Mùa Tết ngọt ngào của những làng nghề đặc sản trăm tuổi ở miền Tây

Bửu Ngọc ,
Chia sẻ

Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2025, các làng nghề đặc sản trăm năm ở miền Tây như khoác lên mình một nhịp điệu khác biệt. Trong không khí rôm rả, tất bật, khói lò than nghi ngút, đôi bàn tay của những người nghệ nhân thoăn thoắt giữ "hồn cốt" của thức bánh truyền thống quê hương.

Bánh tráng hay bánh phồng là đặc sản truyền thống gắn liền với nhu cầu tiêu dùng của người dân miền Tây vào mỗi dịp Tết. Các làng nghề làm ra 2 thức bánh này cũng đã vào guồng cung ứng hàng cho vụ Tết.

Mùa Tết của làng nghề đặc sản lớn nhất miền Tây - Ảnh 1.

Nghệ nhân làng bánh tráng 200 tuổi tất bật đón Tết

Làng bánh tráng Thuận Hưng (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) được xem là làng bánh tráng lớn nhất miền Tây, là di sản văn hóa phi vật thể 200 năm tuổi gắn bó với người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây có gần 100 hộ làm duy nhất một nghề tráng bánh, cung cấp 90% sản lượng bánh tráng trên địa bàn Cần Thơ, Hậu Giang.

Ở Thuận Hưng, bánh tráng được làm quanh năm nhưng mùa cao điểm nhất là vào 2 tháng cận Tết, các lò hoạt động từ 3h đến khi trời tắt nắng.

Mùa Tết của làng nghề đặc sản lớn nhất miền Tây - Ảnh 2.

Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng đã tồn tại hơn 200 năm.

Theo sử liệu, nghề làm bánh tráng ở phường Thuận Hưng đã tồn tại và phát triển hơn 200 năm. Nhờ các bậc tiền nhân nghĩ ra cách sử dụng lúa gạo làm nguyên liệu, thực phẩm dự trữ nên những hộ làm bánh tráng nhỏ lẻ từ đó ra đời. Vào thời hưng thịnh, bánh tráng được ưa chuộng. Thấy sức mua lan rộng, từ đây nhà nào ở Thuận Hưng cũng đỏ lửa bám nghề tráng bánh để thoát nghèo.

Theo bà Hà Thị Nhân, nghệ nhân đã hơn 30 năm làm bánh tráng, cho biết, hầu hết các loại bánh tráng tay đều giống nhau tuy nhiên điều làm nên sự khác biệt của bánh tráng Thuận Hưng là nhờ chất lượng bánh thơm, ngon được duy trì suốt trăm năm.

"Bánh tráng ở Thuận Hưng làm số lượng lớn nhưng không dùng chất tẩy, 90% là làm thủ công, công thức pha bột thì rất đơn giản chỉ có bột gạo và ít muối nên bánh có vị hơi mặn", bà Nhân nói.

Mùa Tết của làng nghề đặc sản lớn nhất miền Tây - Ảnh 3.

Người dân phấn khởi vì nhiều đơn đặt hàng Tết.

Bà Nhân cho biết thêm, người dân ở làng bánh tráng Thuận Hưng thường chọn gạo IR50404 để xay bột. Loại gạo này có lượng tinh bột rất cao nên thường được dùng làm nguyên liệu làm bánh, nhất là bánh tráng.

Theo bà Nhân, 100kg gạo sau quá trình dập khuôn, chọn lựa từng cái bánh đạt tiêu chuẩn, sản phẩm cuối cùng còn khoảng 90kg. Phụ phẩm là rìa bánh được cắt gọn lại bán cho những người bán bánh tráng trộn. Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng sản xuất nhiều loại gồm: bánh tráng ngọt ăn liền; bánh tráng giòn là loại dùng để ăn các món cuốn; bánh tráng dừa có nước cốt dừa và mè dùng để nướng.

"Loại bánh làm nên thương hiệu bánh tráng Thuận Hưng là bánh tráng lạt. Đây là loại bánh được dùng trong các món cuộn mà người dân miền Tây thường làm trong mâm cơm ngày Tết", bà Nhân nói thêm.

Cũng theo nghệ nhân, do tình hình kinh tế khó khăn nên mùa Tết năm nay, nhiều hộ làm bánh tráng không tăng giá. Hiện tại, bánh giòn có giá từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg; bánh dừa mè có giá dao động từ 300.000 đến 350.000 đồng/100 chiếc; bánh ngọt có giá từ 130.000 đến 150.000 đồng/100 chiếc. Đơn hàng Tết đã chốt ở các lò năm nay tăng từ 2 đến 3 lần so với ngày thường.

