Mỹ phẩm ngoại “made in”… ngoại thành TP.HCM

,
Chia sẻ

Nếu trước đây, mỹ phẩm giả chỉ tập trung vào dòng sản phẩm có giá trị cao như nước hoa, son, phấn… thì nay các mặt hàng thông dụng như dầu gội, sữa tắm cũng tràn ngập hàng giả.

Các loại mỹ phẩm giả này “ra lò” từ một số cơ sở ở các quận, huyện ngoại thành TP HCM.

Nhan nhản mỹ phẩm giả
 
Cuối tháng 6, đội Quản lý thị trường Bình Chánh thuộc Chi cục quản lý thị trường TP HCM bắt quả tang cơ sở tại địa chỉ B11B/60 (tổ 11, ấp 2, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) đang sản xuất sữa tắm giả White Care có xuất xứ Malaysia. Công nghệ làm hàng giả này được thực hiện trong căn phòng 12 m², với một công nhân đang pha trộn bốn loại hóa chất trong xô nhựa, rồi vô chai, sau đó tung ra thị trường. Các loại hóa chất để trộn ra sữa tắm này không ai biết chúng có những thành phần hóa học nào trong đó.
 

Mỹ phẩm giả gây rất nhiều hậu quả xấu. Một khách hàng bị nổi mẩn đỏ trên lưng khi xài mỹ phẩm giả.

Trước đó, đội quản lý thị trường Bình Tân phát hiện Công ty TNHH sản xuất thương mại Diệu Anh (C4B8, ấp 4, đường Thanh Niên, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) đăng ký sản xuất mỹ phẩm hiệu Zizilac, nhưng lại “ra lò” sữa tắm White Care!.. Sữa tắm White Care thường được gọi là sữa tắm dê (trên bao bì có in hình gương mặt cô gái bên cạnh chú dê), là một trong những mặt hàng đang được ưa chuộng.

Vào chiều tối, tại nhiều chợ cóc, thường xuất hiện những người bán dạo chuyên bán loại sữa tắm này và trên mạng cũng nhan nhãn mẫu quảng cáo rao bán với giá chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 so với sản phẩm cùng loại trong siêu thị và đã “câu” được rất nhiều người tiêu dùng.

Ngoài sữa tắm giả, dầu gội các thương hiệu quen thuộc như Clear, X-men cũng liên tục bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện hàng giả trên thị trường, phần lớn ở dạng gói nhỏ dùng một lần.

Dễ dàng làm hàng giả

Tại khu vực bán hóa chất trên đường Kim Biên (gần chợ Kim Biên, quận 5), các cửa hàng bày la liệt can nhựa trắng đựng dung dịch loại 20 lít, 10 lít chỉ ghi chung chung dầu gội, sữa tắm, nước hoa xịt phòng… với các mùi mang đích danh nhãn hàng dầu gội Clear, Enchanteur, Pantene, X-men…

Khi khách hỏi mua, nhân viên chiết ra can nhỏ, với giá chỉ 12.000 đồng một lít và có thể dùng ngay. “Nếu muốn làm hàng giả, chỉ việc cho các loại dầu gội, sữa tắm không nhãn mác vào bao bì in giả, thêm hương liệu mà chả cần phải có kiến thức về hóa học”, một quản lý thị trường nói.

Công nghệ in ấn phát triển đã “tiếp tay” cho đối tượng làm hàng giả hoàn chỉnh bao bì giả mà mắt thường khó phân biệt, giúp sức cho hàng giả phát triển. Mới đây, UBND quận Bình Tân đã xử phạt doanh nghiệp tư nhân in ấn Thiên Sơn (phường An Lạc, quận Bình Tân) hơn 25 triệu đồng vì các vi phạm trong kinh doanh, trong đó có sản xuất kinh doanh bao bì hàng hóa giả (in hơn 5.000 vỏ chai sữa tắm “White Care” xuất xứ Malaysia).

Ngoài ra, theo các cán bộ quản lý thị trường trực tiếp xử lý các vụ vi phạm, do mặt hàng dầu gội, sữa tắm có giá trị thấp, nên số tiền xử phạt cũng chỉ vài triệu đồng, không đủ sức răn đe, nên phạt điểm này, lại mọc lên điểm khác. Đã thế, nơi ra lò hàng giả thường là phòng trọ thuê, khi bị phát hiện, đối tượng bỏ trốn, cuối cùng chuyện xử phạt không thực hiện được và cũng không khai thác được đường dây làm hàng giả.
 
Theo Báo Đất Việt
Chia sẻ