Mùa Trung thu sôi động, tiết kiệm, thân thiện môi trường đang đến với các nước châu Á
Một mùa Trung thu ngày càng đi vào chiều sâu, đậm giá trị văn hóa, tinh thần và bảo vệ thiên nhiên đang là xu thế tại nhiều nước châu Á.
Chỉ còn chưa đầy ba tuần nữa là sẽ đến Trung thu – nét văn hóa truyền thống tại nhiều quốc gia Đông Á. Thậm chí đây còn là ngày Tết và là ngày nghỉ lễ quốc gia quan trọng tại nhiều nước trong khu vực. Ngay từ thời điểm này, hoạt động chuẩn bị cho Trung thu tại nhiều nước đã diễn ra rất sôi động.
Các vị bánh Trung thu mới lạ đắt hàng tại Singapore
Takashimaya là nơi đang diễn ra Hội chợ bánh Trung thu có quy mô lớn nhất ở Singapore. Tham gia hội chợ năm nay có hơn 50 thương hiệu bánh Trung thu được chia thành một số nhóm như về nơi sản xuất thì có bánh Trung thu đến từ nhóm các Khách sạn & Nhà hàng, bánh nhập từ nước ngoài hay bánh đến từ các tiệm bánh địa phương.
Về cách chế biến thì có bánh vỏ nướng truyền thống, bánh Trung thu vị sầu riêng, bánh da tuyết phải trữ trong tủ lạnh. Ngoài ra có một số loại bánh vị đặc biệt.
Chị Gia Bidani - Khách hàng: "Tôi thường mua loại bánh có vị Champagne này, thực sự là món bánh ưa thích của tôi. Tôi đang thử bánh để mua cho công ty".
Các hãng bánh cũng đầu tư khá nhiều vào hình thức, vỏ hộp đựng bánh, đồ trang trí. Hãng bánh Gin Thye năm nay đưa ra hộp bánh độc nhất vô nhị hình trái sầu riêng.
Chị Chan Shi Qing - Tiệm bánh Gin Thye: "Đây là mẫu vỏ hộp mới cho năm nay, có hình trái sầu riêng Musangking. Hộp khi mở ra có thể đựng được 4 chiếc bánh. Năm nay bán hàng rất tốt vì có mẫu hộp độc đáo này mà chỉ chúng tôi có".
Cũng giống như ở Việt Nam, lễ hội Trung thu Singapore sẽ không trọn vẹn nếu thiếu đi những chiếc bánh thơm ngon với nhiều hình dáng, màu sắc và hương vị.
Cho đến thời điểm này, bánh Trung thu có giá từ vài chục cho đến cả trăm USD một hộp 4 chiếc. Trong các loại bánh bày bán thì loại bánh vị sầu riêng được tiêu thụ mạnh nhất.
Anh Surya Lila - Khách hàng: "Tôi sẽ chọn mua bánh vị sầu riêng. Giờ loại bánh này trở nên phổ biến, ở gian hàng nào cũng có bánh vị sầu riêng".
Với thị trường bánh Trung thu đa dạng chủng loại, kiểu dáng và với rất nhiều hương vị khác nhau, mỗi người tiêu dùng Singapore cũng như khách du lịch đến đây có thể tìm được loại bánh ưng ý để có thể đón tết Trung thu cùng bạn bè và gia đình.
Bùng nổ mua sắm, du lịch mùa Trung thu tại Trung Quốc
Năm nay, người dân Trung Quốc sẽ được hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ lễ Trung thu không còn bị phong tỏa dịch COVID-19 như dịp này năm ngoái. Điều này được dự báo sẽ là động lực thúc đẩy tiêu dùng và du lịch nội địa bùng nổ.
Trung thu đầu tiên sau dịch, các nhà sản xuất đã tiếp thị rộng rãi tại các hội chợ. Các nhà hàng, doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị cũng nhập bánh sớm hơn. Các chuyên gia dự đoán năm nay doanh số có thể tăng 20%. Với thị trường bánh khoảng 10 tỷ Nhân dân tệ, gần 1,4 tỷ USD, các doanh nghiệp sản xuất từ Bắc Kinh, Quảng Châu, Tô Châu đã cạnh tranh, cải tiến từ da đến nhân bánh tạo nên nhiều hương vị mới như nấm quý, thịt cay, vỏ cam quýt, trà, cà phê…
Yếu tố chất lượng được nâng lên. Hiệp hội Tiêu dùng Trung Quốc cũng kêu gọi người tiêu dùng đừng chi tiền quá mức cho các loại bánh mà chi phí bao bì quá cao, các nhà sản xuất không được dùng kim loại quý, gỗ quý làm bao bì.
Người Trung Quốc rước đèn thường chú ý những đèn màu đỏ
Tết Trung thu năm nay chắc chắn sẽ rộn ràng hơn bởi người dân được nghỉ 1 ngày liền kề ngay kỳ nghỉ Quốc khánh nên có đến 8 ngày nghỉ liên tiếp (từ 29/9 đến 6/10). Đặt tour trực tuyến du lịch nước ngoài tăng hơn 30% khi mà Trung Quốc đã cho phép tổ chức tour du lịch theo đoàn đến 138 nước. Tuniu Corp - công ty du lịch trực tuyến lớn ghi nhận lượng tìm kiếm đến Đức, Australia, Mỹ, Anh, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh. Còn du lịch trong nước chắc chắn sẽ bùng nổ bởi gần đây điểm sáng lớn nhất tại Trung Quốc là dịch vụ du lịch, ăn uống tăng trưởng mạnh nhờ được cơ quan chức năng, doanh nghiệp kích cầu mạnh.
