Mufasa: The Lion King - Phần tiền truyện hấp dẫn của Vua Sư Tử
Mufasa: The Lion King đã chứng minh rằng dù chỉ là tiền truyện của thương hiệu lâu đời nhưng nếu có một kịch bản tốt, sự chăm chút trong khâu sản xuất thì bộ phim vẫn sẽ có những giá trị của riêng nó.
Vài năm gần đây, Disney triển khai kế hoạch thực hiện bản live-action cho các bộ phim kinh điển. Nhiều tác phẩm được hãng mang đến góc nhìn thú vị thay vì sao y bản gốc, đơn cử như loạt Maleficent xây dựng Tiên Hắc ám là người tốt bị hiểu lầm. Mufasa: The Lion King (tựa Việt: Mufasa: Vua Sư Tử) nằm trong số này khi khai thác quá khứ của Mufasa và Scar - hai nhân vật quan trọng bậc nhất của The Lion King (1994) và bản remake 2019.
Nội dung Mufasa: The Lion King là câu chuyện mà Rafiki (John Kani) kể cho con gái Kiara (Blue Ivy Carter) của Simba (Donald Glover) trong một đêm mưa gió. Mọi thứ bắt đầu khi Mufasa (Aaron Pierre) là một chú sư tử con bị nước lũ cuốn xa khỏi cha mẹ. Cậu may mắn được Eshe (Thandiwe Newton) nhận nuôi và kết bạn với Taka (Kelvin Harrison Jr.). Tuy nhiên, cha của Taka - vua Obasi (Lennie James) - chỉ cho phép Mufasa sống cùng nhóm sư tử cái. Vài năm sau, một biến cố ập đến khi đàn sư tử trắng do Kiros (Mads Mikkelsen) cầm đầu tấn công vùng đất của họ và buộc Mufasa cùng Taka phải chạy trốn. Trên đường đi, cả hai làm quen với Sarabi (Tiffany Boone), Zazu (Preston Nyman) cùng Rafiki và một hành trình mới bắt đầu.
Kỹ xảo mãn nhãn nhưng âm nhạc thiếu cảm xúc
Trên thực tế, The Lion King năm 2019 có phải live-action hay không vẫn còn gây tranh cãi. Phim không phải hoạt hình truyền thống nhưng cũng thực hiện hoàn toàn bằng CGI mà không có động vật “thật” nào tham gia. Nhưng với Mufasa: The Lion King, đạo diễn Barry Jenkins đã khẳng định phim là hoạt hình, chỉ là với một lớp áo công nghệ mới mà thôi. Quả thật vậy, sau năm năm thì kỹ xảo của Hollywood đã có sự tiến bộ vượt bậc.
Bối cảnh trong phim không hề có thật mà chỉ là sự kết hợp của công nghệ thực tế ảo và cảm hứng từ địa điểm ở ngoài đời. Song, bộ phim đã mang đến một bối cảnh hùng vĩ và chân thật đến từng chi tiết. Mọi thứ không chỉ gói gọn ở vùng đất Pride Lands của Simba hay khu ốc đảo của Timon (Billy Eichner) và Pumbaa (Seth Rogen) mà trải dài hầu như mọi địa hình và kiểu thời tiết của Châu Phi.
Quê hương ban đầu của Mufasa là một sa mạc khô cằn, nóng bức. Cậu bị cuốn theo cơn lũ đến trảng cỏ xanh mát của Obasi. Cuộc chạy trốn của nhóm bạn sau đó kéo dài từ những con suối cao chót vót, dòng sông rộng lớn, đầy cá sấu cho tới các dãy núi tuyết trắng xóa và kết thúc ở Pride Lands màu mỡ. Phim có nhiều cảnh quay góc rộng, phô diễn kỹ xảo thông qua cảnh quan thiên nhiên hoành tráng.
Biểu cảm và chuyển động của các con vật cũng là một bước tiến đáng kể. Phần cảm xúc gương mặt các nhân vật có hồn và rõ nét hơn. Người xem cảm nhận được khi nào chúng hạnh phúc, đau khổ, vui buồn, giận dữ và cả sợ hãi. Đặc biệt, sự thay đổi tính cách được thể hiện tốt qua ánh mắt. Đồng thời, các bước đi, chạy nhảy, đánh nhau của động vật cũng mượt mà hơn hẳn. Phải không quá khi Mufasa: The Lion King chính là những gì mà một đứa trẻ có thể tưởng tượng ra ở ngoài đời thực khi xem phiên bản hoạt hình năm 1994.
