Một vòng Istanbul - thành phố cầu nối châu Á và châu Âu, nơi ai rời đi cũng mang theo một mối tình
Ngôi chợ Grand Bazaar muôn màu, những món bánh ngọt truyền thống, hàng trăm cung điện và đền đài của Istanbul... sẽ khiến bạn say lòng ngay từ lần đầu gặp gỡ.
Istanbul - thành phố liên lục địa với một phần thuộc châu Âu, một phần thuộc châu Á từ lâu đã khiến tôi ao ước được đặt chân tới. Sự hấp dẫn của sự trang nghiêm, huyền bí Á Đông và hiện đại của Phương Tây khiến tôi không ngần ngại chọn Istanbul để khám phá ngay lập tức khi có cơ hội.
Với nhiều người, lựa chọn đi Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào thời điểm này có lẽ không được cho là sáng suốt lắm khi mà an ninh có nhiều bất ổn, tuy nhiên với cá nhân tôi thì ở đâu cũng sẽ bình yên nếu trong tâm trí mình sự bình yên luôn có. Vì nói cho cùng đâu có nơi nào trên trái đất này là yên ổn 100% đâu nhỉ?
Lại lối tại chợ Grand Bazaar
Khoan nói về những công trình kiến trúc, lịch sử vốn vô cùng được ca ngợi ở Istanbul, tôi sẽ nói với bạn về nơi khiến tôi mê mệt nhất: khu chợ Grand Bazaar. Trước khi đến đây, tôi đã từng đọc nghe nói nhiều về sự hoành tráng của chợ, nhưng khi tận mắt khám phá, tôi vẫn không kìm được "ố á" ngạc nhiên. Đến đây bạn sẽ như lạc vào mê cung mà không hiểu mình đã đi vào từ đâu và làm thế nào để đi ra được. Và chính tôi đã bị lạc ở trong khu chợ rộng lớn và nổi tiếng bậc nhất thế giới này. Nếu bạn đến đây tôi khuyên bạn hãy nhớ "thủ" sẵn cho mình 1 tấm bản đồ khu chợ nhé!
Chợ Grand Bazaar là nơi trao đổi hàng hóa thời kỳ đế chế Ottoman và cũng nằm trên con đường tơ lụa và gia vị vào châu Âu. Grand Bazaar có 12 cửa ra vào, trong đó có 4 cổng chính, luôn có nhân viên an ninh đứng ở cửa, dùng máy quét để kiểm tra an ninh từng hành khách khi bước vào tham quan cũng như mua sắm.
Grand Bazaar có nhiều khu, mỗi khu thì tập trung bán những mặt hàng khác nhau, bạn sẽ bị lóa mắt khi lạc vào khu chuyên bán vàng, nữ trang và ngoại tệ.
Bạn sẽ nhìn thấy vô vàn cửa hàng bán vàng đủ loại như thế này!
Rồi tới khu bán những gia vị đặc trưng của Thổ Nhĩ Kỳ với nhiều màu sắc bắt mắt, không thể không để đến khu bán thảm carpet, khu chuyên dành để bán đồ ngọt với các nhà buôn đứng sẵn ở cửa luôn nhiệt tình mời gọi khách hàng nếm thử vài món đặc sản quê hương.
Các loại gia vị đặc trưng.
Vô số các loại trà.
Trái cây sấy màu sắc rất bắt mắt.
Điểm đặc biệt nữa tại Grand Bazaar đó là chỉ có những người đàn ông bán hàng thôi bạn nhé!
Baklava – Món bánh ngọt truyền thống khiến ai cũng phải mê đắm
Baklava được xem là món tráng miệng phổ biến nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi như bị "chết chìm" trong các tiệm bánh baklava có mặt khắp mọi nơi trên đường phố của Istanbul. Baklava loại cơ bản sẽ là từng lớp bánh được cán mỏng, xếp lên nhau, lớp dưới cùng sẽ được phủ sữa đặc sau đó từng lớp từng lớp bánh được phết 1 loại siro đặc trưng cùng với hạt dẻ cười (quả hồ trăn) giã nhỏ. Hạt dẻ cười là loại hạt cực kỳ phổ biến ở đất nước này, bạn có thể bắt gặp nó trong hầu hết các món bánh kẹo ngọt nơi đây.
Một khay Baklava truyền thống. Ngoài ra còn có có vô số các biến thể khác nhau với sự đa dạng về hình thù, kích cỡ hay hương vị.
Vỏ bánh là hạt dẻ cười bên trong có phần nhân đậu dừa rất thơm ngon và ít ngọt nhất!
Lý tưởng nhất của người dân nơi đây là buổi sáng nhâm nhi một ly trà nóng và thưởng thức vài chiếc bánh baklava ngọt ngào vừa mới ra lò. Bạn sẽ thấy mình tràn đầy năng lượng để bắt đầu một ngày mới. Tôi đã bị mê đắm đến nỗi gọi ra một loạt để hòng được thử trọn vẹn tất cả các vị ngon khác nhau của thứ bánh hấp dẫn này. Và lúc đó cảm giác như mình đã ăn nhiều đường nhất trong suốt cuộc đời, nhưng chỉ ngay ngày hôm sau thôi bạn sẽ thấy thòm thèm như chưa được ăn baklava bao giờ vậy.
