Một tài khoản TikTok chia sẻ lý do "tại sao không nên ăn bắp" nhưng lời phản hồi của chuyên gia mới là điều bạn nên nhớ
Một bác sĩ nổi tiếng tại TP.HCM nhận định không nên ăn ngô vì có chứa lectin gần đây khiến dân tình dậy sóng.
Bác sĩ chia sẻ trên Tik Tok rằng "không nên ăn bắp vì có lectin" khiến nhiều độc giả hoang mang
Mới đây, trên Tiktok, một tài khoản có tên ThS.BS Phan Anh Tuấn (TP.HCM) chia sẻ thông tin "tại sao không nên ăn bắp" khiến nhiều người ngỡ ngàng. Nguyên nhân được tài khoản BS Tuấn đưa ra là bởi ở vỏ ngô có chứa lectin. Không dừng lại ở đó, vị bác sĩ này còn khẳng định tất cả những loại ngũ cốc có vỏ đều có chứa thành phần này.
BS chia sẻ không nên ăn ngô vì có nhiều Lectin
Vị bác sĩ này mở lời: "Đây là một vấn đề rất nhạy cảm và sau đây là bí mật đến từ một quyển sách của một tác giả rất nổi tiếng tên là Steven R.Gundry. Tác giả nổi tiếng của cuốn sách "Nghịch lý rau củ quả - Sự "trả thù" của thực vật". Như các bạn biết, tác giả và Tuấn là bác sĩ chuyên khoa ngoại đã mổ rất nhiều bệnh nhân. Thông qua nghiên cứu của tác giả rất nhiều năm đã chứng minh rằng lectin là một chất có rất nhiều trong vỏ của các loại ngũ cốc, không chỉ có trong bắp mà còn có trong vỏ của tất cả các loại hạt nguyên cám. Đây là một loại protein thực vật. Nó không được tiêu hóa ở trong đường ruột. Nếu khi được ăn vào rất dễ gây tổn thương cho cơ thể chúng ta. Khi tổn thương đường ruột, khi lectin này cộng với ung thư đường ruột xảy ra sẽ đi vào trong máu, dẫn đến hiện tượng viêm, gây rối loạn miễn dịch, phá hủy hệ nội tiết của chúng ta, đưa đến tình trạng béo phì, tim mạch, huyết áp, tiểu đường, đột quỵ... và nhiều vấn đề sức khỏe khác".
Trước thông tin này, nhiều người đặt ra băn khoăn, lo lắng về việc ăn ngô cũng như ăn nhiều loại ngũ cốc khác hàng ngày bởi chúng vốn là nguồn cung cấp tinh bột không thể thiếu cho cơ thể.
Nhiều người bày tỏ nghi ngại không biết thông tin bác sĩ đưa ra lấy từ nguồn sách vở nào, có đảm bảo không. Nhiều người quan tâm ăn bao nhiêu ngô mỗi ngày được coi là nhiều, gây hại đường ruột, sức khỏe? Nhiều người không chắc đây có phải phát ngôn của bác sĩ chính thống không...
Ngô, lúa gạo... là ngũ cốc bao đời, nuôi sống bao thế hệ từ trước đến nay, vẫn là lương thực hàng ngày không thể thiếu của nhân loại
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), ngô cũng như lúa gạo nằm trong nhóm ngũ cốc được người dân Việt Nam cũng như người dân trên thế giới làm nguồn lương thực từ hàng ngàn năm nay và tiêu thụ mà không gặp vấn đề gì.
Riêng về việc vỏ hạt ngô hay lớp màng gạo có chứa lectin, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, vỏ của các loại ngũ cốc như ngô, gạo là một phần dinh dưỡng tốt.
"Phần vỏ này có chứa nhiều chất béo, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Đó là lý do người ta hay khuyên ăn ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, mặc dù ăn nhiều bị khó tiêu nhưng ăn vừa phải thì không làm sao, lại rất tốt cho sức khỏe. Hạt ngô thì bên ngoài vỏ có xenlulozo nhiều nhưng khi xay ra, đem ninh nhừ, luộc kỹ để bung vỏ ra thì cũng không phải là vấn đề gì với sức khỏe của bạn", chuyên gia khẳng định.
Ông Thịnh nhấn mạnh, "nói như vị bác sĩ kia thì dường như ăn gì cũng không được, có lẽ chúng ta chỉ nên hít không khí để sống qua ngày mà thôi". Do đó, người dân không phải hoang mang, miễn là ăn ngô, gạo... hay bất cứ thực phẩm nào cũng cần ở lượng vừa phải, không nên lạm dụng tiêu thụ quá nhiều.
Trong danh sách những thực phẩm có chứa lectin cao của Webmd cũng không hề liệt kê ngô vào danh sách những thực phẩm cần lưu ý. Tuy nhiên, trang web uy tín về sức khỏe hàng đầu của Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh, ngay cả khi những thực phẩm có chứa lượng lectin cao như đậu, bánh mì, khoai tây... thì cũng không có vấn đề gì cho sức khỏe khi được ăn ở dạng nấu chín hoàn toàn.
Để chia sẻ thêm về tác hại của lectin, giới chuyên gia cho biết, lectins là một loại protein được tìm thấy trong hầu hết thực phẩm chúng ta sử dụng. Chỉ cần hấp thụ một lượng nhỏ lectins trong thực phẩm cũng mang lại không ít lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bạn ăn quá nhiều lectins cơ thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiếp nhận dinh dưỡng. Hầu hết chúng giảm đáng kể khi được chế biến ở dạng nấu chín, ủ men... thay vì ăn sống.