Mượn sổ đỏ nhà mẹ đẻ vay tiền cho chồng làm ăn và cái kết "ngã ngửa"

An Thanh,
Chia sẻ

"Nhà ở đứng tên ông bà nhưng em lại bỏ tiền riêng mình tích cóp hồi còn độc thân ra đóng góp nhiều nhất", người phụ nữ kể.

Trong cuộc sống hôn nhân, chuyện vợ chồng cùng nhau lo toan tiền bạc để góp vốn làm kinh tế không thiếu. Nhưng nên lo thế nào, góp ra sao cũng cần người ta phải suy nghĩ thật sự kỹ càng. Như câu chuyện của người phụ nữ dưới đây đã để lại không ít bài học.

Mượn sổ đỏ nhà mẹ đẻ vay tiền cho chồng làm ăn

Người phụ nữ tên H. đăng tải câu chuyện trong một group. Chuyện như sau:

"Bây giờ em không biết nghĩ thế nào và xử lý sự việc ra sao. Vợ chồng em đã chính thức "đánh bài ngửa" với nhau nhưng em vẫn cố bám víu vào cuộc hôn nhân, cố gắng chịu tủi vì không muốn hoàn toàn mất trắng số tiền lớn.

Hai vợ chồng em kết hôn được 2 năm, có một con nhỏ. Anh ấy làm nghề tự do. Em bán hàng online linh tinh gọi là đủ chi tiêu trong gia đình.

Cuộc sống vợ chồng em người ngoài nhìn vào đều nhận xét là ổn. Bọn em ở với bố mẹ chồng và mới đây ông bà cũng xây nhà, hai vợ chồng phải góp tiền. Đây là cái dại đầu tiên của em, nhà ở đứng tên ông bà nhưng em lại bỏ tiền riêng mình tích cóp hồi còn độc thân ra đóng góp nhiều nhất. Từ xây cho đến nội thất em góp vào 500 triệu vì nghĩ trước sau gì cũng ở chung. Xây xong ở nhà cũng không thoải mái vì dù sao vẫn có kịch bản 'sống chung với bố mẹ chồng' xảy ra".

Mượn sổ đỏ nhà mẹ đẻ vay tiền cho chồng, người phụ nữ không dám ly hôn: Vợ chồng tiền bạc có nên rạch ròi? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo H. cuộc hôn nhân của cả hai là tự do yêu đương rồi kết hôn. Chồng cô rất yêu vợ, lúc nào cũng khoe ảnh vợ con trên facebook. Bởi vậy, H. luôn tin tưởng chồng mình.

Cô chia sẻ: "Cách đây vài tháng chồng em về nhà bảo rằng đang có cơ hội làm ăn hợp tác với bạn bè và cần tiền để làm lớn. Nói thật, bây giờ nghĩ lại em mới thấy ngu dại. Nhà bố mẹ chồng mới xây thì sừng sững ở đó mà em lại quyết định mượn bố mẹ em sổ đỏ nhà để đi vay ngân hàng hơn 2 tỷ cho anh. Lúc đó, chồng em bảo em vay vì lí do: 'Nhà thành phố vay được nhiều tiền hơn' vì nhà chồng ở huyện".

Như vậy là H. đã dốc hết vốn liếng xây nhà sống chung với bố mẹ chồng, mượn sổ đỏ nhà bố mẹ đẻ để vay tiền cho anh ta. Tất cả đều không có giấy tờ gì chứng minh cả. H. cũng không nắm rõ chồng làm ăn gì, có hợp đồng giấy tờ cổ phần gì không. Từ lúc làm đến hiện tại, vài tháng đầu chồng cô còn mang tiền về nhưng 3-4 tháng đổ lại, anh không mang xu nào cho vợ vì lí do làm ăn khó khăn không có lãi.

