Độn thái dương giúp cải thiện sắc đẹp, tăng điều phú quý nhưng khi làm cần chú ý điều này
Theo BS Nhung, độn thái dương hay làm đầy thái dương là một trong những kỹ thuật làm đẹp trong thẩm mỹ. Nhiều người thích khuôn mặt tròn trịa, chứ không thích sự khúc khuỷu góc cạnh, nên dịch vụ làm đầy thái dương hiện tại được nhiều cơ sở áp dụng thực hiện.
Nhiều chị em muốn độn thái dương để nhanh chóng sở hữu vẻ đẹp rạng ngời, sang trọng
Độn thái dương hiện nay được đánh giá là phương pháp làm đẹp an toàn, nhanh chóng giúp bạn sở hữu gương mặt rạng rỡ và sang trọng. Vùng thái dương tuy không được nhiều người chú trọng nhưng lại có ảnh hưởng rất mạnh đến vẻ đẹp tổng quan của chị em.
Đa số những người có thái dương không đầy đặn, nhan sắc sẽ mang nhiều khuyết điểm, khuôn mặt trở nên góc cạnh, vùng trán theo đó cũng bị co thóp lại không cân xứng. Không chỉ ảnh hưởng đến trực diện, thái dương hóp được đánh giá là không tốt cho tướng số và vận mệnh.
Đó là những lý do khiến nhiều chị em muốn tìm đến thẩm mỹ độn thái dương để thay đổi diện mạo, không chỉ sở hữu gương mặt với đường nét hài hòa hơn mà còn mong muốn có một cuộc sống phú quý, may mắn hơn.
Tuy nhiên, do không tìm hiểu kỹ càng trước khi tiến hành độn thái dương, hàng ngày vẫn có những ca gặp họa khi tiến hành làm phương pháp thẩm mỹ này. Mới vào tháng 4 năm nay, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cấp cứu một bệnh nhân 33 tuổi trong tình trạng căng tức thái dương sau khi tiến hành độn thái dương tại một spa ở Hà Nội. Bệnh nhân cũng gặp biến chứng chảy máu sau can thiệp vùng thái dương,. Rất nhiều cục máu tươi đọng lại chèn ép dây thần kinh.
Vậy, trước khi tiến hành độn thái dương, bạn cần phải chú ý điều gì để tránh biến chứng không mong muốn như này xảy ra?
Những điều quan trọng nhất cần chú ý khi độn thái dương
Theo BS Đỗ Thị Phương Nhung (BS chuyên ngành Da liễu, Phòng khám Da liễu Thăng Long, từng công tác tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội), độn thái dương hay làm đầy thái dương là một trong những kỹ thuật làm đẹp trong thẩm mỹ. Quan niệm của người Việt Nam là thích có sự tròn trịa về khuôn mặt, chứ không thích sự khúc khuỷu góc cạnh, nên dịch vụ làm đầy thái dương hiện tại được nhiều cơ sở áp dụng thực hiện.
BS Đỗ Thị Phương Nhung chia sẻ về phương pháp làm đầy thái dương.
"Về giải phẫu, vùng thái dương có xương, cơ và da nhưng da và cơ mỏng; mạch máu đi nông nên khi tiến hành kỹ thuật làm đầy thái dương được tạm cho là vùng có tỉ lệ an toàn cao hơn vùng khác", BS Nhung khẳng định.
Theo vị chuyên gia này, muốn làm đầy thái dương trong thẩm mỹ nội khoa thì từ trước đến nay hay dùng nhất là tiêm chất làm đầy hay còn gọi là tiêm filler. Về bản chất, filler chính là hyaluronic acid - đó là chất có độ an toàn đã được FDA công nhận. Tuy nhiên, không phải filler của hãng nào cũng được FDA chứng nhận độ an toàn trên người. Do đó, trước khi tiến hành tiêm filler, bạn cần hết sức chú ý điều này để tránh biến chứng không mong muốn.
BS Đỗ Thị Phương Nhung
Về kỹ thuật làm đầy thái dương, bác sĩ cần nhìn tổng thể toàn bộ khuôn mặt và độ lõm của thái dương để định liều filler sao cho cân đối và phù hợp nhất. Sau đó bác sĩ sẽ dùng kim hay canulla để đưa filler vào đúng vùng hõm của thái dương.
BS Nhung lưu ý: "Cần đưa filler sát xương cho vùng này để đảm bảo thẩm mỹ tốt nhất. Nếu đi nông thì khi bệnh nhân cử động khuôn mặt, khối filler đó có thể di chuyển và nhìn rõ, như thế sẽ rất mất thẩm mỹ".
Kỹ thuật tiêm filler làm đầy thái dương không khó nhưng có nguy cơ tắc mạch hay chèn ép mạch gây hoại tử.
Chuyên gia khẳng định kỹ thuật tiêm filler làm đầy thái dương không khó nhưng có nguy cơ tắc mạch hay chèn ép mạch gây hoại tử. Điều này nằm ở 2 nguyên nhân: Một là, người thực hiện không được đào tạo tỉ mỉ về kỹ thuật tiêm filler; Hai là, chưa chọn loại filler chất lượng vì cách chọn loại filler nào cũng chiếm tới 50% sự an toàn trong việc lựa chọn kỹ thuật này cho vùng thái dương.
Do đó, dù tiến hành độn thái dương hay bất cứ thẩm mỹ nào cần tiêm filler, bạn cần chú ý sử dụng loại filler có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được chứng nhận an toàn của FDA. Nên thực hiện tại những cơ sở có uy tín, được công nhận giấy phép hoạt động và thực hiện bởi bàn tay của những bác sĩ có trình độ, giàu kinh nghiệm.