Đáng buồn là phần âm nhạc của phim lại không tương xứng với chất lượng hình ảnh. Các ca khúc mới I Always Wanted a Brother, Bye Bye hay Brother Betrayed do Lin-Manuel Miranda soạn chỉ dừng ở mức bắt tay chứ không đáng nhớ. Điểm tốt nhất có lẽ là những bài nhạc nền do Hans Zimmer soạn riêng cho nhân vật Mufasa cách đây tròn 20 năm phát lên khiến nhiều người hoài niệm vì sự bi tráng mà thôi.
Dàn nhân vật có chiều sâu
Những ai từng xem qua hai phiên bản The Lion King đều biết kết cục của các nhân vật Mufasa, Scar, Sarabi, Zazu và Rafiki. Nhưng những gì xảy ra với họ trước đó vẫn là một bí ẩn. Dù Mufasa: The Lion King được xem là câu chuyện về nguồn gốc của Mufasa nhưng phim cũng đã làm tốt việc xây dựng Taka trở thành Scar cũng như dàn nhân vật còn lại. Thông qua đó, Barry Jenkins cũng đã cài cắm nhiều bài học thú vị.
Nhà làm phim nhấn mạnh vai trò của giáo dục, của các bậc phụ huynh trong việc hình thành tính cách của trẻ nhỏ. Mufasa và Taka thuở bé đều đáng yêu, hiếu động và thân thiện như nhau. Chúng cùng nhau lớn lên ở cùng một môi trường. Song, nếu Mufasa thường xuyên được Eshe dẫn đi săn mồi, trau dồi bản năng sư tử thì Obasi chỉ dạy cho Taka sự lười biếng và dối trá nếu cần thiết. Taka cũng bị tiêm vào đầu suy nghĩ rằng gã sẽ trở thành vua sư tử.
Do đó mà khi đàn sư tử trắng tấn công, Taka hèn nhát bỏ chạy còn Mufasa thì dũng cảm chiến đấu. Trong quá trình tìm vùng đất mới, Mufasa dần chứng tỏ được bản năng thủ lĩnh của mình khi có thể đoàn kết mọi người, không để cơn đói làm mờ lý trí và coi việc săn mồi là một phần của “vòng tròn cuộc sống”. Anh tôn trọng các loài động vật khác thay vì xem chúng chỉ là “thức ăn”. Trong khi đó, Taka dần cảm thấy thua kém và nảy sinh lòng đố kỵ, ganh ghét rồi chuyển sang hận thù.
Mối tình tay ba của Mufasa, Sarabi và Taka là một sáng tạo thú vị, mang đến một vài cảnh quay hài hước nhưng cũng làm sâu đậm thêm lý do “hắc hóa” khiến Taka thành Scar trong The Lion King. Phim không “tẩy trắng” ai mà chỉ giải thích lý do và quá trình một người bình thường có thể trở nên xấu xa hay ngược lại, hóa thành vị anh hùng ra sao. Bản thân Sarabi, Zazu và Rafiki cũng có câu chuyện riêng và lý do họ cùng nhau đến xứ sở Pride Lands. Kiros là phản diện một chiều, đơn thuần tàn ác. Song, với một phim có quá nhiều nhân vật thì việc tạo thêm chiều sâu cho Kiros là không cần thiết.
Mufasa: The Lion King diễn ra song song hai mốc thời gian ở quá khứ của Mufasa qua lời kể của Rafiki và hiện tại nơi Kiara ngồi nghe. Timon và Pumbaa tiếp tục đóng vai trò tấu hài qua việc thêm thắt những câu thoại châm chọc, vô tri gây cười cực mạnh. Đây cũng là khoảng nghỉ cần thiết khi hành trình của Mufasa là cuộc truy sát, rượt đuổi liên tục khá kịch tính. Nhịp phim nhanh, xen kẽ nhiều đoạn hành động, chiến đấu khá ấn tượng mà không tạo cảm giác dài dòng, lê thê chút nào.
Chấm điểm: 3.5/5
Nhiều người cho rằng Hollywood đã “hết chuyện để kể” khi chỉ có thể làm các phần hậu truyện, tiền truyện, remake loạt tác phẩm kinh điển cũ. Tuy nhiên, với Mufasa: The Lion King đã chứng minh rằng dù chỉ là tiền truyện của thương hiệu lâu đời nhưng nếu có một kịch bản tốt, sự chăm chút trong khâu sản xuất thì bộ phim vẫn sẽ có những giá trị của riêng nó.