Mỹ: 40% các bà mẹ sống đơn thân

,
Chia sẻ

Năm 1960, những người mẹ độc thân chiếm khoảng 5% tỷ lệ sinh ở Mỹ. Hiện nay con số này đã là 40%. Một nửa số phụ nữ này không hề có người đàn ông nào bên cạnh, và nửa kia có cha của đứa trẻ vào lúc sinh.

6g sáng một ngày làm việc bình thường, Fran lao xuống bếp đun ấm cà fê, nấu súp. Trong lúc chờ, cô phân loại đồ giặt. Khi các con gái Meilin 10 tuổi và Lili 7 tuổi dậy, Fran đưa súp rau cho các con ăn, còn cô đến văn phòng luật sư làm việc.

Fran và các con gái dành nhiều thời gian ngoài trường học và công việc với một nhóm những người mẹ độc thân khác và các con họ. Fran 49 tuổi và bạn là Nancy 50 tuổi. Đôi khi họ đùa rằng lúc nào già yếu, họ sẽ phải bán nhà để trả tiền học cho con và mua một toa xe cũ bên lề đường để ở.

Vào năm 1960, những người mẹ độc thân chiếm khoảng 5% tỷ lệ sinh ở Mỹ. Hiện nay con số này đã là 40%. Một nửa số phụ nữ này không hề có người đàn ông nào bên cạnh, và nửa kia có cha của đứa trẻ vào lúc sinh, theo giáo sư xã hội học tại Đại học Michigan. Việc bùng nổ sinh con ngoài giá thú là do những người cha vô trách nhiệm và những người mẹ trẻ không gặp may. Rõ ràng là phần lớn những người mẹ độc thân vẫn ở độ tuổi 20- số ít hơn ở độ tuổi dưới 20 và trình độ học vấn chỉ đến phổ thông trung học. Nhưng những năm 90, số lượng những người mẹ độc thân gia tăng giống những trường hợp của Fran và Nancy- họ đều tốt nghiệp đại học và ở lứa tuổi 30, 40, và 50.

Theo thống kê, tỷ lệ sinh đối với phụ nữ có học vấn đại học không chồng đã tăng 14,5% kể từ những năm 80, so với tăng 60% ở đối tượng chưa có trình độ đại học. Điều này cho thấy tỷ lệ sinh con không chồng của nhóm tốt nghiệp đại học đã tăng rất nhanh. Mỗi năm cũng có hàng ngàn trẻ em được những phụ nữ không kết hôn nhận nuôi. Những người mẹ tốt nghiệp đại học không kết hôn sinh con có xu hướng cao tuổi hơn: 40% trong số họ sinh con đầu sau tuổi 30, so với 8% tổng số. Các phụ nữ này đi theo mô hình tương tự và quen thuộc trong việc sinh con đầu: lúc đầu họ cũng định lấy chồng, đến tuổi 30 họ thấy khó khăn và quyết định có con mà không có chồng.

Độc thân vẫn tiếp tục… đứa thứ 2
 
Một số phụ nữ, thay cho việc tìm cha cho con, họ tiếp tục cho chúng những đứa em. Số liệu cho thấy những lần sinh con thứ 2 đối với nhóm phụ nữ tốt nghiệp đại học không chồng đã tăng nhanh chóng hơn số sinh đứa thứ nhất- gấp 7 lần kể từ những năm 80. Đối với Fran và bạn bè cô, đứa trẻ thứ 2, chứ không phải là chồng, trở nên bình thường. “Đây chính xác là điểm khác biệt giữa các bà mẹ độc thân thế hệ trước và thế hệ này”. Những người phụ nữ hiện đại này cho rằng: “Tại sao không? Tại sao tôi không nên có gia đình mà tôi hằng mong muốn?”.

Một số người mẹ độc thân khác, thì gia đình có cả một hoặc hai bạn trai của người mẹ, nếu không phải là đối tác cam kết trọn đời. Nhưng nhiều phụ nữ thấy việc nuôi 2 đứa trẻ khiến họ không còn sức lực để gặp gỡ đàn ông. Và họ cũng không cần đến nguồn thu nhập thứ 2 mà đối tác có thể mang lại; nhiều bà mẹ độc thân trung lưu thu xếp được tốt vấn đề tài chính. Còn việc có con có thể đẩy phụ nữ học vấn phổ thông trung học hoặc ít hơn vào nghèo khổ; có thêm đứa thứ 2 càng tăng thêm mạo hiểm.

