Mỹ: Đột phá lớn trong nghiên cứu ghép thận heo cho người
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature cho biết việc ghép thận heo với 69 gien đã được chỉnh sửa đã giúp một con khỉ đuôi dài cynomolgus sống được tới 2 năm.
Công trình này là một phần trong nỗ lực đầy tham vọng về việc dùng thận heo biến đổi gien để cấy ghép cho con người, nhằm giải quyết khó khăn lâu đời là nguồn tạng hiến tặng luôn rất ít so với số bệnh nhân đang chờ được cứu.
Cấy ghép thành công cho khỉ - một sinh vật gần gũi về mặt di truyền với con người - là một bước tiến đặc biệt quan trọng trong nỗ lực toàn cầu này.
Thận heo được chỉnh sửa có thể được dùng để cấy ghép cho con người trong tương lai gần - Ảnh minh họa từ Internet
Trong nghiên cứu vừa công bố, nhóm tác giả dẫn đầu bởi TS Muhammad Mohiuddin từ Trường Y khoa thuộc Đại học Maryland (Mỹ) đã chỉnh sửa 96 gien của các con heo thí nghiệm.
Các gien này bao gồm 3 gien liên quan đến qua trình thải ghép, 59 gien liên quan đến DNA retrovirus đã được gắn vào gien của heo từ nhiều thế hệ, 7 gien được bổ sung từ con người có tác dụng thúc đẩy sự phát triển các cơ quan một cách khỏe mạnh.
Các con heo thí nghiệm được nuôi đến khi trưởng thành, trong đó 15 quả thận tốt nhất đã được thu thập, cấy vào 15 con khỉ, có dùng thuốc chống thải ghép sau đó.
Đối với nhóm không được ghép thận đã chỉnh sửa được quan sát để đối chứng, tất cả đã chết trong vòng dưới 2 tháng.
Trong số những con khỉ nhận thận heo, 9 con đã vượt mốc 2 tháng, 5 con trong số đó sống đến trên 1 năm. Khi đến mốc 2 năm, một con vẫn còn sống.
Nghiên cứu chi tiết trên các con khỉ sống lâu cho thấy các cơ quan này hoạt động tốt như nội tạng của chính chúng.
Các nhà nghiên cứu cho biết thành công này cho thấy họ đang đi đúng hướng nhưng sẽ cần phải thử nghiệm thêm trước khi tiến hành cấy ghép cho con người. Thông thường sau khi các thử nghiệm động vật thành công, việc cấy tạng động vật đã chỉnh sửa sẽ bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân chết não.
Trước đó, Mỹ từng thực hiện bước ghép thận heo cho người đã chết não thành công vào năm 2021, nhưng bệnh nhân nhanh chóng tử vong hoàn toàn mà nguyên nhân lớn nhất được cho là do không chịu được các mầm bệnh từ heo tấn công.
Do vậy, trong nghiên cứu mới này, các gien liên quan đến retrovirus được chỉnh sửa công phu như một phần nỗ lực khiến quả thận heo trở nên an toàn hơn.