Một tháng sau khai giảng: Ngổn ngang bất cập
Năm học 2022-2023, TPHCM có gần 1,7 triệu học sinh, tăng gần 22.000 em so với năm học trước. Tiến độ xây trường lớp còn chậm khiến nhiều nơi sĩ số lên đến 50-55 học sinh/lớp, gần gấp đôi quy định (35 em/lớp).
Không gian chật hẹp, ngột ngạt, bàn ghế to nhỏ không đồng đều khiến cả thầy lẫn trò gặp nhiều khó khăn, bất tiện trong dạy và học.
Trường “khủng”, lớp “khủng”
Là một trong những quận có tốc độ tăng nhanh dân số cơ học của TPHCM, quận 12 luôn là điểm “nóng” mỗi khi đến mùa tuyển sinh. Có năm, đến ngày khai giảng nhưng vẫn còn hàng chục, thậm chí hàng trăm học sinh (HS) chưa có chỗ học. Việc ổn định trường, lớp phải kéo dài đến nửa tháng 9 mới xong. Vì thế, sĩ số HS trong lớp cứ nhích lên từng ngày; một lớp có hơn 50 em không phải là chuyện hiếm.
Cô Lê Thị Thúy Bình, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12, cho biết, năm học này trường có 89 lớp với 4.502 HS, sĩ số trung bình là 50 em/lớp. Theo cô Bình, toàn phường chỉ có 1 trường tiểu học, trong khi số HS liên tục tăng, khiến trường luôn chịu nhiều áp lực.
“Với chủ trương em nào cũng được đến trường, nhà trường hết tận dụng phòng chức năng rồi đến phòng ăn… để làm phòng học. Phòng nào lớn thì bố trí 55-56 em, nhỏ thì 48-50 em”, cô Bình nói. Cũng vì thiếu phòng học, sĩ số quá lớn nên tỷ lệ bán trú, học 2 buổi/ngày rất thấp. Để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, nhà trường phải tổ chức dạy và học cả ngày thứ Bảy.
Tương tự, cả phường Thạnh Lộc, quận 12 cũng chỉ có duy nhất Trường Tiểu học Hà Huy Giáp có thể tiếp nhận HS trên địa bàn nên áp lực đối với nhà trường là rất lớn. Cô Nguyễn Hoàng Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Giáp, cho biết, năm học này, trường có 67 lớp với 3.400 HS, sĩ số HS trung bình là hơn 50 em/lớp.
“Lớp đông nhất là 58 em, mỗi khối cũng chỉ có 2- 3 lớp bán trú, trung bình các lớp này cũng có 54-55 em/lớp”, cô Yến nói. Do thiếu phòng học, trường phải cắt toàn bộ khối lớp 5 gồm 14 lớp sang học nhờ Trường THCS Tô Ngọc Vân thuộc phường Thạnh Xuân, quận 12, cách trường khoảng 2 cây số.
Tại quận Bình Tân, năm học này, HS khối lớp 1, lớp 6, tăng thêm gần 9.500 em so với năm học trước. Trong khi đó, quận chỉ xây mới và đưa vào sử dụng thêm Trường Tiểu học Lương Thế Vinh với quy mô 43 phòng, trong đó có 30 phòng học, 12 phòng chức năng.
Số HS tăng cao, trường lớp chưa đáp ứng kịp nên đã xuất hiện trường tiểu học quy mô hơn 100 lớp trên địa bàn quận. Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Ngô Quyền (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) có đến 5.170 HS, 106 lớp, sĩ số trung bình gần 49 em/lớp. Do HS đông, trường chỉ bố trí được 50 lớp học bán trú, 56 lớp còn lại HS chỉ được học 1 buổi.
Việc quá tải trường lớp cũng diễn ra ở nhiều quận, huyện khác như quận 4, quận 7, huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức… Một lớp có sĩ số 45-50 HS (vượt tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT trên dưới 15 em) không còn là chuyện hiếm ở các quận, huyện này cũng như tại nhiều quận trung tâm khác của TPHCM.
Ngột ngạt, thiếu đủ thứ
Ghi nhận thực tế tại một số trường học ở ngoại thành TPHCM những ngày giữa tháng 9 (sau hơn 2 tuần HS đi học lại), phóng viên Tiền Phong chứng kiến sự đông đúc, bầu không khí ngột ngạt từ trong lớp học lẫn ngoài sân trường.
