MXH truyền tay video "Cách tự kiểm tra mình bị Covid-19": Chuyên gia khuyến cáo đó là "luận điệu sai lầm" sinh ra chỉ vì câu view
Người thực hiện hít một hơi thật sâu và nín thở trong vòng 30 giây. Nếu bạn hoàn thành động tác này mà không ho, khó chịu... vậy là không bị nhiễm Covid-19. Thông tin này được chuyên gia phản bác thế nào?
Mạng xã hội Tiktok xôn xao với cách tự kiểm tra xem mình có bị Covid-19 hay không
Mới đây, trên mạng xã hội TikTok truyền nhau cách tự kiểm tra xem mình có bị Covid-19 hay không. Rất nhiều người đã quay video hướng dẫn và nhận được hàng nghìn lượt xem, bình luận...
Cách tự kiểm tra xem mình có bị Covid-19 hay không rất đơn giản, được nhiều Tiktoker hướng dẫn như sau: Người thực hiện hít một hơi thật sâu và nín thở trong vòng 30 giây. Nếu bạn hoàn thành động tác này mà không bị ho, không khó chịu, không cảm thấy ngột ngạt hay căng cứng. Điều đó chứng tỏ không có xơ hóa trong phổi. Về cơ bản điều này cho thấy bạn chưa bị lây nhiễm Covid-19.
Cách kiểm tra xem có mắc COVID không Đúng hay sai
Nhiều Tiktoker khác thì khuyên bảo người dân chỉ cần nín thở trong vòng 10 giây, nếu không xuất hiện những triệu chứng trên thì không phải lo lắng mình mắc bệnh Covid-19.
Thực tế, tin đồn nín thở để xác định xem mình có nhiễm Covid-19 hay không là thông tin không có gì quá đỗi mới mẻ. Khoảng một năm trước, nhiều người truyền tai nhau cách tự kiểm tra mình có bị nhiễm bệnh Covid-19 hay không và được giới chuyên gia phản bác nhiều lần. Thế nhưng, đến nay, cách tự kiểm tra này bỗng nhiên nóng trở lại. Trước tình hình dịch Covid-19 đang vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều người làm theo để giải tỏa lo lắng ngay khi sống trong nhà. Không ít người không đảm bảo thời gian nín thở hoặc xuất hiện hiện tượng ho, khó chịu... sau khi nín thở đã hoang mang đến phát khóc vì mình đã bị Covid-19 rồi.
Nín thở để xác định có bị nhiễm Covid-19 hay không là bài test hoàn toàn không có căn cứ khoa học!
Chia sẻ về việc nín thở có giúp khẳng định một người nhiễm bệnh Covid-19 hay không, BS Lê Tiến Huy (Viện phó Viện Khoa học Công nghệ Y dược) cho rằng, đây chỉ là tin đồn không có căn cứ khoa học. Vấn đề này đã được BS Huy chia sẻ đầy đủ trong video dưới đây:
Chuyên gia phản bác cách tự kiểm tra Covid-19 tại nhà.
Theo BS Lê Tiến Huy, thời gian vừa qua đã xuất hiện quá nhiều thông tin cũng như luận điệu sai lầm được lan truyền chóng mặt trên Tiktok. Điều đáng nói, những video này nhận được rất nhiều view. Thế nên, chuyên gia không khỏi lo lắng hậu quả mà nhiều người có thể gặp phải khi áp dụng bài test này.
BS Lê Tiến Huy khẳng định: "Việc nín thở 10 giây hay 30 giây... không có ý nghĩa gì trong việc chẩn đoán Covid-19. Nguyên nhân là 70% người nhiễm bệnh Covid-19 là không có triệu chứng. Ngoài ra cũng có nhiều bệnh phổi khác cần chẩn đoán phân biệt". Điều đó cũng có nghĩa là những triệu chứng ho, khó chịu, ngột ngạt, căng cứng... còn cảnh báo những bệnh khác liên quan đến phổi chứ không chỉ riêng Covid-19.
BS Huy cho biết, để biết mình có bị dương tính hay không, cách duy nhất đó là đi xét nghiệm. "Bạn có thể làm test nhanh hoặc tiến hành xét nghiệm realtime RT-PCR". Trong đó để xác định một người có bị nhiễm Covid-19 hay không cần có test PCR xác nhận dương tính.
Thông tin nhịn thở giúp xác định có bị nhiễm Covid-19 hay không ngay tại nhà từng được WHO phản bác không có cơ sở khoa học.
WHO xác nhận, một người bị nhiễm Covid-19 có thể không phát ra bất cứ triệu chứng nào trong nhiều ngày. Về việc nín thở 10 giây, 30 giây, không có gì chứng minh đây là kỹ thuật có thể phát hiện một cách chắc chắn có bị nhiễm virus hay không.
Chưa kể, việc phổi bị xơ hóa không liên quan đến virus gây bệnh Covid-19. Phổi bị xơ hóa là một chứng bệnh phổi do phơi nhiễm thường xuyên, đôi khi trong nhiều năm, trong môi trường ô nhiễm công nghiệp. Còn nhiễm trùng cấp tính như virus gây bệnh Covid-19 gây ra thường không có đủ thời gian để bệnh nhân bị xơ hóa phổi.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên tin và làm theo những tin đồn truyền miệng qua mạng xã hội để rồi lo lắng, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Khi thấy mình có dấu hiệu của bệnh Covid-19 hoặc nghi ngờ mình có tiếp xúc với nguồn lây, tốt nhất nên đi làm xét nghiệm ngay.