cứ 10 người thì 8 người thường thấy không hợp với mẹ chồng. Nhưng không hiểu sao, mình luôn mơ mộng và tin rằng mẹ chồng tương lai của mình sẽ rất tuyệt vời, hiền và tâm lý nữa. Mỗi lần nói ra bạn bè đều cười nhưng thực sự mình luôn có lòng tin như thế. Chắc số hên nên những gì mình tưởng tượng lại bất ngờ thành hiện thực.
Có lẽ bạn là cô con dâu duy nhất được mẹ chồng vẽ chân dung tặng. Bạn có thể chia sẻ thêm về hoàn cảnh và cảm xúc của bạn khi nhận món quà đặc biệt này?
- Khi mình mang bầu bé Coca được gần 8 tháng, má chồng mình có nói "lúc nào con rảnh má sẽ vẽ chân dung con". Lúc đó thú thực mình cũng hơi bất ngờ nhưng nghĩ má nói vui thôi vì thời gian đó má rất bận với dự án vẽ “Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang". Ai dè, vài ngày sau, má nói con đứng tạo dáng bên ban công đi để má chụp hình cho. Mình cũng nghĩ đơn giản má chụp rồi gửi cho mẹ đẻ mình ngoài Bắc xem thôi - không ngờ má đã vẽ lại từ tấm hình đó và nói sẽ triển lãm vào đúng ngày 8-3 tại triển lãm thành phố và đặt tựa là Con Dâu. Đây cũng là món quà kỉ niệm 1 năm ngày cưới của 2 vợ chồng, mình chỉ biết nói rằng mình thấy rất vui và hạnh phúc. Đặc biệt khi được nhìn bức tranh hoàn thành, thấy vui khó tả và thấy mình mang bầu mà đẹp quá. (Cười)
Bạn và mẹ chồng, người nhạc sỹ, người họa sỹ, cùng làm nghệ thuật, liệu đó có phải là điểm chung khiến 2 người cảm thấy dễ gần gũi và chia sẻ hơn với nhau trong cuộc sống?
- Ba mẹ chồng mình vốn đều là những người làm nghệ thuật, ba chồng mình là NSND Phạm Khắc - người từng làm phóng sự Mê Công kí sự), má chồng mình là họa sỹ. Bản thân mình cũng học nhạc từ nhỏ. Có thể vì vậy mà hai má con có chung nhiều sự đồng cảm với nhau. Nhưng má chồng mình vốn là người phụ nữ rất "đáng yêu". Má luôn hết lòng với mọi người xung quanh, con trai hay con dâu nào cũng vậy, bà đều gần gũi, yêu thương ngang nhau chứ không phân biệt con trai - con dâu gì cả.
Về hành trình khá nổi tiếng ngược xuôi đất nước vẽ chân dung các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng của mẹ chồng, bạn có suy nghĩ gì đặc biệt không?
- Khi yêu anh xã và nghe về cuộc hành trình ngược xuôi đất nước vẽ chân dung các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng của má, thú thực là mình rất cảm phục bà. Bởi tuổi tác, sức khoẻ của má không như những người trẻ tuổi, đặc biệt má chỉ đi chiếc xe máy chali rong ruổi hàng trăm cây số mỗi ngày để vẽ, nếu nghe thấy có thể nhiều người cho rằng thật khó tin.
Sau này về làm dâu, mình nhìn má đi vẽ từ sáng cho đến tối – bữa ăn chỉ tạm bợ trên đường, về đến nhà người lấm lem, mình rất thương nhưng khi nghe má háo hức kể vể các mẹ thì mình cảm phục bà vô cùng! Má từng nói với mình rằng: "Mỗi khi gặp các mẹ để vẽ, má xin được thắp một nén nhang cho chồng, cho con mẹ - những người đồng đội của má", thật sự rất cảm động. Thâm tâm mình chỉ mong má có thật nhiều sức khoẻ để thực hiện hoài bão của mình!
Nói chuyện ngoài chủ đề nghệ thuật nhé! Mẹ chồng có khi nào dạy bạn những mẹo nhỏ trong việc nhà hay bí quyết chăm sóc gia đình?
- Má dậy cho mình rất nhiều: làm sao để giữ lửa cho tình yêu, làm sao để gia đình được hạnh phúc…. Tuy 2 má con mình chênh nhau tới 44 tuổi nhưng mỗi khi nói về tình yêu, bí kíp gia đình thì có thể hàng giờ mà không chán. Về việc nhà thì má rất dễ tính, mình vốn nết hậu đậu, trước khi cưới chồng mới tập nấu ăn nhưng chưa một lần nào bà chê cơm của con dâu. Còn rửa bát thì bà luôn nhắc con trai làm, nhưng cũng hên là chồng mình dù không ai nhắc cũng tự động rửa chén bát cho vợ. (Cười)
Được biết là Tết này bạn sẽ về ngoại ăn Tết theo sự đồng ý của mẹ chồng. Cảm giác của bạn lúc này hẳn phải hồi hộp và hào hứng lắm?
