Nạn rệp lây nhiễm gia tăng tại Hàn Quốc
Hàn Quốc đang chứng kiến tình trạng rệp lây nhiễm gia tăng với hơn 100 vụ việc được báo cáo kể từ cuối tháng 11.
Trong khi công chúng lo lắng và mức độ đưa tin của các phương tiện truyền thông tăng vọt, thì một kỹ sư đã nghĩ ra vũ khí chống rệp: Lập một trang web bao gồm những dữ liệu về các đợt bùng phát giúp người dân có cái nhìn tỉnh táo hơn về nạn rệp.
Khi có tin tức về đợt bùng phát rệp ở Hàn Quốc, kỹ sư công nghệ blockchain 29 tuổi Kang Jae-gu đã ngay lập tức bắt tay vào làm việc với các dữ liệu. Khi các nhà chức trách chống rệp bằng việc lắp đặt máy sưởi hơi nước nhiệt độ cao tại sân bay và phê duyệt các loại thuốc trừ sâu công nghiệp để sử dụng tại nhà, thì anh Kang bắt đầu lập bản đồ về các trường hợp lây nhiễm được báo cáo. Anh tự nhận mình là người sợ côn trùng.
Kang Jae-gu - Nhà phát triển trang web "Bed Bug Board" chia sẻ: "Trước hết, tôi rất nhạy cảm với côn trùng, đến nỗi tôi phải ngủ trong mùng quanh năm. Gần đây, vấn đề về rệp nổi lên và tôi bắt đầu trang web này để thu thập thông tin liên quan".
Nỗi sợ rệp đã thôi thúc anh Kang tạo ra một bản đồ tương tác hiển thị các vị trí gần đúng của các vụ lây nhiễm được báo cáo trên khắp đất nước, cũng như các tin tức theo thời gian thực về vấn đề này.
Kang Jae-gu nói: "Ngày đầu tiên có 40 người đăng nhập nhờ người quen quảng bá cho website, nhưng ngày hôm sau con số này tăng lên đáng kể. Ngày hôm sau có khoảng 25.000 người truy cập, ngày cao điểm có khoảng 45.000 đến 50.000 người truy cập".
Anh Kang sử dụng cách phối màu xanh ô liu nhẹ nhàng để cố gắng tạo ra sự dễ chịu cho người xem, nhưng anh cũng phải thừa nhận việc phải xem ảnh rệp và trứng của chúng trên trang web của mình vẫn khiến anh 'nổi da gà'.
Số liệu thống kê chính thức cho thấy, Hàn Quốc hầu như không có rệp trong nhiều năm, nhưng nước này đã chứng kiến số lượng rệp lây nhiễm gia tăng khi hoạt động du lịch phục hồi sau đại dịch.
Cuộc 'xâm lược' của rệp vào thủ đô Seoul, Hàn Quốc xảy ra ngay sau đợt bùng phát tương tự ở thủ đô Paris, Pháp. Tình trạng gia tăng các báo cáo về rệp đã khiến khắp nước Pháp lo ngại trong suốt mùa hè và mùa thu - khiến một số trường học phải đóng cửa.
Nhân viên phun thuốc diệt côn trùng để xử lý rệp ở ký túc xá Đại học Keimyung ở Daegu hôm 19/10. Ảnh: Yonhap
Ở Hàn Quốc, 44% trường hợp được báo cáo có rệp là ở những phòng cho thuê giá rẻ, thường có diện tích dưới 5m2. Các địa điểm khác bị nạn rệp bao gồm ký túc xá sinh viên, nhà tắm công cộng và các nhà ở cực nhỏ, thường thiếu các tiện nghi cơ bản như phòng tắm hoặc nhà bếp. Các nhà chức trách đã vào cuộc, với việc chính quyền thành phố Seoul phân bổ 700 triệu won (hơn 13 tỷ VNĐ) để bảo vệ cư dân trong những nơi ở dễ bị rệp.
Ông Jang Young-jin - Công ty kiểm soát sinh vật gây hại Bugs Clean, Hàn Quốc cho biết: "Việc kiểm soát rệp rất khó khăn, tốn gấp đôi thời gian và cần nhiều người hơn so với kiểm soát dịch hại thông thường. Sẽ thật tốt nếu có thể kiểm soát chúng chỉ bằng cách phun thuốc trừ sâu hóa học, nhưng để kiểm soát chúng thành công, thực sự cần phải kiểm tra cẩn thận, từng món đồ một và sử dụng máy hút bụi hoặc máy hơi nước nóng để loại bỏ chúng".
Rệp đã xuất hiện với số lượng lớn hơn trong những thập kỷ gần đây, chủ yếu là do mật độ dân số tăng, người đi du lịch nhiều hơn và lượng người di chuyển lớn.
Rệp cắn người để hút máu, tạo ra những vết thương thường gây ngứa, nhưng cũng có những trường hợp tiếp xúc với phân rệp có thể gây ra các cơn hen suyễn trong khi vết cắn có thể gây phát ban hoặc các phản ứng nghiêm trọng hơn như sốc phản vệ và thậm chí trầm cảm.