Mùa cưới: Nào mình cùng "méo mặt"
Đã thành thông lệ, cứ đến tháng 10 âm, đám cưới đáp hỏi lại vào mùa tấp nập. Thiệp mời nô nức bay vào nhà kéo theo bao nỗi lo âu cho những người "tay hòm chìa khoá".
Người người chạy sô, nhà nhà chạy sô
“Năm nay tuổi bọn mình cưới nhiều quá, cuối tuần trước mình đi dự
5 đám cưới liền. Vừa ngồi chỗ này một chút thì chạy qua chỗ khác, không kịp
thở”. Nguyễn Ngọc Anh – nhân viên công ty LKC chia sẻ.
Không chỉ riêng Ngọc Anh, từ giờ tới cuối năm, gia đình nào cũng “được” đi dự tiệc cưới. Nhà ít thì một đám cưới 1 tuần, nhà bình thường thì khoảng 3,4 đám, cao điểm có khi lên tới 5,6 đám cưới. Hai vợ chồng chia nhau đi dự tiệc mà vẫn chưa đủ, thể là đành “chạy sô”, đến điểm danh, mừng phong bì rồi về. “Ăn tiệc cưới mình chẳng ngon như cơm nhà, người đông nên cũng chẳng biết ai vào ai, vì vậy đi để “trả nghĩa” với người ta thôi”- Ngọc Anh chia sẻ.
Người chạy đi mừng cưới đã mệt, những người tổ chức đám cưới còn mệt hơn. Thời buổi hiện đại, thủ tục càng cầu kì. Nào là chọn ngày, làm đám hỏi, tìm đội phù dâu phù rể, chụp ảnh cưới ngoài trời, chụp ảnh trong nhà, đi chùa cầu hạnh phúc…Công việc nào cũng cần tới một ekip làm việc đông đảo bao gồm gia đình, họ hàng, bè bạn. Đinh Nha Trang (phóng viên báo Kinh tế đô thị) mỗi mùa cưới lại đắt show “chụp ảnh”. Vốn có quen biết mấy anh nhiếp ảnh nên Trang luôn được người thân tin tưởng giao cho vai trò stylist. “Chẳng tuần nào tôi không hộc tốc chạy, hết đôi này lại đôi khác. Trời nắng nôi, đồ đạc lỉnh kỉnh, ảnh không ưng lại đưa nhau đi chụp lại. Nhiều lúc thấy hơi cực nhưng nghĩ lại thì bọn nó cũng từng vất vả vì mình nên phải cố mà thu xếp công việc thôi”.
Mùa cưới không chỉ tạo ra sự bận rộn mà còn mang đến nhiều chuyện xót xa không đáng có. Thu Trang (nhân viên tập đoàn Bảo Việt) kể: “Cô bạn chị đã có bầu rồi nên cả hai người quyết định cưới nhưng không nói cho gia đình vì sợ bị mắng. Do phải lo nhiều việc và đi lại mời cưới nhiều quá mà cô ấy đã bị sẩy thai ngay trước ngày cưới. Nhìn cô ấy kìm nỗi đau đớn để cười với mọi người mà chị thấy xót xa quá”.
Nào mình cùng … “méo mặt”
Để lo một cái đám cưới tươm tất trong thời buổi “kinh tế suy thoái nhưng giá cỗ vẫn tăng” không phải chuyện dễ dàng. Nguyễn Thu Thuỷ (Thanh Xuân – Hà Nội) kể: “Vì cùng làm nhân viên trực tổng đài lương chẳng mấy đồng, nhà mình lại là gia đình lao động nên tích cóp mãi hai đứa mới dám làm đám cưới. Chỉ vừa chụp ảnh, làm đám hỏi và đặt cỗ cưới thôi mà bọn mình đã méo hết cả mặt, không biết khi sắm sửa nơi ở thì sẽ thế nào”.
Giá mỗi bộ ảnh cưới, bao gồm cả make up và áo cưới thường vào khoảng 4 triệu đến 6 triệu đồng, có nơi rẻ hơn chỉ 2,5 triệu đến 3 triệu. Phần phải chi tiêu nhiều nhất có lẽ là đặt cỗ cưới. Giá mỗi mâm cỗ trung bình vào khoảng 900 ngàn - 1,5 triệu đồng. Đó là chưa kể chi phí thuê ca sĩ, MC và ban nhạc, xe đón dâu và trang trí sân khấu. Tính sơ sơ, để tổ chức một đám cưới phải lên tới khoảng 40 – 50 triệu đồng. Đây là điều không dễ dàng với nhiều người lao động bình thường, đặc biệt là những lao động tỉnh lẻ vào thành phố lớn sinh sống làm việc.
Người tổ chức đám cưới khổ một lần thì người đi ăn
cưới năm nào cũng khổ. Mỗi tuần 4 đám cưới nghĩa là trung bình một tháng
bạn đã phải đưa ra 12 cái phong bì, ít là 200.000 đồng, nhiều hơn nữa tuỳ thuộc
vào tình cảm và mối quan hệ. Vậy là chí ít, mỗi tháng cả gia đình phải chi ra
ít nhất là 2,5 triệu cho khoản cưới xin. Chị Nguyễn Thị Vân (một giáo viên
trường mầm non) bảo: “Cứ đến cuối năm là chị chẳng mua sắm gì được cho gia
đình, có khi lo tết cũng chật vật chỉ vì lo tiền mừng đám cưới. Dạo này kinh tế
suy thoái, giá cả cái gì cũng tăng, lương nhà nước thì chẳng bao nhiêu. Lắm
lúc vợ chồng bảo nhau mùa cưới mà trốn đi đâu được thì tốt.
Năm nào mùa cưới – mùa hạnh phúc cũng trở thành mùa lo toan – mùa đói kém. Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao khi nhà nước có phong trào tổ chức lễ cưới bằng tiệc ngọt thì chẳng mấy người dân ủng hộ?. Câu trả lời có lẽ là ai cũng muốn chuẩn bị những điều tốt đẹp nhất, cầu kì nhất cho đám cưới của mình và người thân, bởi “cả đời người chỉ có một lần thôi”. Chính vì vậy, dù nhiều nỗi niềm như thế nhưng mùa cưới nào cũng đến với một kịch bản chung bao gồm nhiều tiếng thở dài.
Ma Kin