Muốn người khác làm theo ý mình ư, chỉ cần vài mẹo đơn giản sau đây!
Bạn chắc chắn đã từng bị "dụ" vì 1 trong các mẹo này. Nhưng giờ thì bạn hoàn toàn có thể dùng chúng để sai khiến người khác làm theo ý mình.
Có 8 mẹo thuyết phục mà hầu hết những người hoặc doanh nghiệp thành công đang áp dụng. Bạn xem để biết mình đã bị họ "dụ" như thế nào, và chính bạn cũng có thể áp dụng để cầu gì được nấy thế nào:
Mẹo thuyết phục 1: Được voi (mới) đòi Hai Bà Trưng
Bạn nên hỏi những điều nho nhỏ trước, sau đó mới theo đà đến những thứ lớn lao thì khả năng thành công sẽ tăng cao hơn. Chẳng hạn, một khách du lịch nhờ bạn chỉ đường, sau đó, họ nói rằng sợ đi lạc và nhờ bạn dẫn, bạn sẽ dễ đồng ý hơn là chưa gì đã bị hỏi thẳng thừng.
Năm 1966, hai nhà nghiên cứu ở Stanford là Jonathan Freedman và Scott Fraser quyết định thử nghiệm mức độ hiệu quả của mẹo thuyết phục này. Họ chia 156 phụ nữ thành bốn nhóm, trong đó ba nhóm được đưa yêu cầu từng bước từ "voi" đến "Hai Bà Trưng", còn nhóm cuối bị phủ đầu với chỉ một yêu cầu lớn. Yêu cầu nhỏ trong trường hợp này là trả lời vài câu hỏi về một số vật dụng nhà bếp; còn yêu cầu lớn (được đưa ra ba ngày sau khi đưa ra yêu cầu nhỏ) là cho phép một người đến khảo sát căn bếp của bạn. Kết quả: tỷ lệ người được yêu cầu từng bước chấp nhận cho người khác đến nhà là 52,8%, trong khi đó tỷ lệ ở những người bị phủ đầu chỉ là 22,2%.
Mẹo thuyết phục 2: Thẳng thừng
Bạn có thể khỏa thân chạy dưới đường và gào lên bài viết này tuyệt vời thế nào không? Không? Nếu thế ít nhất bạn có thể bấm một nút "share" trên Facebook thôi không? Ngược với cách tiếp cận trước, cách này ngay đầu tiên đòi hỏi một điều khó chấp nhận, sau đó mới đưa ra yêu cầu nhỏ nhoi hơn, mà thật ra có thể mới đúng là điều bạn muốn.
Chẳng hạn, bạn hỏi mượn người khác 100 ngàn, sau khi bị từ chối thì hỏi, “Vậy 20 ngàn được không?” Rất nhiều người đã gặp phải tình huống này và đều đồng ý rằng thật sự rất khó nói lời từ chối.
Mẹo thuyết phục 3: Đặt giá trước
Đây thật ra cũng là một kỹ thuật phủ đầu, với một trong những ứng dụng quen thuộc nhất của nó là để mặc cả giá thành. Chẳng hạn khi đang tìm mua một bộ váy, người bán ra giá 500 ngàn, bạn mặc cả một lúc xuống được 430 ngàn và sung sướng hạnh phúc đi về nhưng thật ra giá của chiếc váy vẫn thấp hơn như vậy. Vì mức giá 500 được đưa ra làm chuẩn so sánh, nên bạn nghĩ mình đã mua hời.
Hoặc khi được đề nghị lương 10 triệu, bạn thương lượng lên 12 triệu, tức tăng đến 20% so với mức ban đầu, rõ ràng hấp dẫn hẳn nhưng có thể vẫn thấp hơn giá trị thực của bạn.
Tạp chí về kinh tế The Economist trước đây có ba mức giá: a) 59USD nếu chỉ đọc online, b) 125USD cho bản in, c) 125USD cho cả bản in và bản web. Đưa các lựa chọn này cho 100 sinh viên MIT thì 16 người chọn a) và 84 người chọn c). Sau đó, người ta bỏ lựa chọn b) và lại đưa cho 100 sinh viên khác, kết quả là 68 người chọn a) và 32 người chọn c). Lựa chọn b) trong trường hợp này thực tế là một cái mốc so sánh, được đưa ra chẳng để làm gì ngoài làm bàn đạp cho lựa chọn c).
Mẹo thuyết phục 4: Đưa ra nhận định không thể chối bỏ
Có nguyên tắc gần giống với mẹo số 1, nhưng thay vì đưa ra yêu cầu nhỏ trước, ta sẽ đưa ra những nhận định mà hầu hết mọi người đều không thể nói khác đi được. Nhiều trang web hiện nay dùng chiêu này để bán sản phẩm cho bạn, để bạn like fanpage của họ, hoặc để bạn đăng ký nhận newsletter của họ bằng cách cho nhảy ra những cửa sổ nói những điều rất khó để lựa chọn khác như “Có, tôi sẽ đăng ký, vì tôi thích được nhận tiền!” và “Không, vì tôi không muốn thành công!”
Hoặc, chẳng hạn bạn đang cần gây quỹ cho một mục đích nào đó, thay vì đánh ngay vào túi tiền của người khác, bạn hỏi trước họ có ủng hộ mục đích này hay không thì phần việc sau đó sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Mẹo thuyết phục 5: Lợi dụng đám đông
Đây là một trong những cách thuyết phục thần thánh, thường gặp nhất. “Nếu mọi người đều tin điều này thì chắc chắn là nó đúng rồi,” chính là tâm lý đang được lợi dụng.
