Năm ca tiên lượng tử vong, trong đó 3 ca không có bệnh nền, trở nặng nhanh
Bộ Y tế cho biết cả nước hiện có gần 6.000 bệnh nhân đang điều trị tại 106 cơ sở y tế.
Trong số này có 3.283 có biểu hiện lâm sàng nhẹ, 107 ca tiên lượng nặng, 138 ca nặng phải thở ôxy, 39 ca nặng phải thở máy không xâm nhập, 26 ca nguy kịch phải thở máy xâm nhập và 12 ca nguy kịch phải đặt ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể). Hiện có 5 bệnh nhân tiên lượng nguy cơ tử vong cao.
Chiều 14/6, Tiểu ban điều trị tổ chức hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng với Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tỉnh Bắc Giang và Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh.
Tại Bắc Giang hiện có hơn 4.000 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại 16 cơ sở y tế trong đó có những trung tâm y tế tuyến huyện, Tổ hội chẩn đề xuất Sở Y tế tỉnh cần lập ngay hệ thống theo dõi bệnh nhân có nhịp thở trên 20 lần/phút và một số chỉ số để các chuyên gia có thể theo dõi sát sao nhằm đánh giá và có hướng xử trí kịp thời, tránh diễn biến nặng đáng tiếc.
Với tỉnh Bắc Ninh, các chuyên gia tham gia hội chẩn chiều 14/6 đánh giá tỉnh đã thu dung hơn 1.200 bệnh nhân COVID-19, các thầy thuốc dưới sự hỗ trợ của các bác sĩ từ Trung ương đã tổ chức điều trị tốt. Hiện còn hơn 500 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị 4 cơ sở y tế. Các bệnh nhân cần tiếp tục được theo dõi sát sao.
Sau hơn 1 tháng trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện khác, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh đã có thể thực hiện đặt ECMO cho bệnh nhân, đây là sự tiến bộ rất lớn.
Tại buổi hội chẩn, điểm cầu Bắc Giang xin ý kiến về 2 bệnh nhân nặng:
Trường hợp thứ nhất, bệnh nhân N.T.T (67 tuổi) chuyển đến Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tỉnh Bắc Giang ngày 12/6.
Hiện tại bệnh nhân tỉnh, thở HFNC, tuy nhiên tình trạng suy hô hấp không cải thiện khi đặt nội khí quản, do đó các bác sĩ đã hội chẩn và tiến hành đặt ECMO, đồng thời chỉ định cho bệnh nhân dùng an thần giãn cơ, dinh dưỡng và vật lý trị liệu. Các bác sĩ cũng tiên lượng trường hợp này rất nặng, nguy cơ tử vong.
Tại buổi hội chẩn, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng, đề nghị Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tỉnh Bắc Giang cần điều trị thuốc chống đông cho bệnh nhân sớm, lọc máu sớm, điều hoà nhằm giảm cơn bão cytokin.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân T.T. M 64 tuổi, từ ngày 31/5-9/6, bệnh nhân thở HFNC; ngày 12/6 đặt nội khí quản thở máy, lọc máu liên tục, an thần, thở máy, giãn cơ, dinh dưỡng tích cực và vật lý trị liệu.
“Phải tiếp cận bệnh nhân sớm, các cơ sở điều trị F0 phải kẹp SPO2 liên tục để tiếp cận sớm tình trạng nặng của bệnh nhân. Điều trị COVID-19 phải toàn diện, bệnh nhân COVID-19 không chỉ bị tổn thương phổi mà còn có thể nhiều tổn thương khác, do đó cần phải lưu ý việc này trong quá trình điều trị”, GS.TS Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh.
Qua thực tiễn hội chẩn 2 ca bệnh này, GS.TS Nguyễn Gia Bình hết sức lưu ý các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là điều trị bệnh nhân nặng cần thay đổi cách tiếp cận trong điều trị, bám sát chặt các bệnh nhân có nhịp thở 20 lần/phút và phải chỉ định sử dụng thuốc chống đông sớm, không chờ bệnh nhân nặng lên vì như thế sẽ có thể khiến cho quá trình điều trị thêm lâu dài.
