"Mục sở thị" chương trình CỰC HAY ở 1 ngôi trường TP.HCM: Khi học sinh "dám" đặt câu hỏi lớn về tình yêu, nỗi sợ
Không chỉ gây ấn tượng bởi sự tự tin và chiều sâu tư duy, các bạn nhỏ còn chạm đến trái tim người lớn bằng sự chân thành và dũng cảm khi đặt ra những "câu hỏi lớn".
Khi bước lên sân khấu để nói về tình yêu, Khánh An - học sinh lớp 4, trường ICS, mở đầu bằng một tình huống:
Hãy tưởng tượng thế này: Một đứa trẻ trở về nhà sau một ngày dài ở trường. Nó nhẹ nhàng đặt cặp xuống, rồi rụt rè lấy ra một tờ bài kiểm tra. "Ba, mẹ… con được 6 điểm". Im lặng.
Rồi một tiếng thở dài. "Chuyện gì vậy? Con không cố gắng à? Con nên học nhiều hơn!". Đứa trẻ cắn môi, mắt bắt đầu rưng rưng. "Con đã cố hết sức rồi mà…". "Nếu đó là hết sức của con, thì vẫn chưa đủ" - Lời trách cứ tiếp diễn, nhưng tâm trí đứa trẻ đã lạc đi nơi khác - nơi cổ họng nghẹn lại, và cảm giác thất vọng âm thầm len lỏi trong tim. Nó biết cha mẹ yêu mình, nhưng sao tình yêu ấy lại nặng nề đến thế?

Khánh An mang đến TEDx I Can School một chủ đề nhẹ nhàng nhưng đầy lắng đọng: "How can love be a gift instead of a burden?"
"How can love be a gift instead of a burden?" - Làm thế nào để tình yêu trở thành một món quà, không phải gánh nặng? - là câu hỏi lớn mà Khánh An đặt ra trong TEDx I CAN SCHOOL 2025 – "THE BIG QUESTIONS" - Một chương trình đặc biệt từ Trường ICS về hành trình khám phá góc nhìn mới từ những câu hỏi quen thuộc.
Cùng với Khánh An, bốn diễn giả nhí khác đã mang đến những bài nói thể hiện sự dũng cảm, tư duy độc lập và góc nhìn rất riêng. Quỳnh Thư (lớp 4/2) đặt câu hỏi: "Is kindness natural or something we learn?" - Lòng tốt là điều tự nhiên, hay là điều chúng ta phải học?

Khánh Linh tự tin mang đến buổi diễn thuyết 1 chủ đề ai cũng từng thắc mắc: "Do we really need school?"

Quỳnh Thư tự tin diễn thuyết với chủ đề: "Is kindness natural or something we learn?"

Với chủ đề "How can fear be our superpower?", Hiểu Minh mở ra những góc nhìn bất ngờ và sâu sắc về nỗi sợ – thứ cảm xúc tưởng chừng yếu đuối nhưng lại có sức mạnh biến đổi lớn lao

Hải Sa đưa khán giả lạc vào không gian triết học với chủ đề bài diễn thuyết: "How can philosophy help you step into the light?"
Với câu hỏi lớn: "How can fear be our superpower?", Hiểu Minh lớp 7/2 mở ra những góc nhìn bất ngờ và sâu sắc về nỗi sợ – thứ cảm xúc tưởng chừng yếu đuối nhưng lại có sức mạnh biến đổi lớn lao.
Trong khi đó, Hải Sa (lớp 5/1) đưa khán giả lạc vào không gian Triết học với chủ đề bài diễn thuyết: "How can philosophy help you step into the light?" - Liệu Triết học có giúp bạn bước ra ánh sáng? Còn Khánh Linh (lớp 4/3) thẳng thắn đặt vấn đề mà ai trong chúng ta từng ít nhất một lần thắc mắc: "Do we really need school?" - Chúng ta có thực sự cần trường học – Hay cần suy nghĩ lại?
Điều đặc biệt ở TEDx I Can School không nằm ở việc các em có đưa ra được "đáp án đúng" hay không, mà ở cách dám đặt câu hỏi, dám chất vấn những điều tưởng như hiển nhiên. Triết học, lòng tốt, tình yêu, nỗi sợ và cả trường học… qua lăng kính của trẻ nhỏ trở nên thật thà, gần gũi.
Các câu hỏi không đến từ sách vở, mà từ những trải nghiệm rất thật. Như Khánh An chia sẻ, ý tưởng về tình yêu thương của em đến từ câu chuyện của một người bạn – người từng tâm sự rằng em không cảm nhận được tình yêu từ mẹ. Còn với Hiểu Minh, từ "fear" cứ xuất hiện trong đầu khi nghĩ về chủ đề bài nói, vì em luôn cảm thấy mình chưa đủ tự tin. Em quyết định không né tránh, mà chọn nỗi sợ là "câu hỏi lớn" của mình.