"Vô tình em đã phát hiện ra chồng mình ngoại tình. Nhìn những dòng tin nhắn "chồng vợ" với cô gái kia và hình ảnh của họ bên nhau mà em choáng váng tột độ. Chưa bao giờ em nghĩ điều này đến với mình. Lúc nói chuyện, anh ta còn cãi nhưng khi em đưa hình ảnh ra, anh ta im lặng không nói gì. Từ đó, đêm nào chồng cũng không về nhà và có lẽ, vì vợ đã biết chuyện nên anh ta bất chấp luôn.

Bây giờ em sống trong cảnh vô cùng u uất. Tiền nong tiết kiệm được dồn vào cho nhà chồng xây nhà, tiền vay ngân hàng bằng sổ đỏ nhà bố mẹ thì để cho anh ta làm ăn. Chẳng có bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ em đưa tiền. Em sợ bây giờ ly hôn thì khoản hơn 2 tỷ đó sẽ mất trắng không đòi được. Em dại dột quá rồi, chẳng biết làm sao"- cô vợ đau khổ chia sẻ.

Đọc xong câu chuyện, nhiều người cảm thấy rất buồn lòng. Rõ ràng, người phụ nữ này đã tự đưa mình vào thế khó để đến hiện tại không dám ly hôn vì sợ không đòi lại được tiền.

Có nên rạch ròi tiền bạc trong hôn nhân

Khi kết hôn, có lẽ bất cứ ai cũng nằm lòng được lí thuyết rằng từ nay hai vợ chồng sẽ là một thể thống nhất. Từ quyền lợi đến nghĩa vụ phải thực hiện cùng nhau.

Cũng bởi vậy, câu chuyện hai vợ chồng cùng chung tay góp vốn để làm ăn không hiếm. Nhưng với nhân vật H. tất cả đều đang diễn biến theo những tình huống thật tệ. Cô đã góp tiền riêng của mình để xây chung nhà với bố mẹ chồng. Trong khi đó, giấy tờ nhà chẳng hề liên quan đến cô.

Mượn sổ đỏ nhà mẹ đẻ vay tiền cho chồng, người phụ nữ không dám ly hôn: Vợ chồng tiền bạc có nên rạch ròi? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Và cái dại lớn nhất chính là việc tự tay mượn sổ đỏ nhà của bố mẹ, vay tiền ngân hàng về cho chồng làm ăn. Nếu bây giờ ly hôn mà không thương lượng được với chồng thì rất có thể cô sẽ phải tự tay gồng gánh toàn bộ nợ nần. H. cũng đã tự đưa bố mẹ đẻ mình vào tình thế khó xử theo con gái.

Để đến bây giờ, những suy nghĩ về tiền bạc, những hối hận trong lòng khiến cô không dám ly hôn dù gặp phải người chồng tệ bạc, sai trái. Cô sợ không đòi được tiền để lấy sổ đỏ về, tiếc số tiền mình gom góp đã cùng xây nhà với bố mẹ chồng trước đó.

Chuyện vợ chồng cùng cố gắng góp vốn làm ăn không phải điều gì lạ lùng. Nhưng phụ nữ cần tỉnh táo, góp vốn thế nào, làm ăn ra sao mình cũng nên biết. Tất cả mọi thứ liên quan đến khoản tiền lớn giữa hai vợ chồng mà có sự góp mặt của người thứ ba thì nên có giấy trắng mực đen. Đôi khi tiền bạc đủ sức tàn phá bất cứ mối quan hệ nào, kể cả quan hệ vợ chồng nên cần nắm rõ điều đó.

Chẳng có quy định chung nào về sử dụng tiền bạc sau hôn nhân. Tuy nhiên, mọi người vẫn cần tỉnh táo và đừng bao giờ mạo hiểm với bất cứ quyết định nào. Nhiều cặp đôi sẽ dùng cách thu về một mối, lại có người muốn chia đều tất cả các khoản chi và đều có riêng khoản tiết kiệm... Bất cứ mô hình nào cũng có thể được áp dụng. Tuy nhiên, chuyện vay mượn số tiền lớn thì bắt buộc để cả hai cùng gánh vác, cùng chịu trách nhiệm. Đừng sơ sẩy cả tin để rồi tự đẩy mình vào trường hợp tiến không được, lùi chẳng xong.

Chia sẻ