Lớp 4/13 của Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12) do cô Ngô Thị Lương chủ nhiệm có đến 51 HS. Lớp có 4 dãy bàn kê sát nhau; dãy bàn trong cùng của HS sát bàn giáo viên. Trong giờ dạy, giáo viên đi lên, đi xuống rất khó khăn vì khoảng hở giữa các lối đi chỉ vừa đủ cho một người lách qua. HS muốn đi ra ngoài càng khó bởi không có khoảng hở giữa các bàn học. Nếu HS ngồi giữa muốn đi lên bảng hoặc ra ngoài thì các em trong bàn phải đứng dậy để nhường đường bởi không có lối đi. Lớp đông, khó di chuyển nên cả cô và trò rất vất vả trong dạy và học, đặc biệt là theo các phương pháp hiện đại của chương trình cải cách mới.
“Nhiều lúc muốn xuống từng em nhưng rất khó để di chuyển và cũng không có thời gian. Hôm nào có bài tập nhóm là cả lớp phải đến sớm 10-15 phút để di chuyển bàn ghế, xếp thành từng nhóm, hết tiết học lại phải mất chừng đó thời gian để xếp lại bàn ghế, ổn định chỗ ngồi. Nói chung là cô và trò rất vất vả”, cô Lương nói. Sĩ số đông như vậy nên cô hầu như làm việc quần quật cả ngày, giờ ra chơi hay trống tiết vẫn phải tranh thủ chấm bài, vậy mà có ngày cô phải mang bài về nhà chấm mới kịp.
Tại Trường Tiểu học Hà Huy Giáp, phóng viên ghi nhận, cơ sở vật chất của trường xuống cấp khá nhiều và thể hiện rõ sự quá tải. Lớp 3/7 do cô Trương Thị Ngọc Tuyết chủ nhiệm có 54 HS. Trong một lớp nhưng bàn ghế có đến 3 kích cỡ khác nhau. Bàn nhỏ, ghế nhỏ đặt phía trên cùng, tiếp đến là loại vừa và cuối lớp là loại lớn để phù hợp với thể hình, thể trạng của từng HS. Thoạt nhìn có vẻ hợp lý song cô giáo cho biết đó là chuyện bất đắc dĩ.
Cô Huỳnh Thị Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Giáp, cho biết, trường được xây dựng hơn 20 năm trước; cơ sở vật chất hiện nay gần như không thể đáp ứng được yêu cầu dạy học. “Lớp học quy chuẩn là 35 HS nhưng ở trường này hầu như lớp nào cũng vượt 10-15 em. Bàn ghế hỏng nhưng xin thay mới cũng khó và chỉ được cấp kinh phí nhỏ giọt nên nhà trường phải linh động, từ đó mới dẫn đến tình trạng một lớp có nhiều kích cỡ bàn ghế khác nhau. Để tránh vẹo cột sống cho HS, lớp thường bố trí các em có thể hình to cao ngồi sau, em nào nhỏ con ngồi trước”, cô Hạnh nói.
Trường Tiểu học Hà Huy Giáp có hơn 3.400 HS nhưng chỉ có một nguồn nước máy. Những ngày nắng nóng, nước chảy rất yếu và không đủ dùng. Trường phải sử dụng tiết kiệm, những sinh hoạt không cần thiết thì dùng nước giếng khoan, dành nguồn nước máy cho HS và giáo viên. Trường đã nhiều lần đề xuất các ngành chức năng cấp thêm một đầu nước máy, nhưng đến nay vẫn chưa có.
Dù phải đi học ké trường khác nhưng gần 750 HS của 14 lớp 5 Trường Tiểu học Hà Huy Giáp lại “may mắn” hơn vì phòng ốc sạch sẽ hơn và lớp nào cũng được học bán trú. Sau khi kết thúc tiết cuối buổi sáng lúc 10h30, các em được đi thay áo quần, sau đó trở về lớp ăn trưa rồi ngủ trưa.
Tại các lớp học bán trú, sau khi ăn trưa, lớp học nhanh chóng biến hình thành phòng ngủ khi bảo mẫu xếp gọn bàn ghế vào cuối lớp. Mỗi em một góc nằm đấu đầu nhau từ bục giảng xuống cuối lớp. Một số HS phải nằm luôn trên bàn học thì phòng mới đủ sức chứa 55-57 em ngủ trưa.