Đây không chỉ là một chương trình, mà là một lời nhắc dịu dàng: Hãy tin vào khả năng đặt câu hỏi và tìm câu trả lời của chính con mình.
Trẻ cần đặt câu hỏi - không chỉ để học tốt mà để sống sâu sắc hơn
Tại sao một đứa trẻ giỏi nhưng không dám đưa tay đặt câu hỏi trong lớp?
Tại sao nhiều học sinh chăm chỉ, nhưng lại sợ nói ra điều mình nghĩ - chỉ vì sợ sai, sợ khác biệt?
Trong thời đại mà câu trả lời có thể tìm thấy chỉ sau một cú click, chính câu hỏi là điều phân định giữa người học hời hợt và người học sâu sắc, giữa tiếp nhận và thấu hiểu. Giáo dục bắt đầu từ sự tò mò và trưởng thành bắt đầu từ những câu hỏi.
Cô Nguyễn Thúy Uyên Phương – Chủ tịch Hội đồng Trường ICS cho rằng: Trẻ em sinh ra vốn đã mang sẵn bản năng tò mò – điều quan trọng là làm sao để giữ được tinh thần ấy giữa một môi trường học tập vẫn thiên về ghi nhớ? Làm sao để dạy con biết phản biện đúng lúc, đúng cách mà không biến thành sự phản kháng? Và quan trọng hơn cả: Làm sao để người lớn cũng học lại cách đặt câu hỏi – để cùng học với con, thay vì chỉ dạy con?