Lãnh đạo UBND phường Thuận Hưng cho biết, địa phương hiện có 88 hộ sản xuất, phục vụ nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này cả trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, sản lượng bánh tráng xuất ra thị trường trong dịp Tết chiếm hơn 50% cả năm. Khách hàng đặt bánh đến từ khắp nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước ngoài, trong đó khu vực Cần Thơ và các tỉnh thành lân cận chiếm đến 90%.

Mùa Tết của làng nghề đặc sản lớn nhất miền Tây - Ảnh 4.

Trong không khí rôm rả, tất bật, khói lò than nghi ngút, đôi bàn tay của những người nghệ nhân thoăn thoắt giữ "hồn cốt" của thức bánh truyền thống quê hương.

Vị Tết ngọt ngào ở làng bánh phồng trăm tuổi

Trong không khí của những ngày giáp Tết, trong các xưởng sản xuất phồng nếp ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, rộn rã tiếng lạch cạch của máy quết bột. Ngoài sân, từng tốp nhân công thay phiên mang những chiếc chiếu đầy bánh đi "tắm" nắng. Mùi bột dừa, sữa, mè hòa quyện trong không khí se lạnh, tạo nên nhịp điệu rất sôi động mà trong năm người ta chỉ được thấy một lần.

Bánh phồng Phú Mỹ được xem là thức bánh truyền thống dịp Tết được chế biến từ nguồn nếp đặc sản địa phương - giống nếp CK92, nay Bộ nông nghiệp đổi tên là giống nếp AG. Đặc trưng của giống nếp này có độ dẻo cao, rất thích hợp làm nguyên liệu chế biến các loại bánh.

Mùa Tết của làng nghề đặc sản lớn nhất miền Tây - Ảnh 5.

Đến làng bánh phồng nếp Phú Mỹ vào những ngày giáp Tết, ai cũng thấy những nôn nao, vui tươi, không khí tất bật, bận rộn tràn ngập các lò bánh.

Để chuẩn bị cho những mẻ bánh phồng ngày mới, người dân làng nghề phải ủ nếp từ đêm hôm trước. Rạng sáng hôm sau, họ vo rồi nấu thành xôi, sau đó đưa vào cối quết (giã). Khi bột nếp được quết nhuyễn, thợ sẽ cho bột vào máy cán. Sau khi bột đi qua băng chuyền, công nhân nhanh tay loại bỏ các phần bột thừa, để lại khoảng 40 bánh thành phẩm, có đường kính khoảng 15cm mỗi cái. Bánh này sau đó được đem đi phơi.

Thông thường, mỗi xưởng ở làng bánh phồng Phú Mỹ cho ra đời trung bình 3.000 cái/ngày. Riêng những ngày giáp Tết, số lượng này tăng lên hơn 10.000 cái, với giá dao động từ 120.000 đến 150.000 đồng/100 cái. Số này được xuất đi khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ, TPHCM,...

Nghề làm bánh phồng nếp đòi hỏi nhiều sự tỉ mỉ. Sau khi quết bột, người thợ sẽ cán bánh và bóc từng góc bánh thừa, giữ lại thành phẩm là bánh phồng nguyên.

Bánh phồng Phú Mỹ có nhiều loại, tiêu biểu như bánh phồng sữa, bánh phồng mè hay bánh phồng mè sữa nước cốt dừa,... Trong số đó, bánh phồng sữa và bánh phồng mè được đánh giá là hai loại phổ biến và ngon nhất của làng nghề này. Ngoài ra còn có loại để nướng, thường được dùng để gói xôi, ăn chơi hoặc làm vỏ kẹo.

Ngoài việc cải thiện đời sống kinh tế của người dân địa phương, nơi đây còn là địa chỉ hấp dẫn thu hút khách du lịch đến tìm hiểu, trải nghiệm không khí tất bật giáp Tết ở làng nghề trăm tuổi.

Mùa Tết của làng nghề đặc sản lớn nhất miền Tây - Ảnh 7.

Sân phơi bánh phồng ở thị trấn Phú Mỹ.

So với 2 thập kỷ trước, nghề làm bánh phồng nếp ở thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã thu hẹp quy mô. Một mặt vì thị trường bánh kẹo nhập phong phú, mặt khác vì nghề làm bánh vất vả nhưng thu nhập hạn chế. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, dù máy móc hiện đại đã "tiếp sức" nhưng nơi đây cũng chỉ còn chục cơ sở kiên trì bám nghề, giảm hơn một nửa so với thời hưng thịnh.

Theo UBND huyện Phú Tân, làng nghề bánh phồng Phú Mỹ hiện có không đến 20 hộ sản xuất thường xuyên với hơn 100 lao động. Mỗi tháng, làng nghề này cung ứng cho thị trường hơn 3 triệu cái bánh.

Chia sẻ