Mua tất đắt tiền, chữa bệnh giãn tĩnh mạch không khỏi

Theo Dantri,
Chia sẻ

Đi khám ở Trung tâm Y tế Thái Hà, được chẩn đoán giãn tĩnh mạch chân và khuyên đi tất chun, chị Trần Thị Hoa mua đôi tất với giá hơn 700.000đ nhưng không thấy có tác dụng.

700.000đ/đôi tất

Trong tâm trạng vừa tiếc tiền, chị Hoa (42 tuổi ở Thái Thịnh, Hà Nội) chia sẻ với phóng viên: “Tôi đi khám, sau khi làm xét nghiệm và siêu âm, bác sĩ bảo bị giãn tĩnh mạch, phải đi tất chun. Ra phía ngoài mua, người bán nói hơn 1 triệu đồng/đôi tất, tôi hoảng quá. Sao tất gì mà đắt thế? Tôi không có đủ tiền nên định không mua. Người ta hỏi tôi có bao nhiêu tiền. Tôi móc túi đếm được hơn 700.000đ. Người ta bảo tôi hơn 700.000đ cũng mua được và bán cho tôi đôi tất này...”.

Vừa nói chị Hoa vừa chìa ra đôi tất màu nâu nhạt, dài tới đùi. Chị băn khoăn việc mua tất không theo đơn, vừa nói giá hơn 1 triệu đồng mà hơn 700.000đ cũng mua được, lại chả biết tác dụng của nó tới đâu. Thôi thì đã trót mua rồi, bị chồng nói cũng chịu. Nhà chị kinh tế không dư dả, chị chỉ trông xe tại nhà, chồng lái xe ôm nên số tiền vừa khám, vừa mua tất mất hơn 1 triệu đồng cũng đáng kể.

Bà Lương Thị Hoài (84 tuổi ở TPHCM) đã dùng tất chun 5 năm nay cho biết: Bà mua đôi tất này năm 2008 tại một cửa hàng thiết bị y tế trong Nam với giá hơn 500.000đ, đến nay nó đã có giá hơn 800.000đ. Bà không nhớ nó là tất của hãng nào, nước nào.

Mang băn khoăn về việc “tất gì mà đắt thế”, phóng viên đã đi dạo một vòng ở “phố thuốc” Giảng Võ, Ngọc Khánh (Hà Nội) để hỏi về tất chun đeo khi giãn tĩnh mạch. Thì ra, các loại tất chun trị bệnh giãn tĩnh mạch có mức giá co giãn rất nhiều.

Đôi tất nhãn Kid Lady có giá 550.000đ, người bán bảo là của Trung Quốc, là loại rẻ nhất. Nhãn Jobst (của Mỹ) có giá 1.240.000đ. Loại trung có giá hơn 700.000đ. Ngoài ra, tất còn được chia theo độ dài: Đến bắp chân, đầu gối, hoặc đùi với nhiều size (cỡ)... Đôi tất mà chị Hoa mua do đã bỏ hết nhãn mác đi nên người bán không biết của hãng nào.

Đi tất chun chữa giãn tĩnh mạch?

Mua tất đắt tiền, chữa bệnh giãn tĩnh mạch không khỏi 1
Đeo tất không thể khỏi bệnh

PGS.TS Nguyễn Hồng Minh, Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại thần kinh, Bệnh viện 103 cho biết, tất chun có tác dụng ép lực cơ học, nhưng sau khi bỏ tất ra thì giãn tĩnh mạch vẫn như vậy.

Khi dùng tất, về mặt thẩm mỹ, trông đỡ “ghê” và có thể giúp mạch đỡ giãn to hơn, đỡ vỡ tĩnh mạch, nhưng phải khẳng định: Không thể nhờ tất chun mà khỏi giãn tĩnh mạch. Nói chung, đeo các loại tất chun này chỉ là biện pháp hỗ trợ dành cho người phải đi lại nhiều, đặc biệt là người bị giãn ở vùng bẹn hay khoeo chân.

Theo quan điểm của Đông y, ThS Quan Thế Dân, Khoa Nội, Học viện Y dược học Cổ truyền cho biết, với mức độ 2, tức là độ giãn tĩnh mạch nhẹ thì có thể dùng tất chun để hỗ trợ nhằm tăng áp lực ép tĩnh mạch về chi dưới, đẩy máu lên tim (người giãn tĩnh mạch thường chân phù, máu lên tim kém). Tuy nhiên, khi ngủ dậy phải đeo ngay trước khi bước xuống giường thì mới có tác dụng, vì khi đứng dậy thì máu đã xuống chi rồi. Ở mức độ nặng trên độ 2, có thể phải mổ mới khỏi bệnh được.

Tất chuẩn mới tốt

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho hay, về mặt khoa học, tất chun có tác dụng tốt, là biện pháp điều trị cơ bản khi bị giãn tĩnh mạch chân.

Tuy nhiên, không phải một loại tất dùng cho tất cả mọi người. Nhìn chung, tất chuẩn thì sẽ tốt cho việc điều trị. Chuẩn ở đây không nhìn ở mặt đắt, rẻ (vì đắt, rẻ là chuyện trên thương trường), chuẩn là nói đến áp lực. Nếu cần áp lực cao mà đeo áp lực thấp thì không có tác dụng; ngược lại chỉ cần áp lực thấp mà đeo áp lực cao thì không tốt.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, tất cũng như thuốc, phải đúng liều, tức là phải đúng áp lực. Trong thuốc có thuốc Tây, thuốc ta. Với tất cũng vậy, có rất nhiều loại tùy theo hãng sản xuất. Cần mua tất ở trung tâm chuẩn, có bác sĩ về mạch máu tư vấn để chọn được loại tất phù hợp.

Liên quan đến vấn đề tất chun, BS Lê Quang Hồng, Trung tâm Tư vấn 1088 cũng khẳng định, đeo tất chun là quan trọng khi bị giãn tĩnh mạch. Bên cạnh đeo tất, cần chú ý chỉnh sửa nhiều thói quen trong sinh hoạt như không đứng lâu, khi ngồi không nên vắt chéo chân, không đi giầy cao gót, không ngồi xổm. Khi nằm, nên có gối gác cao chân. Nếu không gác chân lên gối thì giường nằm nên kê cao phía chân giường một chút.



Giãn tĩnh mạch tinh - bệnh nguy hiểm ở đàn ông
Mua tất đắt tiền, chữa bệnh giãn tĩnh mạch không khỏi 2
Chia sẻ