CNN: Nam giới Hàn Quốc biểu tình vì bị chê ‘ngắn’, đòi quyền bình đẳng cho cánh mày râu
Giáo sư Park Ju Yeon của trường đại học Yonsei University cho biết cảm giác thất bại cũng như áp lực cuộc sống với giới trẻ ngày nay đang khiến xung đột bình đẳng giới ngày càng căng thẳng trong xã hội Hàn Quốc.
Câu chuyện kích thước bộ phận sinh dục vốn là vấn đề khá nhạy cảm ở Hàn Quốc cũng như nhiều nơi trên thế giới. Thế nhưng gần đây cùng với sự phát triển của phong trào #MeToo của phụ nữ và áp lực kinh tế gia tăng, nhiều nam giới Hàn Quốc cũng đã bùng nổ đòi quyền lợi bình đẳng cho mình vì bị chê "ngắn".
Dấu hiệu "ngắn"
Theo hãng tin CNN, những người chơi của trò "Lost Ark" tại Hàn Quốc phải mất 3 năm mới nhận ra một dấu hiệu mang tính kỳ thị đàn ông trong game này. Cụ thể, biểu tượng thủ thế "OK" vốn là hình ngón trỏ đặt lên ngón cái, thế nhưng Lost Ark lại khiến 2 ngón tay khép hờ vào nhau và tạo thành biểu tượng ám chỉ khiếm nhã về bộ phận sinh dục nam giới.
Vào tháng 8/2021, rất nhiều người chơi Hàn Quốc đã yêu cầu game này chỉnh sửa khi biểu tượng này xúc phạm cánh mày râu.
Trên thực tế, câu chuyện của Lost Ark chỉ là một trong vô số vụ việc liên quan đến phân biệt và xúc phạm giới tính đang ngày một tăng ở Hàn Quốc, qua đó tạo nên những cuộc tranh cãi dữ dội trên mạng hay thậm chí là biểu tình.
Tháng 5/2021, chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 tung chiến dịch quảng cáo ứng dụng giao đồ ăn nhưng lại dùng ký hiệu tay gây hiểu lầm, qua đó tạo nên làn sóng chỉ trích và thậm chí là những nhóm biểu tình nhỏ ở Hàn Quốc.
Hãng tin CNN cho biết nam giới Hàn Quốc trong vài năm trở lại đây đã vô cùng tức giận khi họ bị bỏ lại đằng sau phong trào bình đẳng giới, cho rằng phụ nữ được đề cao thái quá.
Ngoài ra, những bất cập của nền kinh tế khiến cơ hội việc làm ít đi, cuộc sống khó khăn hơn, khó làm giàu và khó lấy vợ đã khiến áp lực cánh mày râu Hàn Quốc bùng nổ.
Sự bất bình này đã khiến hơn 20 nhãn hàng phải thay đổi biểu tượng quảng cáo vì gây hiểu lầm kể từ tháng 5/2021. Ít nhất 12 thương hiệu đã phải chính thức xin lỗi công khai vì khiến khách hàng hiểu nhầm họ bị xúc phạm.
Trong nhiều năm, câu chuyện xúc phạm bộ phận sinh dục nam giới Hàn Quốc đã tồn tại nhưng chúng chưa bao giờ bị phản ứng gay gắt như hiện nay. Việc sử dụng những hình ảnh trừu tượng như xúc xích, chuối... trở nên ngày càng nhạy cảm.
Một cuộc khảo sát của Hankbook Research vào tháng 5/2021 cho thấy hơn 77% nam giới Hàn Quốc ở độ tuổi ngoài 20 và 73% ở độ tuổi ngoài 30 cho rằng phong trào bình đẳng giới đang thiên vị thái quá phụ nữ mà bỏ quên cánh mày râu.
Một thế hệ "thất bại"?
