Mùa cưới: Chọn mua kim cương thật đẹp và giá trị
Mùa cưới này, kim cương là loại đá quý được không ít các cặp đôi tìm đến để đặt mua nữ trang. Tham khảo thông tin dưới đây để sỡ hữu những viên kim cương giá trị bạn nhé!
"Kim cương là bạn thân của người phụ nữ”. Loại đá quý này từ cổ chí kim luôn là khát khao và niềm kiêu hãnh của phái đẹp. Hiện nay, chỉ với vài triệu đồng, bạn có thể sở hữu một món nữ trang gắn kim cương, đặc biệt là vào mùa cưới, kim cương càng được tìm đến nhiều hơn. Tuy nhiên, bạn đã biết tiêu chuẩn để đánh giá và phân loại loại đá quý này chưa?
Các cặp đôi hãy tham khảo những thông tin cơ bản và rất hữu ích mà chuyên mục Mua sắm gửi đến dưới đây nhé!
Nguồn gốc kim cương
Vì là một thứ hàng hóa giá trị cao, mỗi viên kim cương được bày bán đều đi kèm với “giấy chứng nhận” (Certification). Điều đó chứng tỏ viên đá có “xuất thân” tốt, nguồn gốc rõ ràng, việc mua và bán cũng dễ dàng và có giá hơn. Đó là lý do vì sao khi chọn mua kim cương, người ta thường tìm đến cửa hàng trang sức có uy tín để đảm bảo “cục cưng” của mình được chứng nhận hoàn hảo.
Khi đã cầm trong tay “giấy chứng nhận” rồi, nhìn vào đó bạn có thể tự đánh giá về viên đá quý của mình. Giá thành của nó phụ thuộc vào những chi tiết sau (mà dân trong nghề gọi là chuẩn 4C):
Cut (giác cắt): Đây là yếu tố quan trọng nhất của một viên kim cương vì cho dù ngay cả khi nó có màu sắc và độ tinh khiết hoàn hảo thì một giác cắt xấu sẽ làm mất đi sự rực rỡ của nó. Những tiêu chuẩn về giác cắt phổ biến là Excellent, Very Good, Good, Medium, Fair or Poor, trong đó Excellent và Very Good là 2 tiêu chuẩn cao nhất với hầu hết ánh sáng chiếu vào viên kim cương đều phản chiếu lại mắt chúng ta.
Một giác cắt đẹp có góc cắt đúng và độ cân xứng cao để ánh sáng bên trong có thể thoát ra ngoài và tạo ra sự lấp lánh của viên kim cương, cho chúng ta thấy hiệu ứng 7 sắc cầu vồng.
Color (màu sắc): Đối với kim cương trắng thuần tuý thì màu sắc có thể phân ra từ không màu đến màu vàng và viên kim cương càng trắng thì càng có giá trị. Trong bảng xếp loại màu kim cương trắng của GIA (Viện Đá quý Hoa Kỳ), màu trắng của kim cương bắt đầu từ ký tự D, E, F… cho loại không màu và xếp dần xuống đến Z.
Có một mẹo nhỏ mách bạn rằng, cách tốt nhất để thấy được màu sắc thật sự của một viên kim cương là nhìn nó đối diện với một mặt phẳng màu trắng. Ngoài ra, kim cương cũng có một số có màu sắc tự nhiên như đỏ, hồng, vàng, cam, nâu, xanh dương, xanh lá và một số màu khác. Những viên kim cương màu có giá trị do độ đậm nhạt của màu sắc và phụ thuộc phần lớn vào sự quý hiếm của màu sắc đó.
Clarity (độ tinh khiết): Kim cương thường có nhiều sai sót nhỏ khi chế tác, hoặc các vết bẩn nhỏ, bọt khí, vết trầy xước hay lẫn những khoáng chất khác bên trong viên kim cương. Viên đá càng ít lỗi càng giá trị và càng đẹp.
Mức độ đánh giá độ trong của kim cương là:
- F: Hoàn mỹ - Không có bất cứ một sai sót nào cả bên trong và bên ngoài.
- IF: Hoàn hảo phía bên trong - Lỗi bên trong không có, bên ngoài chỉ có sai sót không đáng kể.
- VVS1-VVS2: Rất rất không đáng kể - Những sai sót nhỏ nhặt rất khó phát hiện khi phóng to 10 lần kể cả bằng máy phân loại tương đối tốt.
- VS1-VS2: Rất nhỏ - Những lỗi nhỏ sẽ rất khó nhìn thấy bằng mắt thường và cũng phải khó khăn mới phát hiện thấy khi phóng to viên đá 10 lần.
- Sl1-Sl2: Không đáng kể - Khó nhìn thấy sai sót bằng mắt thường, nhưng dễ phát hiện nếu phóng to 10 lần.
- I1-I3: Bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy những sai sót một cách dễ dàng và chúng làm ảnh hưởng đến độ sáng của đá.
Những viên đá từ VVS2 tới F là rất hiếm nên giá của chúng cũng vì thế mà rất đắt. Nhiều cặp đôi sẽ chọn loại giữa Sl1 và VS1 nhưng cũng sẽ không bao giờ nhận thấy sự khác biệt giữa chúng.
Carat (trọng lượng): Carat là đơn vị dùng để đo khối lượng của đá quý nói chung. Một carat nặng tương đương 0,2gr. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà bạn cần nhớ là carat không phải là yếu tố quan trong quyết định giá trị của viên kim cương.
Tất cả các yếu tố trong 4C của viên kim cương đều có vai trò như nhau và đều quan trọng với khả năng chi trả của bạn.
Mua kim cương – nữ trang hay của để dành?
Cũng giống như vàng, không ít người mua kim cương về nhà cất tủ như vật gia bảo hoặc xem như của đầu tư. Tại các cửa hàng bán kim cương, người bán trang sức sẽ thuyết phục bạn rằng mua một chiếc nhẫn kim cương là một khoản đầu tư tuyệt vời, vì nó là thứ nữ trang duy nhất khi cần đổi loại lớn hơn, bạn sẽ không bị lỗ.
Nhưng thực tế không đúng như vậy. Đổi lớn đến lúc nào đó bạn sẽ phải dừng lại, và khi cần bán, bạn sẽ bị chênh lệch ít nhất 10%. Với lại, viên kim cương không thể tính bằng thời gian, càng xưa không phải là càng hiếm. Dân trong nghề đều biết rằng số kim cương nằm trong lòng đất chưa thai khác vẫn là một ẩn số lớn về giá trị. Do đó, xu hướng hiện nay không phải là mua loại quý hiếm để đầu tư, mà thiên về kiểu dáng, thiết kế đẹp để đeo suốt đời.