Quà Trung thu đắt tiền không còn là "thời thượng"
Trung Thu cũng là dịp để tặng quà, nhưng người dân Trung Quốc giờ không còn đi tặng nhau những món quà quá đắt tiền, đặc biệt là không dùng những món quà có vỏ hộp thể hiện sự phô trương. Một ví dụ là năm nay, nhà chức trách Trung Quốc đã cấm các loại vỏ hộp bánh Trung thu mạ vàng hay bằng gỗ xoài và một số loại gỗ quý hiếm khác. Tất cả đều đồng lòng, nhất quán thực hiện giảm sự xa hoa - lãng phí, quan trọng hơn là ngăn chặn sự biến tướng nét văn hóa tặng quà Trung thu trong xã hội Trung Quốc.
Tại Hàn Quốc, xu hướng mua sắm tiết kiệm cũng đang là xu thế. Có 28,1% số người tiêu dùng Hàn Quốc mới đây cho biết, sẽ lựa chọn những món quà tặng có giá cả phải chăng hơn, thay vì những món quà đắt tiền như mọi năm. Nhiều người đã tranh thủ đặt mua hàng từ sớm để tận dụng các chương trình giảm giá hấp dẫn mà vẫn có được món quà ưng ý cho gia đình.
Tết Trung thu ở Hàn Quốc
Trung thu thân thiện với môi trường
Sự hợp lý trong chi tiêu mua sắm dịp Trung thu không chỉ nằm ở khía cạnh tài chính, mà còn cả trên khía cạnh bảo vệ môi trường. Các sản phẩm thân thiện với môi trường đang ngày càng nhận được nhiều sự chú ý của người tiêu dùng các nước và dần trở thành xu hướng nổi bật của mùa Trung thu năm nay.
Tại Hàn Quốc, những món quà Trung thu được đóng gói đẹp, cầu kỳ từng là lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên tình hình đang dần thay đổi khi nhiều người nhận ra tầm quan trọng của sự thân thiện với môi trường.
Anh Park Jong-deok - Cư dân Seoul: "Bao bì trông rất đẹp đấy, nhưng lại có thể biến thành rác thải nhựa và gây ô nhiễm môi trường".
Khảo sát mới đây cho thấy, gần 1/4 số người tiêu dùng Hàn Quốc đang có xu hướng lựa chọn các bao bì đơn giản và thân thiện với môi trường hơn. Những loại hộp có thành phần nhựa dẻo, giấy xốp lót đệm trái cây và giỏ gỗ giờ đây được thay thế bằng túi, hộp giấy.
Anh Choi Seung-heon - Quản lý cửa hàng bách hóa, Seoul: "Khách hàng có ý thức về môi trường hơn, vì vậy chúng tôi sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường để sản phẩm không bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển".
Xu hướng lựa chọn Trung thu thân thiện môi trường và tiết kiệm hơn cũng phổ biến ở nhiều nơi như Singapore và Hong Kong (Trung Quốc). Người dân còn chia sẻ nhau những mẹo để có được một mùa Trung thu xanh. Trước hết là đừng mua quá nhiều bánh Trung thu để tránh lãng phí. Tại Hong Kong (Trung Quốc) năm ngoái, đã có 3,2 triệu bánh Trung thu bị bỏ đi.
Lời khuyên thứ hai, đó là hãy chia sẻ những chiếc bánh Trung thu với người thân và bạn bè. Hoặc bạn cũng có thể mời mọi người đến nhà để thưởng thức bánh thay vì để lãng phí chúng.
Người Việt Nam coi Tết Trung thu là ngày để thể hiện tấm lòng của con người với Mặt trăng
Ngoài ra, nếu bạn được tặng quá nhiều bánh, hãy quyên góp những chiếc bánh chưa dùng đến cho các tổ chức từ thiện hoặc những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Hãy nói không với dao dĩa nhựa dùng một lần khi mua bánh. Thay vào đó, bạn hãy dùng những dụng cụ có sẵn tại nhà hoặc ưu tiên đồ dùng tái chế được.
Cũng đừng chọn mua que phát sáng. Những chiếc que phát sáng trông rất thú vị, nhưng chúng không thể được tái sử dụng hoặc tái chế vì các hóa chất độc hại trong các ống nhựa sẽ gây ô nhiễm đất và nguồn nước.
Đừng lãng phí những chiếc đèn lồng cũ từ năm ngoái. Chỉ cần lau sạch bụi hoặc thay pin là lũ trẻ đã có một chiếc đèn xinh xắn rồi.
Còn với những hộp đựng bánh có lớp nylon bọc bên ngoài rất khó để tái chế hoặc phân hủy. Tại sao bạn không biến chúng thành hộp đựng dụng cụ học tập hoặc đồ chơi sáng tạo cho trẻ nhỏ trong nhà.
Một mùa Trung thu ngày càng đi vào chiều sâu, đậm giá trị văn hóa, tinh thần và bảo vệ thiên nhiên đang là xu thế tại nhiều nước châu Á lúc này. Giới trẻ nhiều nước, trong đó có Việt Nam chính là những người đang đi đầu, với những hoạt động đón Trung thu có ý nghĩa như thăm nom cha mẹ, chi tiêu đúng cách, chọn sản phẩm thân thiện với môi trường... nhằm phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, vui vẻ và lành mạnh.