Mùa đông ăn gừng rất tốt nhưng có 7 nhóm người tốt nhất không nên ăn
Sử dụng gừng với một vài nhóm người sau đây lại có thể đem lại tác dụng phụ cho sức khỏe.
Mùa đông luôn là mùa của những món ăn, thức uống ấm nóng. Do đó, gừng có thể coi là nguyên liệu không thể thiếu. Từ gừng, chúng ta có thể nấu vô số món hầm, món canh, thức uống tốt cho sức đề kháng trong ngày lạnh.
Trong Đông y, gừng tươi còn có tên gọi là Sinh Khương, có vị cay, tính ấm. Có tác dụng tán hàn, long đờm, thường được sử dụng để chữa các chứng phong hàn và kích thích tiêu hóa. Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông Y Hà Nội) cho biết, củ gừng có tác dụng chữa bệnh nhờ chứa thành phần tinh dầu, tinh bột, chất cay. Gừng có tác dụng làm ấm, hồi dương, chống lạnh... nhờ những công dụng tuyệt vời của nó mà có đến 70% các đơn thuốc Đông y đều có vị gừng.
Tuy nhiên, sử dụng gừng với một vài nhóm người sau đây lại có thể đem lại tác dụng phụ cho sức khỏe.
7 nhóm người tốt nhất không nên ăn gừng
1. Phụ nữ mang thai
Gừng rất hữu ích để giảm buồn nôn và nôn khi chị em mang thai. Tuy nhiên nếu dùng một lượng lớn, các chất kích thích trong gừng sẽ tạo nên các cơn co thắt, gây sẩy thai hoặc chuyển dạ sinh non. Vậy nên trong lúc mang thai, phụ nữ cần phải tránh lạm dụng gừng dưới mọi hình thức, hoặc người có tiền sử rối loạn chảy máu.
2. Phụ nữ cho con bú
Với những phụ nữ đang cho con bú, ăn gừng quá nhiều sẽ gây chứng đau bụng ở trẻ, khiến chúng quấy khóc liên tục mà không rõ lý do. Bạn chỉ nên dùng gừng với mức độ ít hoặc ngưng cho tới khi con trẻ hết bú.
3. Người bị cảm nắng
Vì gừng là thực phẩm tính ấm nên những người bị sốt do cảm nắng thì tốt nhất không dùng trà gừng, nước gừng kẻo khiến bệnh tình thêm trầm trọng.
4. Người mắc bệnh gan
Bệnh nhân bị bệnh gan tốt nhất không nên ăn gừng vì nó kích thích các hoạt động bài tiết của tế bào gan, rất có hại khi các tế bào này trong trạng thái bị kích thích, thậm chí dẫn đến hoại tử.
5. Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng
Gừng có tác động mạnh mẽ đến niêm mạc dạ dày. Nếu đang bị kích ứng niêm mạc hoặc có vết loét mà dùng gừng sẽ kích thích thêm quá trình này, khiến dạ dày bị quá tải, dẫn đến tổn thương nghiêm trọng hơn.
6. Người bị huyết áp cao
Theo lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội), người có huyết áp cao thì không thể dùng gừng trong bất cứ lý do gì, nhất là uống nước gừng, trà gừng vào đúng thời điểm huyết áp tăng kẻo tình trạng nặng hơn, từ đó có thể gây vỡ động mạch dẫn đến tai biến.
7. "Người thiếu âm"
Lương y Sáng cho hay, những người "thiếu âm" thường có cấu tạo da khô, đặc trưng nhất là tay và chân luôn nóng, dễ đổ mồ hôi tay, hay khô miệng, khô mắt, mũi, cảm thấy khó chịu, ngủ kém. Nếu dùng nhiều gừng sẽ làm các triệu chứng "thiếu âm" trở nên nghiêm trọng hơn.
Một số bài thuốc từ củ gừng trị nhiều bệnh mùa lạnh
1. Điều trị cảm cúm
Dùng gừng tươi 20g, kinh giới 20 - 30g, tử tô diệp 20 - 30g, trà 30g. Đem tất cả các vị sắc lấy nước, thêm đường đỏ khuấy đều, uống. Dùng rất tốt cho người bị ngoại cảm phong hàn (cảm cúm).
2. Chống nôn, tốt cho người say tàu xe
Trước khi lên xe, nếu ăn một lát gừng tươi nhỏ, bạn có thể hạn chế được tình trạng nôn mửa do say xe.
3. Tăng cường bản lĩnh quý ông
Hãm gừng với nước nóng, sau đó thêm ít chanh và mật ong để có cốc trà thơm nồng. Loại nước này tốt cho đàn ông bị yếu sinh lý.
4. Trị viêm đường hô hấp
Những người bị ho hen, viêm họng... nên ăn một bát cháo nóng nấu với gừng hoặc ly trà gừng nóng.
5. Trị trúng gió
Dùng gừng để đánh gió cũng có tác dụng bởi gừng tính ấm, việc đánh gió bằng gừng giúp người bệnh gia tăng sức đề kháng, mau hết bệnh.