Muối tắm gây nghiện như thuốc phiện
Những loại muối tắm có chứa bột mephdrone kích thích cũng có thể gây nghiện giống như cocaine, các nhà khoa học cảnh báo.
Muối tắm được xếp vào nhóm dược mỹ phẩm “thư giãn” và rất được ưa chuộng thời gian gần đây. Thậm chí nhiều bài báo đã đăng tải về tác dụng “kỳ lạ” của nó lên tâm trạng người dùng.
Một gói bột cathinone có khả năng gây nghiện không kém gì cocaine.
Tuy nhiên, trái với tên gọi, muối tắm lại không được dùng để... tắm. Thay vào đó, nó là "tiếng lóng" để gọi một họ thuốc kích thích tự chế. Hiện trên thị trường có nhiều biến thể khác nhau của muối tắm nhưng đều có chứa chất cathinone chiết xuất từ cây khat.
Tính tới thời điểm này, 42 bang của Mỹ đã ra lệnh cấm các hoạt chất cathinone kiểu này bởi nó có khả năng gây nghiện không kém gì heroine.
Theo LiveScience, muối tắm có thể gây ra một danh sách dài dằng dặc những thay đổi về cơ thể cũng như tâm trí người dùng, chẳng hạn như gây chóng mặt, ảo giác, làm nảy sinh tư tưởng tự tử, gây nôn mửa, thậm chí là tử vong.
Trong một nghiên cứu của Tiến sĩ C.J.Malanga thuộc khoa Thần kinh và Tâm lý học, Đại học Y Bắc Carolina, Malanga và các đồng nghiệp đã huấn luyện cho chuột đạp bánh xe để nhận “thưởng”. Phần thưởng ở đây là một kích thích điện vào thẳng khu vực não chịu trách nhiệm hưng phấn.
Trên thực tế, phương pháp này đã được sử dụng từ năm 1950 để nghiên cứu các loại dược phẩm có thể kích hoạt vùng hưng phấn và “phần thưởng” trên vỏ não như thế nào.
Các nhà khoa học tin rằng, nếu như dòng điện đi vào não đủ mạnh để chuột nhầm tưởng đó là một phần thưởng, chúng sẽ đạp bánh xe miệt mài hơn để có thể tiếp tục nhận được phần thưởng đó. “Thậm chí chúng sẽ đạp đến quên ăn, quên ngủ”, Malanga cho hay.
Tất cả các loại thuốc gây nghiện như heroin, morphine, cocaine, amphetamine, chất cồn, mephedrone... đều làm tăng cảm giác về phần thưởng ở chuột. Kể cả khi kích thích điện khá yếu nhưng nếu chuột được dùng thuốc trước đó, chúng vẫn rất phấn khích đạp bánh xe.
“Mephedrone và cocaine có sức kích thích và gây nghiện mạnh như nhau”, Malanga kết luận trên tạp chí Behavioural Brain Research.