Mùa Tết, bệnh nhân đái tháo đường cần lưu ý

,
Chia sẻ

Ngày Tết, nhiều người chủ quan, lơ là trong vấn đề ăn uống, hay bỏ bữa, ăn không đúng giờ, uống quá nhiều bia rượu…

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà đặc biệt với người bệnh đái tháo đường, đây còn là những nguy cơ dẫn đến tình trạng tăng hoặc hạ đường huyết đột ngột, rất nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.

Để ổn định đường huyết và đảm bảo sức khỏe vui Tết, người bệnh cần lưu ý điều gì, thức ăn nào nên ăn, nên hạn chế? BS.CKII Trần Văn Hai (Chủ nhiệm CLB Bệnh nhân đái tháo đường – BV Chợ Rẫy) có vài lời khuyên sau:

Bệnh nhân đái tháo đường nên tránh dùng nhiều thức ăn chứa nhiều chất béo, nhất là xôi, bánh chưng, giò chả… chỉ nên ăn lượng nhỏ. Ngày Tết, các loại thức ăn này khá nhiều, bữa ăn gia đình cũng thịnh soạn hơn ngày thường với nhiều món hấp dẫn, có thể khiến người bệnh khó kiềm chế, ăn uống quá nhiều làm tăng đường huyết. Vì thế, cần thường xuyên kiểm tra chỉ số đường huyết nếu có máy đo đường huyết ở nhà.

Nên ăn nhiều rau quả giúp ổn định đường huyết. Ảnh minh họa

Hạn chế hấp thu đường đơn chứa nhiều trong các thực phẩm như: bánh kẹo, mứt, sôcôla, sirô, nước ngọt giải khát… vì đường đơn hấp thu nhanh vào máu nên cũng rất dễ làm tăng đường huyết. Đường phức hấp thu chậm hơn, có trong trái cây ngọt, tinh bột như cơm, mì, phở, hủ tiếu…, ăn theo thực đơn tiết chế của bác sĩ để cân đối lượng bột đường hấp thu trong mỗi bữa ăn. Nên ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh để tăng cường nạp chất xơ vừa tốt cho cơ thể, vừa giúp điều hòa lượng glucose trong máu, ổn định đường huyết.

Việc uống quá nhiều bia rượu cũng là nguyên nhân gây hạ đường huyết. Trong ngày Tết, người ta có tâm lý phải “ăn chơi xả láng” mới vui, “không say không về”, đây là điều không nên, nhất là với bệnh nhân đái tháo đường. Nếu đi dự tiệc nên thông báo trước với mọi người là mình bị bệnh để bạn bè, khách khứa không ép uống. Tuyệt đối không uống rượu cùng với thuốc trị đái tháo đường (Buformin, Metformin) vì có thể dẫn đến hiệu ứng Antabuse, kéo theo các dấu hiệu làm tăng nhịp tim, thân nhiệt cao, buồn nôn hoặc nôn ói, hạ huyết áp… gây nguy hiểm cho người bệnh. Hạ đường huyết cũng có thể do ăn uống kém, không đủ bữa, nôn ói, tiêu chảy hay dùng thuốc quá liều…

Nếu đi chơi xa, đi du lịch, người bệnh cần nhớ mang theo đủ thuốc dự phòng cho cả chuyến đi. Ở trong nước còn có thể mua thuốc dễ dàng nhưng ở nước ngoài, có thể rất khó tìm chỗ bán thuốc nếu không rành tiếng Anh, đường sá, địa điểm. Toa thuốc nên chia làm hai túi nhỏ, một toa luôn mang bên mình, một toa để trong khoang hành lý đề phòng trường hợp khẩn cấp thì có ngay thuốc điều trị hoặc lỡ mất toa này thì còn toa kia mà sử dụng. Lưu số điện thoại của bác sĩ để liên hệ nếu cần thiết xin ý kiến tư vấn.

Mang theo một số bánh ngọt, kẹo, đường ăn kiêng cho người đái tháo đường phòng trường hợp hạ đường huyết đột ngột.

Cẩn thận với những món ăn lạ, món ăn theo dân tộc, vùng miền có thể chứa nhiều chất béo, chất ngọt, không phù hợp với người bị đái tháo đường, tốt nhất nên dặn dò trước người chế biến.

Ngoài ra, cần chú ý tập quán ăn uống của mỗi nước nếu đi du lịch nước ngoài, nhiều khi bữa ăn chính và ăn nhẹ ở nơi họ không giống với chúng ta, múi giờ địa phương cũng thay đổi… do đó mình cũng phải điều chỉnh việc uống thuốc, giờ uống, giờ chích thuốc cho phù hợp. Có cần giảm liều chích hay không phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đi.

Theo Phunuonline

Chia sẻ