Năm 2025 rồi, cha mẹ bỏ túi ngay 6 tiêu chuẩn nuôi dạy trẻ thông minh được Đại học Harvard đề xuất!
Nếu giáo dục vượt trước không cải thiện IQ của trẻ, cha mẹ nên làm gì để phát triển trí thông minh cho con mình?
Đại học Bắc Carolina từng tiến hành một nghiên cứu chuyên sâu, trong đó các nhà nghiên cứu chọn ngẫu nhiên 175 gia đình, chia các trẻ em trong số đó thành hai nhóm. Một nhóm được cha mẹ nuôi dạy theo cách thông thường, trong khi nhóm còn lại được áp dụng phương pháp giáo dục vượt trước từ khi trẻ mới 3 tháng tuổi. Sau đó, các nhà nghiên cứu tiến hành kiểm tra trí tuệ của trẻ mỗi 15 tháng một lần.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trước lớp ba, những trẻ được giáo dục vượt trước có chỉ số IQ trung bình cao hơn 15 điểm so với nhóm trẻ được nuôi dạy thông thường. Tuy nhiên, từ lớp bốn trở đi, tình hình bắt đầu đảo ngược: Chỉ số IQ của các trẻ trong nhóm nuôi dạy thông thường dần bắt kịp, thậm chí một số trẻ còn vượt qua nhóm giáo dục vượt trước.
Tại sao lại như vậy?
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng giáo dục vượt trước chỉ mang lại lợi thế tạm thời, vì nó được xây dựng dựa trên sự huấn luyện cưỡng ép, đồng thời hy sinh hoặc kìm hãm sự phát triển ở những khía cạnh khác của trẻ. Điều này thường gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.
Nhiều bậc cha mẹ thường đặt nặng vấn đề thành tích học tập, nhưng học giỏi không đồng nghĩa với việc trẻ có sức khỏe tâm lý tốt hay khả năng giải quyết vấn đề.
Theo một số chuyên gia, IQ không nên chỉ được đánh giá thông qua thành tích học tập, mà nên được hiểu là khả năng giải quyết vấn đề của trẻ. Vậy, nếu giáo dục vượt trước không cải thiện IQ của trẻ, cha mẹ nên làm gì để phát triển trí thông minh cho con mình?
Yếu tố chính quyết định IQ của trẻ
Hiện nay, các nhà tâm lý học cho rằng IQ của trẻ phụ thuộc vào ba yếu tố chính: Gen di truyền từ cha mẹ, giáo dục trong gia đình và giáo dục từ bên ngoài. Trong đó, cách hiệu quả nhất để nâng cao IQ cho trẻ trong giai đoạn trước tuổi đi học là tăng cường giáo dục trong gia đình.
Dưới đây là 6 tiêu chuẩn nuôi dạy trẻ phát triển IQ được Đại học Harvard đề xuất:
1. Thường xuyên hôn và âu yếm trẻ trong giai đoạn 0-3 tuổi
Vào năm 1959, nhà tâm lý học người Mỹ Harry Harlow và các đồng sự đã thực hiện một thí nghiệm. Họ tách những chú khỉ sơ sinh khỏi mẹ ngay từ ngày đầu tiên chào đời và để chúng sống cùng hai loại "mẹ" nhân tạo trong 165 ngày: Một mẹ làm bằng thép có gắn bình sữa và một mẹ bọc vải mềm nhưng không có sữa.
Kết quả cho thấy, những chú khỉ chỉ tìm đến mẹ thép khi đói, còn hầu hết thời gian chúng quấn quýt với mẹ vải. Điều này chứng minh rằng, sự tiếp xúc cơ thể quan trọng hơn cả việc cho ăn, và điều này cũng đúng đối với trẻ em. Việc tiếp xúc thân thể thường xuyên giúp kích thích não bộ trẻ và củng cố mối liên kết yêu thương giữa cha mẹ và con cái.
2. Khuyến khích trẻ thử nghiệm những điều mới
Dù mỗi đứa trẻ đều khác nhau, nhưng điểm chung là chúng có sự tò mò bẩm sinh – biểu hiện rõ nét của trí thông minh. Những đứa trẻ càng thông minh thì càng tò mò. Cha mẹ nên khuyến khích con khám phá môi trường xung quanh và thử nghiệm những điều mới mẻ. Khi trẻ phạm sai lầm, hãy nhẹ nhàng hướng dẫn thay vì trách mắng hay chế giễu.
3. Kiên nhẫn trả lời các câu hỏi của trẻ
Khi trẻ lớn lên, chúng sẽ đặt ra vô số câu hỏi, đôi khi khiến cha mẹ cảm thấy "bó tay". Tuy nhiên, đừng tỏ ra khó chịu hay mất kiên nhẫn. Việc hỏi han chính là cách trẻ khám phá thế giới. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những đứa trẻ được cha mẹ đáp ứng kịp thời các câu hỏi từ nhỏ thường có chỉ số IQ cao hơn và nhận được đánh giá tốt từ giáo viên khi trưởng thành.
4. Dạy trẻ các kỹ năng sống cơ bản
Nhà giáo dục Xô-khôm-lin-xki từng nói: "Đừng bảo vệ trẻ khỏi lao động, cũng đừng sợ rằng tay chúng sẽ chai sạn. Thông qua lao động, trẻ không chỉ hiểu rõ hơn về thế giới mà còn học cách nhận thức bản thân". Cha mẹ nên dạy trẻ kỹ năng sống từ sớm, như phân loại đồ vật, làm việc nhà, bỏ đi những thứ không cần thiết, sửa chữa đồ hỏng, và sắp xếp gọn gàng mọi thứ. Đây không chỉ là cách dạy trẻ kỹ năng sống mà còn là cơ hội để tăng cường mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
5. Dành thời gian chất lượng bên con và tương tác nhiều hơn
Sự tương tác chất lượng cao giữa cha mẹ và con cái là nền tảng để xây dựng mối quan hệ khăng khít và mang lại cảm giác an toàn, yêu thương cho trẻ. Hãy dành thời gian trò chuyện, chơi cùng, hoặc đưa trẻ đi dã ngoại.
6. Khuyến khích và khen ngợi trẻ
Bất kỳ tiến bộ nhỏ nào của trẻ cũng xứng đáng được khen ngợi. Chẳng hạn, khi trẻ tự mặc quần áo, hãy ôm và khen ngợi chúng. Khi trẻ thuộc một bài thơ, hãy động viên. Khi trẻ đạt được thành tích tốt, hãy cùng trẻ ăn mừng. Lời khen không chỉ mang lại niềm vui mà còn giúp trẻ tự tin vào bản thân.
So với điểm số cao, sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ mới là điều cha mẹ cần quan tâm hàng đầu. Quan trọng nhất, hãy dành cho trẻ nhiều tình yêu và sự đồng hành, vì những điều này sẽ mang lại hiệu quả giáo dục lâu dài và bền vững hơn bất kỳ phương pháp vượt trước nào.