Mỹ: Tìm ra thuốc mới trị được cả ung thư và COVID-19
Các nhà nghiên cứu Mỹ đã tìm ra một cơ chế đặc biệt hỗ trợ sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong cơ thể, có thể bị khóa bởi một loại thuốc họ đang nghiên cứu để chống ung thư.
Theo SciTech Daily, nhóm khoa học gia dẫn đàu bởi giáp sư Amy S.Lee. chuyên gia về hóa sinh và y học phân tử từ Trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California (Mỹ) đã phát hiện vai trò của một protein mang tên GRP78 trong sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Trong các thử nghiệm, ức chế được GRP78 sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của virus vào các tế bào của cơ thể, một điều quan trọng để chống lại các trường hợp bệnh nghiêm trọng.
Thuốc mới hứa hẹn điều trị cả COVID-19 và ung thư - Ảnh minh họa từ SCITECH DAILY
Đây là một phát hiện đầy hứa hẹn bởi trong khi vắc-xin hiện đã giúp nhiều người mắc bệnh nhẹ hơn, giảm tỉ lệ nhập viện, nhưng một thiểu số - thường là người mang các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn - vẫn có thể bị bệnh nghiêm trọng và tử vong. Các thuốc trị COVID-19 phổ biến lại ngày càng thua virus trong đường đua đột biến để thoát miễn dịch.
Thế nhưng nhóm nghiên cứu, với sự phối hợp của Trung tâm Nghiên cứu và sáng tạo Cleveland Clinic Floria, đã sẵn một loại thuốc ức chế được GRP78 dựa trên phân tử HA15.
Thuốc này ban đầu được phát triển để chống lại ung thư, bao gồm ung thư phổi. Nó có khả năng liên kết với GRP78 và khóa chặt protein này, tức có thể được sử dụng như thuốc trị COVID-19 cho bệnh nhân nặng.
Trong một nghiên cứu độc lập, giáo sư Lee và các cộng sự đang nghiên cứu hiệu quả của HA.15 trong bệnh ung thư, bên cạnh một chất ức chế FRP78 khác là YUM70. Nghiên cứu có sự cộng tác của Đại học Michigan này đã thành công bước đầu, khi cho thấy thuốc ngăn chặn việc sản xuất các protein KRAS đột biệt khiến ung thư trở nên kháng trị.
Tiềm năng ứng dụng của thuốc HA15 và YUM70 khá rộng, có thể dùng trong ung thư tuyến tụy, phổi, ruột kết... Vì vậy, cùng với nhau, hai nghiên cứu về COVID-19 và ung thư hứa hẹn sớm đưa ra thị trường một loại thuốc cứu mạng nhiều người.
Các nghiên cứu vừa được công bố trên hai tạp chí khoa học Nature Communications và Neoplasia.