Nam sinh lấy nhà vệ sinh làm “không gian sống”, nguyên nhân đến từ 1 việc làm của bố mẹ
Nam sinh B.M.Q từng là một học sinh giỏi trong lớp, tuy nhiên, những năm gần đây, Q bắt đầu sống thu mình, chỉ thích vào nhà vệ sinh học và đọc sách.
B.M.Q (15 tuổi, ở Hà Nội) từng là học sinh giỏi, hoạt bát và biết quan tâm tới người khác. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Q sống thu mình không giao tiếp với bố mẹ. Q thường xuyên tự nhốt mình trong phòng và vùi đầu vào đọc truyện.
Sau nhiều lần bị mẹ mắng, dè bỉu, nam sinh càng thu mình. Q dùng nhà vệ sinh làm “không gian sống”, thường đọc sách, thậm chí là học bài tại đó.
Không chỉ sống thu mình, Q cũng ít quan tâm đến bản thân, không biết chăm sóc cơ thể, tóc để dài, xoăn tít và bết lại vì bẩn. Móng tay dài cũng không biết cắt, khi bố mẹ nhắc nhở, Q chỉ "vâng ạ" rồi đâu lại vào đó.
Ngoài ra, Q thường xuyên dè bỉu em trai nên nhiều lần bị bố nhắc nhở. Tuy nhiên, Q không thay đổi. Thậm chí Q còn thường xuyên dè bỉu các bạn trên lớp.
Khi thấy con có những dấu hiệu bất thường, bố mẹ đã đưa Q đi khám tâm lý.
Bác sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Bách, Trung tâm – Tâm lý lâm sàng Dr MP cho biết, thời điểm đến khám, Q rụt rè, hỏi không nói, tóc bết lại, cơ thể có mùi hôi. Sau khi dành nhiều thời gian động viên, chia sẻ, thậm chí bác sĩ phải nói chuyện với Q như “hai người bạn”, khi đó nam sinh mới mở lòng tâm sự.
Q nói từ nhỏ bố mẹ em đã bất đồng quan điểm trong cách dạy con. Bố mẹ đều bảo thủ cho rằng cách giáo dục con cái của mình là đúng, không ai chịu ai.
“Việc cháu vào nhà vệ sinh để đọc sách là do không muốn nghe những cuộc tranh luận của bố mẹ, không muốn bị mẹ dè bỉu, trút giận lên đầu. Cháu muốn có không gian riêng, được làm chính mình”, Q nói.
Với những biểu hiện trên, cùng với quá trình khai thác tiền sử bệnh, bác sĩ nhận thấy nam sinh bị rối loạn ái kỷ. Có nghĩa là nam sinh chỉ biết đến bản thân mình, không quan tâm đến những người xung quanh. Đặc biệt, người bị rối loạn ái kỷ khi bị người khác dè bỉu nhiều lần sẽ tự sinh ra thói quen coi khinh và dè bỉu người khác.
“Q từng bị mẹ dè bỉu nhiều lần, nên ở nhà em dè bỉu em trai và dè bỉu cả các bạn khi đến trường”, bác sĩ Bách cho hay.
Bệnh ái kỷ hay còn gọi là rối loạn nhân cách ái kỷ hoặc chứng yêu bản thân thái quá là một bệnh lý tâm thần. Bệnh nhân mắc bệnh lý này chỉ quan tâm đến bản thân, luôn mong muốn người khác ngưỡng mộ và tôn trọng mình nhưng lại thiếu sự đồng cảm với người khác. Bệnh lý này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh nếu họ không được điều trị kịp thời.
Bệnh ái kỷ xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới và thường bắt đầu ở độ tuổi thiếu niên hoặc trưởng thành.
Bệnh nhân mắc bệnh ái kỷ thường có hành vi kiêu ngạo, thiếu đồng cảm với mọi người và chỉ muốn được mọi người ngưỡng mộ. Những người ái kỷ thường được mô tả là người tự phụ, luôn xem bản thân là trung tâm. Họ cũng có tính cách thất thường và luôn tin rằng mình xứng đáng được đối xử đặc biệt.
Tự kiêu là mức độ nhẹ hơn của bệnh tâm lý ái kỷ. Người tự kiêu thường ra vẻ tự phụ, ích kỷ, thích kiểm soát và có một tình yêu huyễn hoặc với bản thân.
Những rối loạn nhân cách có liên quan tới bệnh ái kỷ bao gồm: rối loạn chống đối xã hội, rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn nhân cách kịch tính.
Nam sinh sau 3 ngày điều trị đã có chuyển biến tốt. Nam sinh đã tự biết cắt móng tay, chăm sóc bản thân. Sau đó, tương tác của nam sinh Q với mọi người cũng tốt hơn. Q làm ngay những việc bố mẹ giao chứ không phải chờ nhắc nhở. Đặc biệt, Q đã không còn dè bỉu người khác, nhất là em trai. Tuy nhiên, để điều trị dứt điểm, Q vẫn cần phải được theo dõi và điều chỉnh thêm một thời gian nữa. Để làm được điều này, bác sĩ cho rằng bố mẹ Q cũng cần phải thay đổi cách dạy dỗ và giao tiếp với con.