Fran chia sẻ rằng khi cô muốn sinh bé thứ 2, cha cô phản đối vì “nếu thế sẽ chẳng ai cưới con nữa”. Ông yêu cháu ngoại Meilin nhưng ông đã gà trống một mình nuôi Fran và 3 em sau khi mẹ cô chết bởi vậy ông không muốn con gái một mình nữa.

Tuy nhiên trước khi chết, cha của Fran nói với con gái rằng ông đã nghĩ về tuổi già và cái chết, ông thấy tốt hơn là cháu ông được có chị có em giống mẹ nó.

“Là người mẹ độc thân với đứa con độc, đối với tôi nó có vẻ khiến đứa trẻ ngột ngạt”, Anne nói. Tất cả hy vọng dồn vào đứa trẻ. Bởi vậy tôi có đứa thứ 2 một phầnlà để tăng động lực cho gia đình”

Mẹ hy sinh hò hẹn vì con

Fran cho rằng trong tương lai, cô sẽ không kết hôn hoặc thậm chí tìm bạn trai. “Quãng thời gian 10 năm tới là thời gian tôi nuôi dạy con. Việc có bạn trai không phải là một phần cuộc sống của chúng tôi”.

Một số bà mẹ độc thân giống Fran từ bỏ những mối quan hệ lãng mạn và tình dục trong thời gian dài, tìm người khác như họ hàng, bạn bè để giúp đỡ những việc mà thông thường người bạn đời làm- chẳng hạn như tìm người để dạy trẻ chậm nói có thể nói được rõ ràng hơn, chụp ảnh khi đi chơi…

Một số bà mẹ độc thân cảm thấy mạo hiểm trong việc tìm cha cho con. Giữa những năm 90, ở Anh, Susan tại Đại học Cambridge đã tiến hành cuộc nghiên cứu về những người mẹ độc thân tầng lớp trung lưu, giữa các con của 38 đôi ngoại tình với 25 đôi đồng tính và 38 người mẹ độc thân. Phần lớn những đối tượng này đều có trình độ đại học và có công việc chuyên môn hoặc nhà quản lý.

Khi các em 12 tuổi, bà theo dõi sự phát triển hành vi và cảm xúc của các em, mối quan hệ với bạn bè và lòng tự trọng và không thấy sự khác biệt giữa các nhóm. Cho đến năm các em 18 tuổi lại tiến hành hỏi chuyện và lúc này phần lớn các mẹ vẫn độc thân.

“Điều khiến tôi chú ý là rất ít các bà mẹ tham gia vào hoặc theo đuổi bất cứ mối quan hệ yêu đương nào. Sự thực là nhiều bà mẹ không phát triển bất cứ mối quan hệ nào vì lợi ích của con cái họ”

Tương tự như vậy một cuộc trắc nghiệm tiến hành ở Mỹ với 330 phụ nữ tự xác định làm mẹ một mình. 86% có trình độ đại học hoặc trên đại học. 91% trong số các bà mẹ này nói rằng họ không có mối quan hệ nào. Gần 30% nói rằng đó là sự lựa chọn có ý thức.

Có phải việc có đứa trẻ thứ 2 khiến nhóm đối tượng này tránh xa hò hẹn?

Hai con có nghĩa là nhiều những đêm mất ngủ, nhiều năm đưa đón con ở trường học, nơi không có nhiều nam giới chưa vợ. Một phụ nữ chia sẻ: “Nói thật chứ, nếu muốn để ý đến việc đó thì tôi phải chú ý hơn đến hình thức. Tôi vội vàng đưa con đi học buổi sáng với áo phông, quần thụng và tóc búi ngược lên” đến nỗi cha của đứa trẻ cũng phải bảo rằng “cô đã tự đưa mình ra khỏi thị trường hôn nhân”

Tuy nhiên có những bà mẹ vẫn cảm thấy thiếu thốn và họ hẹn hò ngay khi con mới sinh ra. Và đôi lúc họ cố gắng online nhưng họ rất nhiều việc không tên và khi vãn bớt việc thì cũng đã mệt nhoài.

Anne chuyển về sống gần nhà cha mẹ đẻ khi sinh con trai. Càng ngày cô càng thấy cha mẹ cần thiết biết bao. Cô cũng thuê người trông con giúp để còn tự kinh doanh thiết bị y tế. Một phụ nữ khác là Carole thì còn quấn bố mẹ đẻ hơn. Bố mẹ cô đón đứa lớn 8 tuổi, nấu bữa tối và cho đứa nhỏ 20 tháng của cô ăn.

