Nam thanh niên bị chảy máu ồ ạt do độn thái dương tại một cơ sở thẩm mỹ viện không phép

MT,
Chia sẻ

Thông tin từ Bệnh viện (BV) E cho biết, khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Hàm mặt vừa tiếp nhận nam bệnh nhân vào cấp cứu khẩn cấp do bị chảy máu ồ ạt khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ độn thái dương tại một cơ sở thẩm mỹ viện không phép trên địa bàn quận Cầu Giấy.

Ths. BS Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Hàm mặt, BV E cho biết, tối 11/2, Khoa tiếp nhận bệnh nhân nam 33 tuổi được chuyển đến cấp cứu trong tình vùng phẫu thuật bên thái dương trái có vết khâu 4cm còn chảy máu, vùng thái dương sưng phồng, bầm tím lan tỏa ra đuôi mắt. Ấn tại chỗ có nhiều dịch dưới da.

Nam thanh niên bị chảy máu ồ ạt do độn thái dương tại một cơ sở thẩm mỹ viện không phép - Ảnh 1.

Nam bệnh nhân vào Bệnh viện E.

Theo chia sẻ bệnh nhân, anh biết đến cơ sở thẩm mỹ này qua quảng cáo trên facebook. Sau khi gọi điện hẹn đến làm đẹp, anh được cơ sở giới thiệu sẽ có bác sĩ chuyên môn trực tiếp khám và phẫu thuật cho anh. Tuy nhiên, trong quá trình phẫu thuật, anh cũng không biết người làm cho mình có phải là bác sĩ hay không. Trong quá trình phẫu thuật, sau khi người tự giới thiệu là bác sĩ này đặt chất liệu độn thái dương, thấy máu chảy ồ ạt không cầm được nên đã vội rút chất liệu ra và khâu kín lại, chuyển đến cấp cứu tại BV E.

Tại BV E, qua siêu âm thái dương bên trái cho thấy, bệnh nhân có khối tụ dịch cách bề mặt da 3mm, kích thước 35 x 8mm. Vùng bên phải đã đặt chất liệu, không tụ dịch. Các bác sĩ phải hút dịch máu tại vùng chảy máu, sau đó tiến hành băng ép bằng băng chun, chống chảy máu.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Minh, thái dương là vùng có rất nhiều mạch máu từ động mạch thái dương nông và tĩnh mạch thái dương nông cấp máu cho toàn bộ vùng da đầu, nên khi phẫu thuật bóc tách tạo khoang đặt chất liệu tại vùng này rất dễ phạm vào các mạch máu gây chảy máu ồ ạt. Người bệnh nên thực hiện các phẫu thuật ở địa chỉ uy tín được cấp phép của Sở Y tế hoặc các bệnh viện có khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

Tạm thời bệnh nhân đã ổn định nhưng phải theo dõi tiếp nguy cơ chảy máu sau băng ép khoảng 24 giờ. Đặc biệt là bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng, các bác sĩ sẽ phải điều trị kháng sinh dự phòng.

Chia sẻ