“Các bác sĩ phải vừa làm vừa đào tạo, vừa cầm tay chỉ việc. Do đó, các cơ sở điều trị cần tận dụng tối đa những gì đang có từ con người, cần mạnh dạn trong điều trị. Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có đến 14-15 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, do đó Sở Y tế khẩn trương lập hệ thống theo dõi bệnh nhân có nhịp thở trên 20 lần/ phút để theo dõi chặt chẽ. Trong trường hợp còn “lăn tăn” về hướng điều trị, cần xin ý kiến ngay các thầy, các chuyên gia”, GS.TS Nguyễn Gia Bình nói.
Trường hợp thứ 3 được báo cáo từ Khoa Hồi sức tích cực A2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh là BN3799, 69 tuổi. Bệnh nhân được chuyển từ tuyến huyện lên hôm 19/5 vì ho, sốt. Tiền sử bệnh tật không có bệnh lý mãn tính, thể trạng bình thường (BMI 19.3). Bệnh nhân được chẩn đoán xơ phổi bội nhiễm, suy kiệt, suy hô hấp sau mắc COVID-19.
Sau vào viện, bệnh nhân diễn tiến từ khó thở nhẹ lên khó thở nhiều hơn, được thở oxy qua mặt nạ rồi chuyển thở HFNC. 10 ngày sau vào viện, bác sĩ xác định bệnh nhân có tổn thương dạng nhồi máu nhu mô thận phải, quai ruột nhiều hơi, chưa xác định được nguyên nhân. Tối 12/6, bệnh nhân phải thở máy, an thần, giãn cơ, SpO2 giảm 85-88%, thể trạng suy kiệt (BMI còn 18.3). Một ngày sau, bệnh nhân phải đặt ECMO sau khi xin ý kiến hội chẩn chuyên gia. HIện SpO2 bệnh nhân đã tăng lên 99%.
Hiện bệnh nhân đang điều trị ở ngày thứ 32 và có 26 ngày điều trị ICU. Đáng nói, bệnh nhân đã có 3 lần nhận kết quả âm tính SARS-CoV-2, lần gần nhất là hôm 11/6. Kết quả soi đờm tìm vi khuẩn, nấm đều âm tính, vector nhiễm trùng có xu hướng giảm.
Tại buổi hội chẩn, các bác sĩ ở Bắc Ninh xin ý kiến các chuyên gia về việc truyền khối hồng cầu, huyết tương tươi đông lạnh, tiểu cầu, Albumin cho nam bệnh nhân này. Các chuyên gia đánh giá sau 1 tháng điều trị, phổi của bệnh nhân đã tổn thương rất nhiều. Đây chính là giai đoạn khó khăn với nam bệnh nhân đã bị suy kiệt này.
Với chiến lược điều trị cho bệnh nhân hợp lý, các chuyên gia bày tỏ hy vọng nam bệnh nhân trên đây diễn biến sẽ tốt lên. Các thầy thuốc cần lưu ý vấn đề tiểu cầu của bệnh nhân, sử dụng thuốc hạ áp động mạch phổi; tiếp tục ECMO, tăng cường dinh dưỡng...
Theo dõi chặt chẽ và thay đổi trong tiếp cận điều trị bệnh nhân
GS.TS Nguyễn Gia Bình cho hay, biến thể của chủng virus mới gây tăng nặng nhanh hơn, nhiều hơn biến chủng trước đó. Do đó, các thầy thuốc "trực chiến" phải theo dõi rất chặt chẽ và có sự thay đổi trong cách tiếp cận chiến lược điều trị cá thể hoá. Bệnh nhân cần làm xét nghiệm về tế bào máu, đông máu hàng ngày, liên tục.
Chuyên gia này cũng lưu ý các thầy thuốc cần lưu ý nhận diện cơ chế viêm, tắc mạch, để sớm chỉ định cho bệnh nhân sử dụng chống đông, chống viêm, điều trị tắc mạch, không chờ diễn biến bệnh nhân nặng lên sẽ tốn kém và nguy cơ tử vong.