Mùa mưa cảnh giác bệnh giun đầu gai
Bệnh thường bùng phát mạnh vào mùa mưa và những người nhiễm bệnh này thường do đã lỡ ăn thịt lươn, ếch hoặc cá lóc nấu chín không kỹ.
Lẩu lươn nếu nấu không chín là nguồn bệnh giun đầu gai
Tuần qua chị H. T. Bé ngụ tại Củ Chi (TP.HCM) phải đến Bệnh viện Nhiệt đới khám và điều trị khối u da to khoảng 4-5 cm. Trước đó chị đã đến Bệnh viện Củ Chi để kiểm tra khối u. Các bác sĩ tại đây nghĩ đó là khối áp-xe nên đã điều trị bằng kháng sinh. Khi thấy khối u không hết các bác sĩ đã nghĩ đến bệnh nhiễm ký sinh trùng (KST) và chuyển chị đến bệnh viện nhiệt đới. TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu cho biết, chị đã bị nhiễm KST Guathostoma Spinigerum, còn gọi là giun đầu gai.
Giun đầu gai là ký sinh sống bám vào chó, mèo. Ấu trùng sẽ nở ra khi theo phân chó mèo vào nước và trở thành ký sinh trùng sống trong các loài ăn phải nó như lươn, ếch, cá lóc… Cơ nang chứa nhiễm ký sinh trùng này vào người sẽ đi lang thang, xâm nhiễm nội tạng, tạo khối áp xe ngoài da như chị Bé. May mắn khối áp xe đó phía vùng da, nếu chúng lên mắt sẽ gây mù mắt. Tệ hơn nữa khối áp xe lên não sẽ gây xuất huyết não dẫn đến tử vong.
Người nhiễm bệnh này thường do đã lỡ ăn thịt lươn, ếch hoặc cá lóc nấu chín không kỹ. Những năm trước bệnh từng bùng phát ở Thái Lan do thói quen ăn lẩu lươn, ếch. Tại Việt Nam, những năm gần đây Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM thường hay tiếp nhận các ca nhiễm KST giun đầu gai từ các vùng Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), Củ Chi, Thủ Đức (TP.HCM). TS.BS Mạnh Siêu nói thêm, do chó mèo ở ta thả rông nên bệnh thường tăng cao vào mùa mưa.
Cũng theo TS.BS Mạnh Siêu, gần đây Bệnh viện Nhiệt đới thường tiếp nhận nhiều ca nhiễm KST sán lá gan. Chỉ trong vòng hơn một tháng qua Bệnh viện đã tiếp nhận gần chục ca sán lá gan từ các khu vực như Đồng Nai, Tiền Giang, Phan Thiết… Ca gần nhất đến từ Bình Chánh, Thủ Đức (TP.HCM). Triệu chứng hầu hết khi nhập viện là đau liên sườn phải, hơi sốt hoặc sốt cao và ớn lạnh. Ban đầu bệnh nhân thường nghĩ đau dạ dày, điều trị không khỏi sau vài đợt thuốc, đi làm huyết thanh chẩn đoán mới phát hiện ra sán lá gan.
Trước đây sán lá gan thường xuất hiện ở các vùng nuôi trâu bò thả rông nhiều như Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận… Sau nhiều đợt tập trung điều trị đến nay bệnh chỉ còn rải rác và thường vào đến Bệnh viện Nhiệt đới là do nhiễm sán lá gan kháng thuốc. TP.HCM không phải vùng dịch tễ bệnh này tuy nhiên gần đây bệnh cũng xuất hiện. Khả năng do trâu bò nhiễm bệnh được vận chuyển từ vùng khác đến là khá cao.
TS.BS Mạnh Siêu nhấn mạnh, muốn giải quyết bệnh nhiễm KST lá gan cũng như bệnh giun đầu gai trước tiên người dân cần ý thức nuôi nhốt các gia súc (trâu, bò, chó, mèo…) và thực hiện ăn chín, uống sôi. Khi nhiễm bệnh, mặc dù được các bác sĩ điều trị hết bệnh nhưng nếu người dân vẫn giữ thói quen ăn uống cũ như ăn thịt tái, cá sống thì vẫn bị nhiễm bệnh trở lại.
Theo Nông nghiệp