Muốn lấy vợ... đàn bà

,
Chia sẻ

Cưới vợ, xây nhà... là những việc trọng đại trong đời người đàn ông. Và có một lời khuyên được nhiều người chọn và làm theo là: "Cưới vợ hiền hòa, xây nhà hướng nam". Vì sao cha ông ta lại có câu tục ngữ đó?

Xây nhà, lấy vợ
 
Thực ra, không phải mọi gia đình đều chọn được hướng nam để làm nhà, nhất là ở các khu đô thị "phố phường chật hẹp, người đông đúc". Tuy nhiên, làm nhà mà chọn được hướng nam thì vẫn là phương án tối ưu. Bởi theo các nhà khoa học, đây là hướng tốt nhất: buổi sáng và buổi chiều không bị nắng chiếu xiên khoai, vừa tránh được cái nóng từ phía tây, cái bão từ phía đông và gió lạnh từ phương bắc (gió bấc) nhưng vẫn tận dụng được gió mát từ phương nam. "Một trăm người hầu không bằng ở đầu ngọn gió”, nhất là ngọn gió đó  lại là gió nam thì nhất, vì "Gió nam chưa nằm đã ngáy".
 
Thế còn chuyện "cưới vợ hiền hòa"? Cũng có một dị bản khác: "lấy vợ đàn bà”.  Có người hỏi cắc cớ không lấy vợ đàn bà, chẳng lẽ lấy đàn ông? Nếu trước đây câu trả lời là không, thì giờ sẽ là "có thể lắm", qua những trường hợp hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, chuyện kết hôn cùng giới tính ở Việt Nam còn rất hiếm, hơn nữa, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng không cho phép, nên chuyện này chúng ta sẽ bàn vào một dịp khác.
 
Thực ra, " vợ hiền hòa" hay "vợ đàn bà” cũng không có gì khác nhau về bản chất. Vấn đề ở chỗ, đâu phải tất thảy ông chồng đều may mắn lấy được vợ là "đàn bà” theo đúng nghĩa. Bài viết này không có ý định tiến hành một cuộc "giải phẫu" để phán định giới tính, mà chỉ bàn luận về những phẩm chất của người phụ nữ được nam giới mong đợi ở người vợ mình.
 
Xem ảnh lớn
Trong thực tế, về ngoại hình thì... của đáng tội, một số chị em trông cũng hơi có dáng... nam nhi. Thôi thì, mẹ cha cho vóc dáng thế nào thì mình hưởng thế đó. Nếu có điều kiện thì ghé thăm mỹ viện chỉnh trang chút xíu. Hình dáng, vì thế cũng không phải là điều nên bàn ở bài viết này. Điều đáng bàn ở đây chính là, tính cách, ngôn ngữ và cử chỉ của phụ nữ có phải là "đàn bà” hay không mà thôi... Nói cách khác, người phụ nữ mà nam giới lấy làm vợ có nữ tính hay không?
 
Có ai bán cái dịu dàng?
 
Có thể khẳng định rằng, "nam tính" hay "nữ tính" không phải hoàn toàn do bẩm sinh. Cả hai phẩm chất này đều được cá nhân tiếp nhận từ tuổi ấu thơ, từ hoàn cảnh sống trực tiếp, từ nền giáo dục của gia đình và xã hội. Có thể phẩm chất nam tính và nữ tính sẽ được giới hạn bởi những đặc điểm giới tính, hay bằng những hoạt động gắn liền với những khác biệt về  cấu trúc cơ thể (như: phụ nữ mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ...). Nhưng đồng thời sẽ còn có những khác biệt đáng kể về phương diện ứng xử,  giúp phân biệt mức độ của nam  tính hay nữ tính.
 
Tuy nhiên, xin đừng quên rằng, nam tính và nữ tính không phải là phẩm chất độc quyền của giới nào, chúng có sự giao thoa về bản sắc giới tính. Nhưng cho dù mức độ giao thoa có cao thế nào thì người phụ nữ trong xã hội hiện đại vẫn không thể thiếu vắng nữ tính.
 