Đó là chiến lược khác với Fran và Eileen. Nhưng có một điểm chung; những người phụ nữ này có quyền tự do nuôi con theo cách họ muốn. Cha mẹ đẻ giúp họ mà không can thiệp vào cuộc sống của họ. Chẳng hạn như Carole có lúc nhắc bố đẻ rằng ông không nên sửa tư thế ngồi bàn học của cô cháu gái bởi vì “đó không phải phần việc của ông”

Tất cả các bà mẹ độc thân tôi gặp đều hài lòng vì họ có thể đưa ra những quyết định về các con họ chẳng hạn như sẽ đi học ở đâu… Mặc dù họ cũng nhận thức được một số thuận lợi của hôn nhân, tuy nhiên về khía cạnh tự do mà nói, hôn nhân đồng nghĩa với những cuộc đàm phán liên miên chả thú vị gì.

Trong việc phối hợp với cha mẹ, Anne và các bạn cô cho rằng họ khác với những phụ nữ ly hôn. “Tôi có mấy người bạn ly hôn, và họ thích kết hôn hơn tôi. Đối với họ, đó là sự trở lại với cuộc sống lứa đôi họ đã từng có. Đối với tôi, đó là thêm phức tạp vào cái đang ổn định”.

Thiếu cha có là “vấn đề”?

Sớm hay muộn phần lớn những phụ nữ quyết định không tìm cha cho các con cũng đối mặt với câu hỏi: Các con họ sẽ biết về nam giới như thế nào? Các con có bị lạc ra khỏi con đường cơ bản không? Trong một cuộc điều tra khác Susan Golombok cũng cho thấy 60% cho rằng việc có vai trò của đàn ông đối với con họ rất quan trọng và 38% nghĩ không quan trọng lắm. Tuy nhiên tìm một người đàn ông vào vị trí này không hề đơn giản. Trong cuốn sách “Nuôi dạy con trai không có bố”, tác giả Drelex, nhà tâm lý học viết rằng “những người mẹ cố ý sinh con một mình đang hoang mang với vai trò của người đàn ông đối với con trai họ”. Theo bà nỗi lo về việc tìm cha đặt không đúng chỗ. Bà chỉ ra rằng kết quả điều tra đối với những đôi đồng tính nữ cho thấy con họ cũng không tồi tệ hơn những đứa trẻ khác.

Các bà mẹ một mình và đồng tính nhấn mạnh rằng thật là thô bạo đối với các con họ khi có sự có mặt thường xuyên của một người đàn ông trong cuộc sống của họ.

Tuy nhiên việc phụ nữ có con mà không cần chồng có vẻ đe doạ đến thể chế hôn nhân và sự vững vàng của gia đình.

Hiện nay những bà mẹ độc thân thường làm hết sức để chứng tỏ rằng họ không đe doạ đến trật tự xã hội của bất cứ ai. Fran cho rằng, làm mẹ độc thân không phải hình thức nổi loạn.

Theo Sara, nhà xã hội học, những ảnh hưởng của li dị và nuôi con một mình cho thấy khả năng thiếu ổn định. Lý do lớn nhất là con của những bà mẹ sinh con một mình có xu hướng “ có vấn đề”- các em có vẻ bỏ học và tham gia tội phạm nhiều hơn- và rồi lại có xu hướng lớn lên nghèo khổ. Trẻ em ở gia đình có bố mẹ li dị cũng có thể gặp thiếu thốn hơn và mẹ các em thì ở nguy cơ cao bị suy nhược, tác động đến việc tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tinh thần cho con cái họ.

Tuy nhiên chưa có nghiên cứu rõ ràng cho thấy những sự mạo hiểm tương tự đối với con cái của những bà mẹ độc thân có học vấn đại học. Các bà mẹ này ít bị mất ổn định và trầm cảm liên quan đến đàn ông hơn so với các bà mẹ độc thân khác

Theo Pruett, giáo sư về tâm lý trẻ em “thực tế là những người mẹ không thể đem lại kiểu chăm sóc con như nam giới”. Nam giới có xu hướng dành nhiều thời gian hơn để chơi với con theo cách khuyến khích khám phá- họ ít sử dụng đồ chơi hơn và đem lại cho con giải trí một cách thuần tuý. Phụ nữ ngược lại, đặc biệt có xu hướng nhấn mạnh việc dạy dỗ và dành nhiều thời gian quan tâm đến những yêu cầu thể chất của trẻ hơn. “Có được mối quan hệ yêu thương, tin cậy, thử thách, với người lớn của cả 2 giới là cách bổ sung dồi dào, khá đủ cho sự phát triển của con người”

Theo Anh Thư
Giadinhnet/New York Times 
Chia sẻ