TS. Bùi Trân Phượng – Nhà nghiên cứu, nhà giáo dục và cô Nguyễn Thúy Uyên Phương – Chủ tịch Hội đồng Trường ICS trong phần Talkshow "The Questioning Mind – Hỏi để Lớn".
Chia sẻ từ chính trải nghiệm của mình, cô Phương kể:
"Hồi xưa đi học, tôi học ở trường mà mẹ mình cũng là giáo viên. Mẹ làm nghề giáo nên rất nghiêm khắc. Công nhận là bà đã góp phần dạy dỗ tôi rất nhiều điều, nhưng cũng có những lúc tôi chỉ mong được nói lên suy nghĩ của mình, hoặc ước gì mình dám "bật lại" nhiều hơn một chút.
Nhiều người cho rằng có mẹ làm giáo viên là một điều may mắn, nhưng với vai trò là một bà mẹ cũng đang dạy ở trường con mình, tôi cảm thấy... đôi khi mình phải cưỡng lại chính bản năng "làm giáo dục". Có rất nhiều tình huống, tôi cảm thấy cần can thiệp ngay, thấy con hỏi là muốn trả lời liền. Nhưng rồi tôi nhớ lại tuổi thơ mình, và phải tự nhắc bản thân: Hãy kìm lại, để con có khoảng trống mà tự suy nghĩ – kể cả là với những câu hỏi nghe có vẻ ngớ ngẩn trong mắt người lớn".
Dù vậy, không ít phụ huynh vẫn mang trong mình nỗi lo ngấm ngầm: Nếu con bật lại quá nhiều thì sao? Có phải đang dạy con "cãi" người lớn? Liệu điều đó có biến thành hỗn hào hay phản kháng tiêu cực?
TS. Bùi Trân Phượng – Nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, hai lần được Tổng thống Pháp trao tặng danh hiệu "Hiệp sĩ" vì những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực giáo dục & văn hóa – kể lại một ký ức thuở nhỏ, đến nay vẫn in đậm trong tâm trí bà:
"Hồi nhỏ, tôi hay nghe người lớn dạy rằng: Cha mẹ sinh con ra, con phải nghe lời cha mẹ, ông bà. Một lần, tự nhiên tôi nảy ra một câu hỏi và dại dột nói thẳng với bà nội: "Con đâu có yêu cầu ba mẹ sinh con ra đâu?".
Câu hỏi ấy, với bà nội, là một lời vô cùng hỗn láo, vô ơn – hai điều mà người Việt mình rất coi trọng. Dù trong lòng rất yêu thương ba mẹ, bà nội, nhưng chỉ vì một câu hỏi vô ý, bà đã bị phạt quỳ, úp mặt vào tường – điều vốn rất hiếm khi xảy ra trong gia đình.
"Tôi cảm thấy rất oan. Tôi không hề có ý xấc láo gì cả. Nhưng tôi bị gắn cho điều đó. Và nó trở thành một ký ức. Mỗi khi lớn lên, gặp một đứa trẻ hay một người trẻ hỏi một câu khiến tôi khó chịu, tôi lại nhớ lại chính mình. Và tự hỏi: Liệu mình có đang nghĩ oan cho người ta không?", bà nói.
Với bà, trải nghiệm ấy trở thành một lời nhắc nhở: Rằng tất cả người lớn, trước khi làm cha mẹ – đều từng là trẻ con. Và khi ta đủ thành thật để không quên những hồi ức ấy, ta sẽ hiểu và cảm thông hơn cho những câu hỏi – đôi khi ngây ngô, vụng về của con trẻ. Rất nhiều câu hỏi của trẻ em chỉ đơn giản đến từ sự tò mò hoặc niềm vui chơi đùa. Nhưng kiến thức và cả tư duy cũng bắt đầu từ những lần hỏi "Tại sao?" như thế.
Điều quan trọng là nhận ra: Phản biện không đồng nghĩa với hỗn láo – nếu trẻ được dạy cách phản biện đúng cách, trong một môi trường an toàn và tôn trọng lẫn nhau, trẻ được dạy bằng đối thoại thay vì áp đặt. Giáo dục không đến từ lời răn dạy hay quát mắng, mà đến từ việc làm gương. Trẻ cần kỷ luật – nhưng là kỷ luật đến từ sự thấu hiểu và hợp tác, chứ không phải từ sự sợ hãi.
TS. Bùi Trân Phượng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc khuyến khích trẻ đặt câu hỏi: Đây là thời điểm thay đổi trên toàn cầu và có nhiều tương tác lẫn nhau. Mà muốn thích ứng với thay đổi thì phải biết hỏi, biết truy vấn lại hiện trạng, phải biết trong hiện trạng có cái gì cần tìm hiểu, và tại sao cần tìm hiểu.
Hãy tin vào khả năng đặt câu hỏi và tìm câu trả lời của chính con mình.
Được biết, TEDx là mô hình sự kiện địa phương được cấp phép chính thức từ TED – tổ chức nổi tiếng toàn cầu với những bài nói truyền cảm hứng (TED Talks). Để tổ chức một sự kiện TEDx, trường học hoặc cộng đồng phải đăng ký giấy phép và cam kết tuân thủ các quy chuẩn về nội dung, hình thức và tinh thần "Ideas Worth Spreading" (Những ý tưởng đáng lan toả).
Trước đây, TEDx thường chỉ được tổ chức bởi các trường đại học. Nhưng thời gian gần đây, các trường phổ thông liên cấp tư thục hay K12 đang tích cực đưa TEDx vào như một phần của chương trình phát triển tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp và khả năng lãnh đạo cho học sinh.