Giáo sư Park Ju Yeon của trường đại học Yonsei University cho biết cảm giác thất bại cũng như áp lực cuộc sống với giới trẻ ngày nay đang khiến xung đột bình đẳng giới ngày càng căng thẳng trong xã hội Hàn Quốc.
Trong 10 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Hàn Quốc đã tăng từ 6,9% lên 9,9%. Tuy nhiên nếu tính cả những bạn trẻ đang phải làm việc bán thời gian, sống lay lắt với đồng lương bèo hay những người không có công việc ổn định tại Hàn Quốc, tỷ lệ này sẽ lên đến 21,8%.
Trái với tình hình kinh tế bùng nổ trong khoảng thập niên 1970-1990, giới trẻ Hàn ngày nay đang phải chịu cảnh tăng trưởng giảm tốc. Thu nhập bình quân đầu người tại khu vực thành thị giảm xuống chỉ còn 2.000 USD/tháng thì giá nhà trung bình tại những nơi như thủ đô Seoul tăng tới 670.000 USD.
Giá nhà tăng cùng cơ hội việc làm đi xuống khiến nam giới trở nên nóng nảy hơn bao giờ hết. Trong khi đó, chính phủ liên tục có những chính sách hỗ trợ nữ giới như tuyển dụng phụ nữ nhiều hơn cho mảng hành chính công.
Tại Hàn Quốc, nam giới phải thực hiện đủ 21 tháng nghĩa vụ quân sự trước khi bước sang tuổi 28, một quy định mà nhiều người cho rằng là gánh nặng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Điều trớ trêu là việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cam kết nâng cao quyền bình đẳng của phụ nữ, đưa thêm phái yếu vào thị trường lao động lại đang khiến nam giới nước này càng "sốt ruột".
Giáo sư Choi Jae Seob của trường đại học Nam Seoul cho biết nam giới là bộ phận khách hàng có chi tiêu lớn trong xã hội Hàn Quốc và giờ đây ngày càng nhiều đàn ông từ chối mua sản phẩm của các hãng ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền (Feminist).
"Giữa các thương hiệu thì tôi sẽ chọn nhãn hàng nào không ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền", một nam sinh viên tên Ha nói với hãng tin CNN.
Chàng sinh viên này cho biết rất nhiều bạn bè của anh cảm thấy họ bị bỏ rơi và xúc phạm nhưng vẫn chịu đựng cho qua suốt nhiều năm cho đến thời điểm hiện tại.
Chuyên gia tư vấn Noh Yeong Woo của hãng PR One cho biết tình hình nghiêm trọng đến nỗi nhiều công ty đã phải nghiên cứu rất kỹ các biểu tượng quảng cáo của mình nhằm tránh kích động sự phẫn nộ trong công chúng, điều hiếm khi xảy ra trước đây ở Hàn Quốc.
Thậm chí, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Moon Jae In cũng bị ảnh hưởng. Khảo sát của Realmeter cho thấy phần lớn nam giới ngoài 20 đều ủng hộ nhà lãnh đạo này cách đây 2 năm, thế nhưng tỷ lệ này đã giảm xuống chưa đến 30% hiện nay. Trái ngược lại, tỷ lệ nữ giới ủng hộ Tổng thống Moon Jae In lại tăng đến 63,5%.
Theo hãng tin CNN, nhiều nhóm phản đối bình đẳng giới của đàn ông đã được thành lập ở Hàn Quốc.
Anh Moon, người lãnh đạo nhóm Dang Dang We đòi quyền bình đẳng cho nam giới Hàn Quốc cho biết đã thành lập tổ chức này vào năm 2020 khi phong trào #MeToo của phụ nữ ngày càng biến dạng.
"Phong trào bình đẳng giới cho phụ nữ ngày nay chẳng còn mang ý nghĩa ban đầu nữa. Chúng đang dần biến dạng thành sự phân biệt giới tính với những động thái ngày càng bạo lực và mang sự thù ghét hơn trong xã hội", anh Moon cho biết.
*Nguồn: CNN