Một bữa ăn đặc trưng của người Thổ Nhĩ Kỳ
Thánh đường của cung điện và đền đài
Istanbul chứa đựng của một kho tàng kiến trúc văn hóa đồ sộ và rực rỡ. Từ sân bay quốc tế về Istanbul bạn sẽ bắt gặp vô vàn các thánh đường Hồi giáo được xây dựng bằng đá có mái vòm lớn, và hầu hết công trình nào cũng đều rất bề thế và hoành tráng, chỉ tính riêng Istanbul đã sở hữu khoảng 500 đền thờ lớn nhỏ.
Đến thành phố này, không thể không kể tới đền thờ Hồi giáo Sultan Ahmed hay còn được gọi với cái tên Blue Mosque – thánh đường xanh. Đây là thánh đường Hồi giáo lớn nhất thành phố được lát bằng 20.000 viên gạch tráng men xanh dương, có mái vòm chính ở giữa và nhiều vòm nhỏ xung quanh, bên ngoài có 6 tháp nhọn vươn lên nền trời.
Blue Mosque – thánh đường xanh
Khi vào trong thánh đường xanh phụ nữ bắt buộc phải dùng khăn che kín tóc. Tất cả mọi người phải mặc quần dài, đi chân trần.
Blue Mosque lúc hoàng hôn buông xuống
Nằm cách không xa Blue Mosque là Hagia Sophia đây cũng được coi là điểm đến không thể bỏ qua khi tới Istanbul, nó là biểu tượng cho đế chế Ottoman. Ban đầu đây là thánh đường của Thiên chúa giáo Đông Phương, nhưng sau đó được đổi thành nhà thờ Hồi giáo vào năm 1453 và sau cùng đến năm 1935 Hagia Sophia trở thành bảo tàng lịch sử với bề dày lịch sử và ý nghĩa tôn giáo quan trọng của Istanbul nói riêng và Thổ Nhĩ Kỳ nói chung.
Hagia Sophia
Bên trong Hagia Sofia
Nếu như những thánh đường mang hơi thở của nền văn minh phương Đông kì bí mà hấp dẫn thì ở Istanbul có hai công trình cung điện nguy nga hiện đại và hoành tráng không kém gì các nước châu Âu chính là cung điện Topkapi và cung điện Dolmabahçe.
Cung điện Topkapi là một kho tàng lịch sử đồ sộ, với một số khác đây lại là nơi ngắm cảnh tuyệt vời vì từ cung điện có thể nhìn xuống Golden Horn, một bến cảng tự nhiên tại Istanbul, eo biển Bosphorus và biển Marmara. Cung điện có 4 cổng ngăn cách bởi 4 khoảng sân rộng và phần hậu cung, toàn bộ trải rộng trên diện tích 70ha, bao quanh bởi bức tường thành dài 5km.
Cung điện Topkapi
Cung điện Dolmabahçe là trung tâm chính của Đế quốc Ottoman từ năm 1856-1922 và được Sultan Abdul Mejid I ra lệnh xây dựng. Công trình được khởi công năm 1843 và hoàn thành với chi phí tương đương 35 tấn vàng, với 285 căn phòng và hơn 40 hội trường.
Ngoài ra còn những điểm đặc biệt mà bạn chớ nên bỏ qua như tháp Galata công trình cổ cao nhất thành phố, Basilica Cistern - "cung điện chìm" nằm dưới bề mặt các con phố ở Istanbul.
Tháp Galata - tòa tháp cổ cao nhất thành phố.
Và để tận hưởng trọn vẹn việc đi du lịch giữa hai châu lục tôi đã có một trải nghiệm tuyệt vời khi mua vé đi chuyến tàu du lịch dọc theo biển Marmara để có thể thu trọn tầm mắt vẻ đẹp của Istanbul. Trong chuyến hành trình này bạn sẽ được ngắm cây cầu Bosphorus nối Ortaköy bên bờ châu Âu với Beylerbeyi bên bờ châu Á, cũng là điểm nối giữa hai châu lục.
Thu trọn tầm mắt là khung cảnh nguy nga của một bên là những thánh đường Hồi giáo, những cung điện tráng lệ bên còn lại là những ngôi nhà gỗ nghỉ dưỡng thanh lịch hiện đại nằm sát bên bờ biển xanh trong, những tòa nhà hiện đại cao vút đang mọc lên như nấm.
Giữa làn gió mát lành, khi mây trời và làn nước biển cùng quyện lại một màu xanh ngăn ngắt bạn sẽ thấy một Istanbul trước mắt vừa hiện đại, vừa cổ kính; không phô trương không màu mè nhưng chắc chắn chẳng ai có thể ngân ngại mà thốt lên rằng: Istanbul đẹp tới nao lòng!
Cây cầu Bosphorus lung linh về đêm.
Chia tay Istanbul trong một buổi sáng mưa lớn, tôi thấy như 5 ngày cho Istanbul quả thực vẫn còn rất eo hẹp, còn bao nơi tôi muốn tới, còn bao nhiêu chỗ mong muốn được khám phá, trải nghiệm. Nhớ mãi buổi chiều trên chuyến phà từ Kadıköy về lại Eminönu từ xa trông thấy Hagia Sofia được ánh hoàng hôn phủ một lớp bột vàng lấp lánh thấy sao huy hoàng thế, rực rỡ thế. Nếu có thể hãy tới Istanbul ít nhất một lần trong đời bạn nhé!