Năm 2018 sắp hết, bồi hồi nhớ lại những khoảnh khắc không thể nào quên trong 1 năm đầy niềm vui và nhiều nỗi buồn
Đây là những khoảnh khắc và sự kiện quan trọng, có tác động mạnh đến thế giới và truyền thông trong năm qua.
2018 sắp qua đi, hãy cùng điểm lại những sự kiện chấn động xảy ra trên khắp thế giới trong 365 ngày qua.
Một hiện tượng cực hiếm đã diễn ra vào đêm 31/1/2018 khi siêu trăng, trăng xanh và nguyệt thực toàn phần màu đỏ (hay trăng máu) đồng thời xảy ra. Lần đầu tiên sau 150 năm mọi người được chiêm ngưỡng hiện tượng "siêu trăng xanh máu". Theo Forbes, tỷ lệ để cả ba hiện tượng này cùng lúc diễn ra là 0,042% lần trăng rằm, nghĩa là 2.380 lần trăng tròn, tương đương khoảng 265 năm mới có một sự kiện như thế này.
Chiều 11/2/2018, chiếc máy bay loại nhỏ thuộc hãng Saratov Airlines đã mất tín hiệu trên radar chỉ vài phút sau khi cất cánh khỏi sân bay Domodedovo khoảng 14h21' (giờ địa phương). Toàn bộ 71 hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng sau khi chiếc máy bay rơi gần Moscow.
Hồi tháng 4 năm nay, trong bài blog đề cập những thay đổi của Facebook về bảo vệ dữ liệu người dùng, Giám đốc công nghệ Facebook Mike Schroepfer thừa nhận lượng thông tin cá nhân bị rò rỉ đã tới con số 87 triệu chứ không dừng lại ở 50 triệu. Ngay sau bài viết của Mike Schroepfer, Mark Zuckerberg đã lên tiếng nhận lỗi: "Chúng tôi đã không đủ bao quát về trách nhiệm của mình và đó là sai lầm. Lỗi là ở tôi", CEO Facebook nói. "Khi bạn đang xây dựng một thứ gì đó chưa từng có trên thế giới như Facebook, bạn sẽ không lường trước được hậu quả. Quan trọng là học hỏi được từ sai lầm".
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại đường ranh giới quân sự giữa hai nước trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên hôm 27/4. Quan hệ hai miền Triều Tiên chứng kiến bước ngoặt lịch sử vào ngày 27/4, khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu tiên gặp nhau tại Khu Phi quân sự (DMZ) nhằm thảo luận về phi hạt nhân hóa, xây dựng hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo và phát triển quan hệ liên Triều.
Hôn lễ của hoàng tử Harry và cô dâu Meghan đã trở thành tâm điểm chú ý của hàng tỷ người trên toàn thế giới và được ví như đám cưới cổ tích giữa cô nàng Lọ Lem và chàng hoàng tử điển trai bởi Meghan vốn xuất thân từ thường dân lại từng có một đời chồng, vượt qua bao thị phi ngang trái, cuối cùng cô cũng trở thành một thành viên của gia đình Hoàng gia Anh danh giá.
Bức ảnh bé gái Honduras khóc nức nở khi mẹ bị giới chức Mỹ khám xét ở biên giới Mỹ - Mexico hôm 12/6 gây bão mạng xã hội trong thời điểm đó. Cô bé mặc chiếc áo màu hồng đang khóc một cách vô vọng với ánh mắt hướng về mẹ. Người phụ nữ không có mặt trong ảnh nhưng theo tác giả John Moore, khi đó bà đang bị một nhân viên Hải quan và Tuần tra Biên giới Mỹ khám xét. Bức ảnh được ca ngợi là một sự hội tụ tất cả nỗi đau đớn và tuyệt vọng của nhiều gia đình đang bị chính quyền Tổng thống Trump chia cắt ở biên giới Mỹ - Mexico mỗi ngày.
Trận chung kết FIFA World Cup Russia 2018 khép lại, đội tuyển Pháp đã vượt qua Croatia với tỷ số 4-2 để lên ngôi vô địch thế giới sau 20 năm chờ đợi. Không chỉ các cổ động viên mà cả các nhà lãnh đạo Pháp, Croatia, Nga cũng có mặt để cổ vũ cho 2 đội. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không giấu nổi niềm vui khi đội nhà ghi bàn trong trận Chung kết World Cup giữa Pháp và Croatia tại Moscow, Nga, vào ngày 15 tháng 7 năm 2018.
Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarovic đích thân đến Nga cổ vũ cho đội nhà Croatia.
Ngày 10/7/2018, toàn bộ 12 cầu thủ nhí của đội bóng Lợn rừng và huấn luyện viên của họ đều đã được đưa ra khỏi hang Tham Luang. Đó là chiến dịch cứu hộ nghẹt thở suốt nhiều ngày, và rốt cuộc đội bóng có tên "Lợn rừng" đã được tự do. Cuộc giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan ra khỏi hang Tham Luang sau 17 ngày mắc kẹt là hình mẫu của tinh thần hợp tác quốc tế và là sự hy sinh cao cả của những thành viên đội cứu hộ trong hoàn cảnh khắc nghiệt.
Trận mưa lũ bất thường tại bang Kerala, miền Nam Ấn Độ, đã khiến khoảng 220.000 người mất nhà cửa. Trận lũ kinh hoàng quét qua nhiều ngôi làng, gây sạt lở đất và cướp đi sinh mạng của ít nhất 324 người. Đây được cho là thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất lịch sử Ấn Độ trong vòng 100 năm qua.
Một đoạn của cây cầu cao tốc bị sập tại thành phố cảng Genoa, phía bắc Italy. Vụ tai nạn khiến 35 xe hơi và nhiều xe tải rơi từ độ cao 45m xuống đường ray tàu hỏa bên dưới. Nhân viên cứu hỏa đã làm việc cật lực để tìm kiếm người mất tích dưới đống đổ nát. Ngoài 39 người thiệt mạng, vụ tai nạn còn khiến 16 người khác bị thương.
Ngày 26 tháng 9, một trận động đất mạnh 7,4 độ richter đã tấn công đảo Sulawesi của Indonesia, gây ra một trận sóng thần lớn khiến 2.100 người thương vong, hơn 4.600 người bị thương, làm hư hại hơn 68.450 ngôi nhà, khiến khoảng 680 người mất tích.
Vài phút sau khi cất cánh, chuyến bay của hãng hàng khong Lion Air chở 189 hành khách đã rơi xuống biển ngoài khơi Indonesia. Chuyến bay cất cánh ngày 29/10 từ Jakarta đến thành phố Pangkal Pinang. Cơ quan tìm kiếm và cứu hộ Indonesia đã thông báo không có người nào còn sống sót sau vụ tai nạn.
Cháy rừng tàn phá California hồi tháng 11. Đây được coi là một trong những vụ cháy rừng thảm khốc nhất trong lịch sử nước Mỹ. Lửa bắt đầu bùng phát ở quận Butte thuộc phía bắc của bang. Tính đến ngày 28 tháng 11, nó đã giết chết 88 người, phá hủy gần 20.000 tòa nhà và gây ra thiệt hại lên tới 10 tỷ đô la. Hơn 1.000 lính cứu hỏa, 70 xe cứu hỏa và 2 máy bay trực thăng phải mất nhiều giờ liền mới kiểm soát được ngọn lửa.
Đầu tháng 12/2018, thủ đô Paris của Pháp xảy ra tồi tệ nhất kể từ tháng 5 năm 1968, với hàng trăm người bị thương và hàng ngàn người bị bắt giữ. Khởi phát từ Khải Hoàn Môn ở trung tâm Paris, căng thẳng dâng cao sau khi đoàn người biểu tình trong phong trào "áo vàng" xảy ra đụng độ với cảnh sát chống bạo động. Cảnh sát phải phong tỏa nhiều tuyến đường, đóng cửa các địa điểm du lịch nổi tiếng, dùng tới đạn hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông, khiến ít nhất 110 người bị thương.
Khi chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2018 thì trận sóng thần rạng sáng ngày 23/12 bất ngờ đổ ập vào Indonesia - do ảnh hưởng của núi lửa Krakatoa phun trào - đã cuốn phăng hàng trăm mạng sống, khiến hơn 800 người bị thương và mất tích cùng hàng trăm ngôi nhà và các cơ sở vật chất khác
Chính phủ Indonesia, các tổ chức y tế, cứu trợ và người dân đang rất nỗ lực trong công tác tìm kiếm cứu hộ, khắc phục sau thảm họa.
(Nguồn: Tổng hợp)