Nam sinh dùng dao tự tử sau kỳ thi lớp 10: Bác sĩ nói nếu con có 3 dấu hiệu này, cha mẹ cần hỗ trợ ngay
Theo chuyên gia, sau mỗi mùa thi cử, số lượng học sinh đi khám và nhập viện điều trị rối loạn tâm thần thường tăng.
Gia tăng số trẻ rối loạn tâm thần
Theo Th.BS Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện E), sau mỗi mùa thi, số học sinh gặp các vấn đề rối loạn tâm thần do áp lực điểm số đến khám, điều trị tại khoa thường tăng lên.
Mới đây, khoa tiếp nhận một trường hợp nam sinh thi vào lớp 10 không dám về nhà sau khi điểm số không như kỳ vọng. Thậm chí nam sinh còn nghĩ quẩn, dùng dao cắt vào tay, cổ để tự sát. Rất may, nam sinh được mọi người phát hiện, đưa vào bệnh viện cấp cứu, sau đó được điều trị rối loạn cảm xúc tại khoa.
Trường hợp khác là một học sinh lớp 12 đã rất buồn sau khi thi tốt nghiệp THPT do làm bài không tốt. Học sinh đã mua sẵn thuốc, sau khi có kết quả, nam sinh sử dụng để tự sát. Gia đình phát hiện đưa đi khám, học sinh được điều trị và đã ổn định trở lại.
Bác sĩ Chung cho rằng áp lực đối với trẻ thường đến từ quá trình ôn thi trước đó. Điểm số thi không được như mong muốn là "giọt nước tràn ly" khởi phát những bệnh lý tâm thần.
Các bạn học sinh sẽ có phản ứng cấp như stress, lo lắng, lo âu, mất ngủ, suy nhược thần kinh. Trường hợp nặng hơn sẽ có những rối loạn trầm cảm, nặng nề hơn là tìm tới tự sát.
Ngoài ra, ở một số trẻ, khi chịu áp lực điểm thi, có thể tìm tới chất kích thích để giải tỏa như bóng cười, cần sa, các chất hướng thần, đồ uống có cồn…
Nhận biết trẻ đang có áp lực điểm số
Áp lực về điểm thi có thể gây ra nhưng rối loạn tâm thần tùy mức độ khác nhau. Do vậy, việc nhận biết trẻ đang gặp vấn đề áp lực về điểm số để hỗ trợ, giải tỏa là rất quan trọng.
Bác sĩ Chung cho biết dấu hiệu học sinh đang có áp lực về điểm số là:
- Thay đổi tính cách: Bỗng trở nên trầm tính, buồn vô cớ, hay khóc, thích ở một mình… là phản ứng thu rút khỏi cuộc sống. Đây là hệ quả của stress, rối loạn lo âu khiến trẻ muốn trốn tránh.
- Bất an, bồn chồn, dễ cáu gắt: Ở một số trẻ sẽ có triệu chứng bồn chồn, bất an, đi lại nhiều, đứng ngồi không yên. Điều này chứng tỏ trẻ đang ở trong trạng thái lo âu.
- Mất ngủ, mệt mỏi: Một số trường hợp trẻ xuất hiện rối loạn giấc ngủ. Trẻ có thể than phiền hay đau đầu mệt mỏi, chán ăn…
Gỡ rối khi trẻ có điểm số thấp
"Khi trẻ có điểm thi thấp, chính bản thân con đã áp lực. Ngoài ra, trẻ còn có những áp lực từ bạn bè (đồng trang lứa), người quen, họ hàng, xã hội đánh giá... Do vậy, gia đình, thầy cô cần là những người hỗ trợ cảm xúc nhiều cho trẻ trong giai đoạn này", bác sĩ Chung lưu ý.
Điều quan trọng nhất đối với các phụ huynh/thầy cô là ứng xử phải hết sức tế nhị.
Thứ nhất, bố mẹ/thầy cô giáo cần biết được năng lực của con, học trò của mình; tránh việc kỳ vọng quá mức, không thực tế.
Thứ hai, phụ huynh/thầy cô cần tế nhị trong việc hỏi thăm liên quan tới điểm số. Sự tế nhị sẽ thể hiện sự chấp nhận thay vì so sánh, đánh giá.
Theo bác sĩ Chung, việc hỗ trợ cảm xúc cho trẻ rất cần có sự quan tâm, sẻ chia của bố mẹ. Trong trường hợp này, bố mẹ nên chấp nhận điểm số thi không thay đổi được. Tuyệt đối không phán xét, so sánh kết quả điểm số hay những gì con chia sẻ.
Để phòng ngừa trường hợp đáng tiếc xảy ra do rối loạn tâm thần liên quan tới điểm số thi, bác sĩ Chung gửi gắm: "Các bậc phụ huynh cần nhớ một điều - con cái là để chăm sóc, bao bọc, chăm chút. Con cái sinh ra không phải để bố mẹ kỳ vọng, đặt áp lực. Vì vậy, nên giữ tình cảm với con từ những ngày đầu tiên khi con mới chào đời".