- Năm nay được ra Bắc ăn tết với bố mẹ đẻ, mình rất hào hứng. Thực ra điều này cũng không bất ngờ lắm đâu, vì ngày mới về làm dâu, má chồng mình đã nói năm nay ăn Tết bên nội thì năm sau bên ngoại cho bố mẹ vui, có cô con gái cưới chồng xa, Tết cũng mong được gặp con lắm đấy! Năm ngoái mình ăn Tết nhà chồng rồi nên năm nay từ sớm, mình đã đặt vé để ra Bắc luôn.
Thú thực là rất nhiều nàng dâu chỉ mong chờ được cơ hội về ăn Tết nhà ngoại nhưng chưa được. Tết ở hai nhà có sự khác nhau ra sao theo cảm nhận của bạn?
- Mình lấy chồng đã 2 năm rồi. Năm nay đúng là năm đầu không ăn Tết ở nhà chồng đấy. Tết ở 2 nhà khác nhau nhiều lắm, theo cảm nhận của mình. Điểm chung là Tết ở 2 nhà đều có không khí giống nhau, cũng sắm bánh kẹo, mứt, trái cây rồi hoa đào, hoa mai. Năm ngoái mình đang mang bầu bé Coca lại là năm đầu làm dâu không thể ra Bắc ăn Tết được nhưng má chồng mình nói anh xã đi kiếm hoa đào để vợ có cảm giác giống như ở nhà và đỡ nhớ bố mẹ nữa.
Lấy chồng xa nhà, điều khiến bạn cảm thấy nhớ nhất trong những dịp lễ Tết đó là gì?
- Lấy chồng xa nhà, điều khiến mình nhớ nhất trong những dịp lễ Tết là bánh chưng, hành muối, hoa đào. Ở Sài Gòn cũng có những món đó nhưng không hiểu sao vẫn không thể bằng ngoài Bắc được, có lẽ phần nhiều do tâm lý. Mình cũng rất nhớ cảm giác cùng bố mẹ đón giao thừa, trời lạnh lạnh, cả nhà cùng uống rượu vang và lì xì cho nhau. Cái cảm giác đó rất ấm áp.
Sự hoà hợp giữa mẹ chồng nàng dâu là điều mà gia đình nào cũng mong muốn. Bạn có thể chia sẻ bí quyết của mình về điều này?
- Bí kíp của mình đơn giản là: Mình yêu mẹ chồng như yêu chính mẹ đẻ thì mẹ chồng cũng sẽ coi mình như con gái. Cho đi ắt sẽ nhận lại. Chỉ vậy thôi.
Mẹ chồng nàng dâu luôn được ví là 2 đầu chiến tuyến vì những mâu thuẫn nhiều khi khó hoá giải. Cá nhân bạn nghĩ rằng câu nói này ở thời hiện đại liệu có còn đúng?
- Mình nghĩ “mẹ chồng nàng dâu" luôn là câu chuyện muôn thủa của mỗi nhà. Những mâu thuẫn khó hoá giải nhiều khi cũng không trách được bởi 2 lứa tuổi, 2 suy nghĩ khác nhau nhiều lắm! Má chồng từng nói với mình rằng: chẳng có bà mẹ chồng nào ghét con dâu hết, chỉ có là nhiều khi trong mắt mẹ, con trai mình luôn bé bỏng, luôn nghe lời mình, đến khi cưới vợ lại nghe vợ. Rồi trước đây con trai hay gắp thức ăn cho mẹ giờ lại gắp cho vợ trước, nhiều khi các mẹ tủi thân. Mà người càng già càng như trẻ nhỏ - dễ ghen tị, dễ hờn tủi.
Nên cá nhân mình nghĩ rằng, phận làm con dâu cứ nghĩ thoáng ra. Vui vẻ với mẹ, yêu thương mẹ, nói lời cảm ơn khi mẹ nhắc, xin lỗi khi làm sai. Nhẹ nhàng, luôn cười, nói khéo với ông xã mỗi hành động, mỗi cử chỉ làm sao để mẹ đừng suy nghĩ. Như vậy thì chắc chắn "ghét hoá thương”, "hận hoá yêu” ngay thôi.
Xin cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện. Chúc bạn và gia đình mãi mạnh khỏe, hạnh phúc và thực hiện được mọi ước mơ của mình!