Nam ca sĩ "khoe" phạt con, nhận chỉ trích nhiều đến nỗi phải sửa bài, cảnh báo: Đừng ai làm theo tôi nhé!
Khi dư luận tiếp tục lên án, nam ca sĩ đã quyết định xóa bài đăng.
Sinh năm 1967, Trịnh Quân là nam ca sĩ đình đám Cbiz. Năm 1994, anh đã gia nhập giới giải trí. Trịnh Quân ghi dấu tên tuổi của mình qua các tác phẩm như Naked, Third Eye, Bloom, Our Life Is Full Of Sunshine... Trịnh Quân từng cùng con trai tham gia show truyền hình Dad Is Back vào năm 2015 và nhận về nhiều sự yêu thích.
Trịnh Quân còn là một người cha rất có trách nhiệm trước mặt con trai mình. Anh cũng đích thân giúp con trai tắm rửa và đối xử với con rất nhẹ nhàng trong suốt chương trình.
Tuy nhiên, nam ca sĩ cũng từng vướng phải chỉ trích dữ dội khi chia sẻ chuyện phạt con. Theo đó, Trịnh Quân đăng một bài đăng trên weibo, nói rằng sau khi biết con trai mình nói dối, anh đã trừng phạt cậu bé bằng cách bắt con quỳ lạy nghìn lần.
Khi con thực hiện quỳ lạy được 200 lần, Trịnh Quân nói rằng nếu không muốn tiếp tục, bé có thể chọn cách khác. Cuối cùng, cậu con trai chọn ngồi xếp bằng 1 tiếng đổi 500 cái quỳ lạy.
Trịnh Quân cũng cho biết con trai chịu không nổi đã hét lên "Con không dám nói dối nữa" trong mười phút. Ông bố mô tả con trai mình khóc như mưa. Có thể thấy từ bài đăng, Trịnh Quân dường như không quan tâm đến sự suy sụp của con trai khi vừa khóc vừa la hét, thậm chí anh còn quay video.
Phương pháp dạy con của nam ca sĩ đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi và gây nhiều tranh cãi. Một số cư dân mạng cho rằng nói dối cần bị phạt, tuy nhiên việc quỳ lạy ngàn lần vẫn là hơi quá nghiêm trọng. Hơn nữa anh còn là ngôi sao lớn nên rất dễ bị người khác bắt chước.
Bản thân Trịnh Quân có lẽ cũng không ngờ câu chuyện lại gây ra tranh cãi như vậy. Trước sự chỉ trích quá lớn của cư dân mạng, nam ca sĩ sau đó đã sửa lại bài đăng của mình và nói thêm rằng các bậc cha mẹ không nên bắt chước. Đồng thời anh nhấn mạnh con trai mình vẫn thường thư giãn bằng cách ngồi khoanh chân kiểu hoa sen trong một giờ, thực hành trong nhiều năm. Vì thế hành động khoanh chân không ảnh hưởng gì.
Anh cũng giải thích: "Việc cúi lạy không dành cho cha mẹ, mà là trong thiền đường".
Dù vậy, một số cư dân mạng vẫn cáo buộc ông bố này đã lạm dụng quyền làm cha mẹ để hành hạ con cái. Họ cho rằng hành động quỳ lạy sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ. Nói dối là thói quen tự nhiên, phải dạy từ từ. Khi dư luận tiếp tục lên án, Trịnh Quân đã quyết định xóa bài đăng.
Sau đó anh đăng lại một bài viết thuần túy dựa trên cơ sở khoa học, giải thích chi tiết rằng trong yoga, quỳ lạy là tinh hoa và thiền là một cách tốt để rèn luyện khả năng tập trung của trẻ. Cuối cùng, ông bố còn nhấn mạnh "Tôi chưa bao giờ đánh đòn một đứa trẻ".
Nếu con nói dối thì phải dạy chúng như thế nào?
Đối với trẻ nhỏ từ 0 đến 5 tuổi
Việc đầu tiên, bố mẹ cần nhớ rằng thế giới của trẻ nhỏ rất khác đối với người lớn, và có những khái niệm mà con hoàn toàn không hiểu như "nói dối" chẳng hạn. Rất nhiều em bé không biết mình đang nói dối mà đó chỉ là cách con kể lại những gì diễn ra trong trí tưởng tượng phong phú của con mà thôi. Nếu như gặp phải tình huống con có biểu hiện không trung thực, hãy bình tĩnh và kiên nhẫn với con.
Hãy cứ để con kể câu chuyện tưởng tượng của mình, lắng nghe và cố gắng thấu hiểu điều con muốn nói. Không có đứa trẻ nào muốn nói dối cha mẹ mình cả, luôn luôn có nguyên nhân đằng sau khiến con cư xử như thế. Khi nắm bắt được nguyên nhân, hãy thành thật nói chuyện để cùng con giải quyết vấn đề.
Đối với trẻ từ 5 - 8 tuổi
Con thường nói dối vì sợ phải chịu trách nhiệm cho một hành động nào đó của mình. Con thường không có ý xấu khi nói dối mà chỉ vì quá sợ hãi mà thôi. Bố mẹ hãy trấn an con và cho con một cơ hội để giải quyết hậu quả cho những hành động của mình trong sự hòa bình, không quát mắng hay trừng phạt.
Tất nhiên, không phải lời nói dối nào cũng vô hại, không phải lúc nào con cũng vô tình nói dối mà hoàn toàn có những lời nói là chủ đích của con để che giấu một điều gì đó. Lúc này sự tinh tế của bố mẹ sẽ giúp giải quyết tốt hơn là những câu gặng hỏi đe nẹt.
Hãy cứ từ từ nói chuyện với con, sử dụng những thông tin của mình để tìm ra vấn đề mà con gặp phải hay che giấu. Nói với con rằng bố mẹ luôn lắng nghe và tha thứ cho mọi lỗi lầm của con, nhưng đừng bao giờ nói dối. Chỉ khi cảm nhận được sự tin tưởng và cảm thông từ bố mẹ, con mới có thể thành thật.
Nuôi dạy một đứa trẻ trung thực không hề đơn giản nhưng cũng không phải quá khó khăn. Chỉ cần bố mẹ trung thực thì các con sẽ hiểu được giá trị của sự trung thực và cư xử thành thật trong suốt cuộc đời mình.