Có lẽ, chẳng chàng trai nào lại thích "một nửa" của  mình có  những phẩm chất đàn ông. Vì lẽ đó, những đặc điểm nữ tính của phụ nữ như dịu dàng, duyên dáng, tình cảm, vị tha... vẫn mãi mãi là những viên ngọc lung linh tỏa sáng, là những báu vật mà tạo hóa ban tặng riêng cho phái đẹp. Chẳng vậy mà, cái duyên con gái có sức mạnh vô biên, như một nhà thơ đã viết "Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi". Hay một chàng trai nào đó đã phải thốt lên ước ao: "Có ai bán cái dịu dàng. Tôi mua một gánh cho nàng làm duyên".
 
Một anh lấy được vợ tài giỏi hơn chồng, có thể đó là điều tốt nhưng chưa chắc là điềm lành. Bởi khi cô vợ có thừa tính cách mạnh, lẽ tất nhiên phải  thiếu đi những phẩm chất của nữ tính. Với những trường hợp này, vui hay không tùy thuộc người chồng, nhưng thường thì... vui chẳng nổi! Chẳng có anh nào thích trở thành "đàn bà” trong ngôi nhà của chính mình. Nếu chẳng may rơi vào tình cảnh đó, họ cũng không muốn người ngoài biết trong nhà đã có chuyện "thay bậc, đổi ngôi".
 
Thế nên mới có chuyện, năm 2006, khi chúng tôi thực hiện khảo sát tình trạng bạo lực gia đình tại sáu tỉnh, thành phố để xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đã được nghe câu chuyện kể rằng: ở một xã, những người hàng xóm thấy nhà bên cạnh phát ra tiếng đập thùm thụp và tiếng anh chồng la mắng: "Tao đánh chết mày, đánh cho chừa cái thói hỗn láo với chồng". Họ tưởng anh chồng đang hành hạ vợ, liền rủ nhau sang can thiệp, nhưng vào nhà thì hỡi ôi, anh chồng đang nằm dưới đất, chị vợ đánh chồng thùm thụp, nhưng chàng ta miệng vẫn hùng hổ la mắng vợ(!). Đây có lẽ chỉ là chuyện vui nhưng nó cho chúng ta thông điệp rằng: nam giới được xã hội "quy định" là người trụ cột trong gia đình. Vì thế, họ không muốn người ngoài biết mình không làm tròn vai trò.

Tạm kết

Về phương diện ngôn ngữ học, từ "nhà” trong tiếng Việt là một từ đồng âm khác nghĩa. Nhà vừa chỉ nơi ở của con người, vừa được vợ chồng dùng để xưng hô với nhau "nhà em bảo rằng; cái ấy còn phải xem ý kiến của nhà em...". Nó còn được mở rộng để chỉ các cơ sở sản xuất công nghiệp (nhà máy) hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng (nhà rông, nhà văn hóa). Có khi "nhà” dùng để chỉ người làm việc trong những lĩnh vực cụ thể (nhà báo, nhà văn, nhà khoa học,...) và có khi đồng nhất với quốc gia (nhà nước). Hình như cha ông chúng ta đã thể hiện tài "chơi chữ" khi sáng tạo nên từ "nhà” để diễn đạt những thành tố quan trọng nhất làm nên gia đình: ngôi nhà (nơi ở của các thành viên, có an cư mới lạc nghiệp) và nhà (chỉ hai nhân vật chính hình thành nên gia đình là vợ và chồng). Nếu như một trong hai từ nhà này có vấn đề, gia đình khó được xem là tổ ấm.

Trong hôn nhân, mỗi người có quyền tìm kiếm và lựa chọn "một nửa" của mình và có thể hài lòng với mức độ khác nhau. Tản mạn đầu xuân về "Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng nam" với mong muốn cánh đàn ông đang có ý định đi đến hôn nhân cưới được một cô gái có những phẩm chất thật sự... đàn bà.

Theo PGS-TS Hoàng Bá Thịnh
Báo Phụ nữ TPHCM
Chia sẻ