Mua thiết bị chống cận thị cho trẻ: Cẩn thận tiền mất tật mang

,
Chia sẻ

Xuất hiện và nở rộ trên thị trường nước ta khoảng vài năm trở lại đây, thiết bị chống cận thị cho trẻ em được quảng cáo như là một "cứu cánh" cho các bé đang tuổi ăn tuổi học.

Tuy nhiên, như một con dao hai lưỡi nó cũng gây không ít rắc rối cho các em học sinh. Các chuyên gia khuyến cáo, việc lựa chọn thiết bị cho học sinh cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, tránh tình trạng "tiền mất tật mang".

Đủ chủng loại

Dạo qua một vài con phố trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những cửa hàng bày bán la liệt sản phẩm này. Đủ các mẫu mã, phong phú về kiểu dáng, đa dạng chủng loại, và chất lượng theo quảng cáo thì "miễn chê". Tạt vào cửa hàng Xuân Th. nằm trên đường Lý Thường Kiệt, gia chủ đon đả mời chào: "Bọn em định mua thiết bị chống cận thị cho bé à? Cửa hàng chị có đầy đủ các sản phẩm, thiết bị chống cong vẹo cột sống, bảng vẽ và đèn chống cận  hàng nhập từ Pháp, Thái Lan, chất lượng thì miễn chê luôn".
 
Trẻ em cảm thấy bất tiện khi phải dùng thiết bị này
 
Khi chúng tôi hỏi giá của đèn chống cận cho trẻ, chủ cửa hàng tươi cười: "Sản phẩm em đang xem là hàng nhập khẩu, giá 1, 2 triệu. Hiện cửa hàng đang có chương trình khuyến mại mừng các bé vào năm học mới. Nếu các em mua chị sẽ bớt cho 200 nghìn đồng. Cửa hàng chị bán sản phẩm này 3 năm nay rồi, có uy tín nhất phố này, bọn em cứ an tâm ".

Chúng tôi đang phân vân, chị chủ đon đả tiếp lời: "Cửa hàng chị cũng có nhiều sản phẩm trong nước, giá mềm hơn, chất lượng cũng không thua kém là mấy".  Chị ta với tay sang bên cạnh lấy ra chiếc đèn cho chúng tôi xem và nói:"Thiết bị này là hàng Việt, giá 120 nghìn đồng. Nếu bọn em mua nhiều chị sẽ khuyến mại cho, mua 5 tặng 1". Cầm sản phẩm trên tay ngắm nghía, tôi vô tình nhìn thấy dòng chữ: "Made in China" được in nhỏ phía dưới trụ đèn. Hóa ra là hàng Trung Quốc "đội lốt" danh nghĩa hàng Việt.

Rời cửa hàng Xuân Th., chúng tôi tìm đến hiệu sách Nguyễn Ph. nằm trên phố Tràng Tiền. Những sản phẩm được quảng cáo chống cận thị nằm trà trộn giữa đống sách vở và đồ dùng học tập. Chủ quán nhanh nhẹn nói: "Thiết bị đỡ cằm chống cận này hiện được các phụ huynh rất ưa chuộng. Nó gắn với bàn học ngay trước ngực học sinh, nhằm mục đích khiến các em không thể cúi thấp khi đọc và viết, từ đó tránh được cận thị do nguyên nhân cúi mắt xuống quá gần sách vở khi ngồi học. Giá của thiết bị này là 100 nghìn đồng. Đầu năm học mới, bên chị đang cháy hàng, em mua nhanh kẻo không còn đâu".

Những sản phẩm này không chỉ được bày bán rộng rãi trên thị trường, mà còn được quảng cáo nhan nhản trên các diễn đàn như Webtretho, lamchame.com hay những trang rao vặt. Chỉ một cái nhấp chuột, bạn có thể tìm thấy vô vàn những kết quả cho sản phẩm này.