Khi đưa ra quyết định gì đó, nhiều người thường nhìn vào những người xung quanh, xem họ làm gì rồi làm điều tương tự. Hoặc trong một nhóm, khi có người nêu ý tưởng gì đó, mọi người thường rốt cuộc đều nghe theo, kể cả khi không phải tất cả đều đồng ý. Nếu định làm một hũ tiền tip, bạn nên cho vào một ít mồi trước, các khách hàng sau đó sẽ nghĩ đã có người khác làm việc này thì mình cũng nên làm theo. Tương tự như với một post nào đó trên facebook, nếu đã có like thì nhiều khả năng sẽ nhận được thêm like, thay vì bạn để nó trống trơn…
Mẹo thuyết phục 6: "Dựa hơi"
Bên cạnh tâm lý để ý đến thái độ và hành động của đa số, nhiều người còn hay để ý và có sự tin tưởng lớn hơn nếu thấy bóng dáng của người quen, thương hiệu quen - nếu đó là người có uy tín, có quyền lực, thương hiệu lớn thì sẽ càng thấy bảo đảm. Bạn dễ dàng thấy được kiểu thuyết phục này trên các quảng cáo và lời giới thiệu, chẳng hạn như “nhãn hiệu được hầu hết các bác sỹ tin dùng”, “sản phẩm được đánh giá là ứng dụng iOS tốt nhất năm 2015”, “được bình chọn bởi tạp chí danh tiếng X”...
Stanley Milgram, một nhà tâm lý học tại đại học Yale đã thực hiện một loạt thí nghiệm tâm lý gọi là Milgram Experiment. Trong thí nghiệm này có ba vai trò tham gia là nhà thực nghiệm, người hỏi (là đối tượng thử nghiệm) và người đáp - một diễn viên được thuê vào thử nghiệm. Người hỏi có nhiệm vụ đặt ra những câu hỏi, nếu người đáp đáp sai, nhà thực nghiệm sẽ yêu cầu người hỏi dùng sốc điện để trừng phạt người đáp. Trong hầu hết trường hợp, những người hỏi đều làm theo yêu cầu, dù biết rằng mình đang gây đau đớn cho người khác, thậm chí 8/10 người vẫn tiếp tục việc sốc điện kể cả sau khi đã không còn nghe thấy phản hồi từ người đáp, có nghĩa có thể họ đã ngất xỉu. Điều này chứng tỏ hầu hết mọi người đều sẵn lòng nghe và làm theo quyền lực, kể cả để làm những việc rõ ràng là sai trái.
Chiến thuật 7: Gây sức ép
Bài viết này sẽ bị gỡ trong vòng 5 giây trừ phi bạn chia sẻ nó ngay trên Facebook của mình!
Việc gây sức ép này thường được giới sale và marketing sử dụng, đánh vào tâm lý coi hàng hiếm là hàng quý, mọi người sẽ muốn thứ gì đó hơn khi nó có khả năng sẽ biến mất. Nếu bạn thuyết phục người khác rằng thứ gì đó chỉ còn số lượng hạn chế, chỉ còn trong thời gian hạn chế, tự khắc người ta sẽ muốn nó hơn.
Theo kinh nghiệm bản thân, có phải bạn sẽ quan tâm hơn khi khách sạn chỉ còn 2-3 phòng trống? Hoặc khi mua hàng, bạn cũng sẽ dễ rút ví hơn khi biết món hàng chỉ được giảm giá trong một ngày duy nhất hoặc chỉ trong vài tiếng đồng hồ nữa mà thôi, đặc biệt khi có thêm ứng dụng đồng hồ đếm ngược bên dưới nữa sẽ càng khiến bạn nóng ruột hơn. Chúng ta càng căng thẳng về giới hạn của sản phẩm bao nhiêu thì tỷ lệ bị "dụ" càng cao hơn.
Chiến thuật 8: Có qua có lại
Mọi người thường có xu hướng có qua phải có lại, có nghĩa khi bạn tạo cho người khác cảm giác mang nợ điều gì đó, bạn sẽ dễ được nhận lại điều mình muốn hơn. Chẳng hạn, nếu bạn đang định gây quỹ cho một trại trẻ mồ côi và cần kêu gọi lòng hảo tâm, sẽ hiệu quả hơn nếu trước đó bạn tổ chức một sự kiện nhỏ cho những đứa trẻ làm những chiếc vòng tay (theo cách vừa làm vừa chơi chứ không phải bóc lột sức lao động trẻ em). Trước khi mời quyên góp, bạn sẽ đem tặng những chiếc vòng này, khiến những nhà hảo tâm tiềm năng cảm thấy mình đã nhận và cần đáp lại cho phải lẽ.
Một nghiên cứu được thực hiện tại một nhà hàng ở New York cũng cho thấy rằng các nhân viên càng cho thấy sự niềm nở và tích cực bao nhiêu thì tiền bo của khách hàng càng nhiều hơn bấy nhiêu.
Bạn đọc đến đâu lại thấy bóng dáng mình đến đó, ở vai trò là người bị thuyết phục, phải không nào? Từ nay bạn đã có thể đảo ngược tình thế rồi nhé!
Theo blog. enhancv.com