Ở ca sĩ Phương Thanh, ngay cả những ca khúc ballad nhẹ nhàng, chị vẫn có cách thể hiện vô cùng "giằng xé" và day dứt khôn nguôi. Nhưng khi chị không “giằng xé” nữa, cũng không ầm ĩ với rock, không khắc khoải với những bản tình buồn thì khán giả vẫn sẽ mê đắm, mê đắm ở một chất khác của Phương Thanh. Đó chính là bolero.
So với Chanh bolero, album Con ốc bươu nghe ngọt hơn, tình hơn. Những fan ruột của chị Chanh cũng "mắt tròn mắt dẹt" ngạc nhiên khi nghe chị đổi giọng, nó ngọt và khác “chất” đến lạ lùng. Mặc dù chính họ cùng bắt tay vào việc biên tập ca khúc cho album này, nhưng họ không ngờ được rằng thần tượng của mình lại hát mùi mẫn đến thế.
Nếu như ở album đầu tay về thể loại âm nhạc bolero, người nghe vẫn còn thấy bóng dáng của Phương Thanh được “đóng đinh” trong các bản hit Trống vắng, Rêu phong, Lang thang, Đêm đông lao xao… cách hát chứa nhiều lửa và thiên về bản năng ở phần xử lý hơi thở của chị. Đó là chuyện trước đây thôi, còn với album nhạc bolero thứ 2 lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Trong tổng thể 9 ca khúc có trong album thì Đêm ghềnh hào nghe điệu hoài lang là bài hát được nghe nhiều nhất và được đông đảo bạn trẻ yêu thích. Có thể nói đây là bài hát “tủ” của các ca sỹ Hương Lan, Phi Nhung, Cẩm Ly… nhưng Phương Thanh lại đem một hơi thở mới vào bài hát quyen thuộc. Khiến người nghe có cảm giác vừa lạ mà vừa quen, nửa ngờ vực, nửa thích thú. Ngờ vực bởi khó tin đó là Phương Thanh hát và thích thú bởi điều ngờ vực là hoàn toàn sai thực tế.
Cùng với cách kìm hơi thở, nắn nót từng câu hát khiến khán giả quyên béng chất “giằng xé, day dứt” đặc trưng của Phương Thanh. Nếu để so sánh độ mượt mà, so sánh cái ngọt như "mía lùi" của những giọng ca sở trường dòng nhạc “sến” thì phần nào đó Phương Thanh khó so bì. Nhưng nếu để hát ngọt như những tên tuổi gạo cội: Chị Hương Lan, cô Bạch Tuyết… thì còn gì là chất riêng của Phương Thanh? Cái hay và cái để lại dấu ấn trong lòng bạn yêu nhạc là cách một “nữ rocker” đổ giọng trên những làn điệu mang đậm phong cách bolero. Và không làm bolero bị “biến chất”, bị méo mó như một vài ca sỹ đã thể nghiệm đưa cái tôi thái quá vào dòng nhạc này.
Phương Thanh hát nhạc bolero nghe buồn, nỗi buồn thể hiện ở sự man mác chứ không bi lụy và không quá ai oán. Cách thể hiện ca khúc của chị khiến người nghe dễ chịu, người nghe cảm nhận được chị đang thể hiện bolero với những gì chuẩn mực thuộc về nó. Mỗi dòng nhạc có một sắc thái riêng và thành công của người ca sỹ là thể hiện được đúng sắc thái của dòng nhạc đó.
Ca khúc Đêm gành hào nghe điệu hoài lang khiến người nghe thích thú bởi cách hát nhẹ nhàng, uyển chuyển của nữ ca sỹ chuyên trị nhạc “nặng”. Còn ở ca khúc Đường về hai thôn lại thu hút ở phần hòa âm phối khi vui nhộn. Sự sáng tạo này giúp phần thể hiện ca khúc của Phương Thanh trẻ trung hơn và đón nhận được sự ủng hộ của nhiều bạn trẻ. Cách đổi mới này cũng khá hợp lý, bởi nếu đem dance, hiphop để đặt vào một bản bolero “sướt mướt” nghe chừng có vẻ hơi lạc lõng. Nhưng ca khúc Đường về hai thôn vốn chứa đựng sự vui tươi ở tiết tấu, đặc biệt là phần ca từ trong trẻo vẽ nên khung cảnh miền quê với thôn xóm, trời quê, lúa đồng và vành môi trai gái yêu đời. Phần hòa âm phối khí hòa trộn giữa nhạc dance và techno ở phần điệp khúc giúp ca khúc thêm rộn ràng.
Ấp ủ gần 3 năm để cho ra đời Con ốc bươu, chính điều này giúp khán giả hình dung rõ sự đầu tư kỹ lưỡng và đã làm thì làm “cho ra ngô, ra khoai” của ca sỹ Phương Thanh.