Lợi bất cập hại

Năm ngoái, Chị Nguyễn Thị Lan (Đống Đa - Hà Nội) mua 2 chiếc bảng chống cận về cho con mình. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, bé Hương Vy và Khánh Vy nhà chị đã không dùng chiếc bảng này nữa. Lý do là thanh chắn của bảng yếu, mỏng và ngăn ngay ở cổ của bé nên tạo ra cảm giác đau khiến con chị cứ nghển cổ lên vì sợ. Chỉ dùng được vài buổi, bé đã kêu đau, mỏi cổ nên chị đành thôi không cho bé dùng tiếp vì sợ bé lệch cổ.

Cùng hoàn cảnh như chị Lan, chị Mai Thanh Tuyền (khu tập thể Láng Hạ, Hà Nội) bức xúc nói: "Vừa rồi, mình cũng mua cho bé chiếc bảng chống cận tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi, giá 120 nghìn đồng. Tuy nhiên, dùng được vài ngày thì phải bỏ vì bảng cao hơn mặt bàn, lại có nhiều tầng lớp, nên khi để vở lên bảng, càng khiến chỗ tập viết của bé không bằng phẳng. Được một lúc, bé Thảo đã kêu mỏi cổ tay, các thao tác khác trở nên chậm chạp vì vướng thanh chặn của bảng".

Bên cạnh bảng, chiếc đèn chống cận cũng gây nhiều bất lợi cho học sinh. Các loại đèn này đều được quảng cáo có nguồn sáng tốt hơn đèn bình thường, có tác dụng bảo vệ mắt, giúp mắt không bị mỏi, nhức, chống cận thị và tiết kiệm điện. Tuy nhiên trên thực tế, mỗi loại đèn có một nguồn sáng khác nhau phù hợp với từng độ mắt, nhưng hầu hết người bán hàng cũng như các bậc phụ huynh chọn mua đèn cho con không nắm rõ được thông số này, chủ yếu vẫn chọn đèn dựa trên hình dáng, màu sắc mà trẻ thích, dễ gây hại cho thị lực.
 
Thiết bị chống cận thị được bày bán la liệt trên thị trường.

Một bất cập khác là hầu hết các thiết bị chống cận cho trẻ được bày bán mà không có bản hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, nên nhiều bậc phụ huynh lúng túng trong việc sử dụng. Hơn nữa, nhiều khi phụ huynh chỉ biết mua thiết bị mà không hề quan tâm đến các chỉ số về chiều cao, độ tuổi, hay các bệnh về mắt của con em mình. Vô tình, nó thành trở ngại trong việc học hành của các bé.

Bác sĩ Nguyễn Thị Song NhậtB, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện đa khoa Trí Đức cho biết: Có 4 nguyên nhân chính gây tật khúc xạ ở học sinh là: di truyền, dinh dưỡng không đảm bảo, tư thế ngồi học không đúng và thiếu ánh sáng. Theo bác sĩ Nhật, quan điểm chỉ cần kiểm soát tầm nhìn của trẻ khi học, phụ thuộc hết vào giá đỡ cằm chống cận mà không chú ý rèn luyện cho trẻ có thói quen ngồi xa trong sinh hoạt  là hoàn toàn sai lầm.

Bác sĩ Nhật cũng cho biết: Nhiều phụ huynh học sinh không tiếc tiền mua cho con những chiếc đèn chống cận hiện đại, tuy nhiên những ngọn đèn này tỏa ra ánh sáng trắng, trên diện rộng, không tập trung tại một điểm làm cho mắt  trẻ bị mỏi, ảnh hưởng xấu đến thị lực. Bác sĩ khuyến cáo, tốt nhất với mắt trẻ là đèn sợi đốt tỏa ra ánh sáng đỏ.

Với thiết bị chống cằm, bác sĩ Nhật cho rằng: “Không gọi đó là sản phẩm chống cận thị được mà chỉ nên gọi nó là thiết bị hạn chế tật khúc xạ ở trẻ em. Cũng theo bác sĩ Nhật, tất cả các thiết bị chỉ góp phần bổ trợ, quan trọng là bố mẹ và thầy cô giáo cùng kết hợp điều chỉnh tư thế của trẻ từ khi mới bắt đầu đi học. Khi đã bị cận nên cho trẻ dùng thuốc, luyện dần thói quen ngồi đúng tư thế cho trẻ."
 
Theo Đời sống & Pháp luật
Chia sẻ