Mua nhà 1,1 tỷ đồng nhưng bỏ trống, 28 năm sau giá nhà tăng 20 lần, định đến ở thì phát hiện người lạ chiếm giữ: "Chúng tôi cũng trả đủ tiền"

Lưu Ly,
Chia sẻ

Cả hai đều nói rằng mình đã bỏ tiền mua căn nhà, vậy ai mới là chủ nhân thật sự?

Căn nhà để trống bị chiếm dụng

Vào năm 1992, bà Trương Thụy Phương (tên giả) đã mua một căn hộ ở Thâm Quyến (Trung Quốc) với giá 330.000 NDT (khoảng 1,15 tỷ đồng). Căn hộ này nằm ở khu vực phát triển sầm uất của quận Bảo An, diện tích 144m² với ba phòng ngủ, hiện có giá trị lên tới 6 triệu NDT (khoảng 21 tỷ đồng). Tuy nhiên, bà đã bỏ trống căn nhà này suốt 28 năm.

Mua nhà 1,1 tỷ đồng nhưng bỏ trống, 28 năm sau giá nhà tăng 20 lần, định đến ở thì phát hiện người lạ chiếm giữ: "Chúng tôi cũng trả đủ tiền" - Ảnh 1.

Đến năm 2020, bà Trương – lâu nay sinh sống ở 1 nơi khác quyết định chuyển về Thâm Quyến sinh sống cho gần gia đình, đã gọi điện thoại nhờ em trai đi xem và sửa sang lại căn nhà ở Thâm Quyến cho mình.

Tuy nhiên, ngay hôm sau, ông Trương lại gọi cho chị, nói rằng căn nhà của bà ở Thâm Quyến đã bị người lạ chiếm dụng, thậm chí đối phương còn thái độ thách thức: "Có gan thì cứ báo cảnh sát đi, mấy người cũng có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đâu!"

Nghe những lời này, ông Trương rất tức giận và hoài nghi, việc bà Trương chưa hoàn tất thủ tục mua nhà chỉ có giám đốc công ty bất động sản là ông Đặng và gia đình biết, sao những người này lại biết được?

Gia đình ông Lâm là người đang sống trong căn nhà đó, ngôi nhà này là do cha ông Lâm mua lại từ một bên môi giới bất động sản. Nhưng ai ngờ, khi cả gia đình đã chuyển vào sống, người môi giới bất động sản mới lấp lửng nói rằng hồ sơ của chủ cũ không đầy đủ và hiện tại không thể lấy được giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.

Ông Lâm luôn cảm thấy rằng người môi giới có vấn đề gì đó. Nhưng trước khi ông Lâm hỏi thêm thì người môi giới đã nhanh chóng rời đi. Cả gia đình ông không để tâm đến chuyện này, lâu dần, cả gia đình cũng quên mất vụ giấy tờ. Mãi cho đến khi người em trai của bà Trương Thụy Phương tìm đến, ông Lâm mới nhận ra rằng mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Cuộc đối đầu giữa hai chủ sở hữu

Trước mặt mọi người, ông Lâm mạnh mẽ khẳng định: "Chúng tôi mới là nạn nhân! Ngày trước, bố tôi đã bỏ ra 200.000 tệ (gần 700 triệu đồng) để mua căn nhà này. Ai ngờ, lúc làm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, phía bên kia lại mất liên lạc. Nếu không tin, mọi người có thể xem hợp đồng chuyển nhượng nhà đất này..."

Nghe đến đây, mọi người vô cùng hiếu kỳ, không biết nên đứng về phía nào. Nhưng đúng lúc đó, một người hàng xóm lên tiếng, bà khẳng định rằng bà đã tận mắt thấy gia đình ông Lâm phá khóa để vào nhà và chuyển đồ vào.

Mua nhà 1,1 tỷ đồng nhưng bỏ trống, 28 năm sau giá nhà tăng 20 lần, định đến ở thì phát hiện người lạ chiếm giữ: "Chúng tôi cũng trả đủ tiền" - Ảnh 2.

Cùng lúc đó, sau khi nhận được tin, ông Đặng – giám đốc công ty phát triển bất động sản vội vàng đến. Ông giải thích, căn nhà này chính là ông đã bán cho bà Trương Thụy Phương, nhưng vì khi đó dự án còn đang chưa hoàn thiện, cộng thêm việc bà Trương đã chuyển đi nơi khác quá gấp nên chưa kịp làm xong giấy tờ.

Vào ngày 16 tháng 5 năm 2020, ông Trương nhờ người bạn làm trong giới truyền thông, đồng thời cùng với cảnh sát địa phương, phóng viên của chương trình "Hiện Trường Đầu Tiên" và nhân viên khu vực tới để xác minh danh tính của những người đang sống trong căn nhà. Tuy nhiên, sau khi gõ cửa suốt hơn mười phút, không ai chịu mở cửa.

Khoảng một tuần sau, bà Trương vội vã trở về Thâm Quyến. Dựa trên thông tin liên lạc mà nhân viên quản lý tòa nhà cung cấp, bà Trương gọi điện cho ông Lâm liên tục, cuối cùng cũng liên lạc được với ông. Tuy nhiên, chưa kịp mở lời, bà đã nghe thấy tiếng chửi rủa từ phía bên kia: "Cha tôi vì bị các người làm cho tức giận mà phải nhập viện rồi, các người còn muốn làm gì nữa?"

Bà Trương giận dữ phản pháo lại: "Các người chiếm dụng trái phép tài sản của người khác, giờ còn giả vờ làm nạn nhân sao? Các người thật sự nghĩ tôi dễ bị bắt nạt à?"

Giờ đây, ông Lâm cầm trong tay hợp đồng chuyển nhượng nhà, còn bà Trương lại có hợp đồng mua bán và biên lai thanh toán. Vậy ai mới thực sự là chủ sở hữu hợp pháp của căn nhà?

Cuộc chiến pháp lý và những yêu cầu vô lý

Lúc này, bà Trương đã tìm đến luật sư và được giải thích: Nếu có tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, bà Trương hoàn toàn có thể khởi kiện để yêu cầu tòa án xác nhận quyền sở hữu của mình.

Sau đó, bà Phương đã đi hoàn tất thủ tục và giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nhà. Lần này, ông Lâm không từ chối nữa mà lịch sự mời hai người vào nhà.

Ba người im lặng nhìn nhau một lúc lâu, trong phòng ngủ, tiếng ho của cha ông Lâm vang lên từng đợt. Bà Trương vừa mềm lòng thì ông Trương nắm lấy tay chị và lên tiếng: "Hy vọng gia đình ông sẽ sớm dọn đi, nếu không chúng tôi sẽ phải báo cảnh sát để xử lý."

Có lẽ do thái độ kiên quyết của bà Trương, hoặc có thể ông Lâm đã nhận ra thực tế, ông không phản bác như mọi khi mà chỉ gật đầu.

Mua nhà 1,1 tỷ đồng nhưng bỏ trống, 28 năm sau giá nhà tăng 20 lần, định đến ở thì phát hiện người lạ chiếm giữ: "Chúng tôi cũng trả đủ tiền" - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Tưởng rằng đã thỏa thuận xong, cả gia đình bà Trương cùng nhau đi ăn thì tiếng chuông điện thoại vang lên. Người gọi là ông Lâm, ông nói rõ yêu cầu của mình, một là bà Trương phải bồi thường 200.000 NDT cho thiệt hại của họ và hai là giúp họ tìm một căn nhà mới.

Yêu cầu thứ hai có thể hiểu được, nhưng yêu cầu đầu tiên thì quá vô lý. Bà không ký hợp đồng chuyển nhượng nhà với ông Lâm, vậy tại sao bà phải bồi thường cho những thiệt hại của gia đình ông Lâm?

Đến lúc này, bà Trương không muốn nói thêm nữa, chỉ đưa ra một tối hậu thư cuối cùng, yêu cầu gia đình ông Lâm dọn đi trong vòng một tuần. Nếu không, bà sẽ kiện họ về tội chiếm dụng bất hợp pháp tài sản của người khác, gia đình ông Lâm thậm chí sẽ phải bồi thường ngược lại cho bà.

Kết quả cuối cùng

Ngày 6 tháng 6 năm 2020, gia đình ông Lâm cuối cùng đã dọn đi như đã thỏa thuận. Tuy nhiên, suốt quá trình, họ không hề nói một lời xin lỗi với bà Trương và những người liên quan, điều này thực sự khiến người ta cảm thấy lạnh lòng.

Qua sự việc này, chắc hẳn nhiều người cũng sẽ rút ra bài học rằng khi mua nhà, phải kiểm tra kỹ thông tin người bán, đặc biệt là phải làm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đừng để kẻ lừa đảo có cơ hội lợi dụng.

Theo Sohu

Chia sẻ