Một nhà có 3 chị em bị xâm hại tình dục, anh 21 tuổi kiếm tiền nuôi 4 em

,
Chia sẻ

Một căn nhà có 3 chị em bị xâm hại tình dục. Thanh niên mới 21 tuổi đã phải kiếm tiền nuôi 4 đứa em.

 - Ảnh 1.

Chuyện cứ tưởng như ở xó thâm sơn cùng cốc nào, nhưng xảy ra ngay cách thành phố Biên Hòa có vài chục cây số. Tiếng là xã, nhưng xã này nằm hai bên quốc lộ 1, các khu vực dân cư ven đường đã đô thị hóa toàn bộ.

Trong con đường quanh co dẫn vào xóm là những ngôi nhà khá khang trang và đồng nhất, nhà nào cũng xây cao, rộng rãi, sáng thoáng. Đây không phải là vùng sâu vùng xa, nơi người dân hầu hết đều nghèo và thiếu hiểu biết.

Thế nhưng câu chuyện đau lòng vẫn xảy ra.

Hồi giữa năm nay, tòa án ở Đồng Nai xử một vụ xâm hại tình dục trẻ em. Bên A 16 tuổi khi bị phát hiện. Bên B, gồm cả ba chị em ruột. Đứa đầu 15 tuổi, đứa sau 13, đứa út 11 tuổi.

Nhà chúng gần sát nhau, chơi với nhau từ nhỏ. Đứa nào cũng phổng phao cao lớn. Một hôm nào đó, A rủ bé gái lớn nhất chơi trò ân ái. Em đồng tình. A rủ tiếp bé giữa, 13 tuổi. Bé cũng đồng tình. Bé út thì không được thuận lợi như vậy. Bé phản kháng. Nhưng rồi cũng bị. Ba mẹ chúng đầu tắt mặt tối, chẳng có thời gian đủ với con, nên mãi sau mới biết.

Họ đi kiện. Thằng bé 16 tuổi vào tù, tội Giao cấu với trẻ em. Nhưng bi kịch chỉ bắt đầu sau đó. Khi phát hiện, em gái đầu đã mang thai 7 tháng. Đành để đẻ. Gia đình cha của nó không ngó ngàng.

 - Ảnh 2.
Căn nhà với những đồ đạc tuềnh toàng

Chúng tôi đến nhà các em vào một buổi chiều cuối tuần qua. Trong ngôi nhà khá mát mắt, chỉ có mấy anh em chúng sống với nhau. Anh đầu 21 tuổi. Anh kế 19, cô em gái mới 17 nhưng đã có thằng con hơn một tuổi, và hai đứa em gái. Cha chúng đã mất hơn một năm.

Trong một năm ấy, mẹ chúng kịp có bầu với người khác, bỏ nghề công nhân để đi làm phụ hồ với người tình và bị đánh đến sảy thai ở tháng thứ bảy. Bà chuyển ra phòng trọ ở với người tình, sau khi xin con cái cho về nhà ở cùng nhưng chúng không đồng ý.

"Mẹ cũng ở gần đây thôi nhưng nửa tháng mới về một lần" - chúng kể.

- Mẹ có đưa tiền hay chăm sóc gì cho các con không?

- Dạ không. Anh đi làm, nuôi tụi con. Còn anh Hai không có làm gì hết, anh Hai làm biếng lắm.

Bốn năm nay, tức là năm 15 tuổi, N. đi làm kiếm tiền nuôi các em. Nó làm công cho một cơ sở tráng bánh tráng, làm hủ tíu ở gần đó. Một ngày công trọn vẹn được 160.000 đồng. Bữa nào chủ bán ế hay trời mưa thì nghỉ. Nghỉ là không có tiền.

Cô em kế nghỉ học từ lớp 5, giờ ở nhà nuôi con và coi thêm hai đứa nhà con của cậu. Ba đứa bé mỗi đứa ôm một bình sữa nằm lăn lóc thẳng trên nền gạch men lạnh. Công chăm hai đứa bé đó được hai triệu đồng/tháng, đủ để N. mua sữa cho con. Hội phụ nữ xã trợ cấp cho gia đình hoàn cảnh khó khăn, mỗi tháng được hơn 200.000 đồng nữa.

Bé gái giữa 15 tuổi, cao lớn và phốp pháp. Nhưng hỏi 2-3 câu, dường như con chỉ hiểu được một. Khuôn mặt hiền lành dễ thương của một đứa bé cứ ngác ngơ trên cơ thể một thiếu nữ. Người nhà nói con bị động kinh, con cũng đã nghỉ học từ lớp 5.

Trong nhà chỉ còn duy nhất bé Út đang đi học, cũng lớp 5. Học phí của bé được địa phương và nhà trường thống nhất miễn.

 - Ảnh 3.

Năm anh em chúng, đứa lớn nhất chỉ vừa qua ngưỡng tuổi trẻ em vài năm, còn một đứa đã là mẹ khi còn hai năm nữa mới hết tuổi trẻ em, cứ thế sống với nhau trong ngôi nhà không có người lớn chăm sóc và chỉ dạy.

Ông bà nội ngoại cũng ở ngay gần đó. Nhưng họ đều nghèo và ít học, nghề nghiệp công nhân, thu nhập thấp, chỉ có thể phụ cháu ít gạo hôm thiếu thốn chứ chẳng thể cưu mang.

Toàn bộ tiền bạc dành để sinh sống của cả 5 người và một bé một tuổi, đổ hết lên vai đứa 21 tuổi làm công nhật ngày được ngày mất. Chẳng may bệnh tật, yếu sức không đi làm được trong một tháng, cái gia đình mong manh ấy sẽ sụp. Chưa kể môi trường quá nhiều nguy cơ cho những bé gái đã bị lạm dụng tình dục trong một gia đình không có người lớn nào chăm lo.

Chúng tôi đến cùng các đại diện của ngôi nhà Nhịp cầu hạnh phúc, nơi hoạt động thiện nguyện của một tổ chức chống xâm hại tình dục trẻ em. Họ muốn đón các con về Nhà để cách ly khỏi môi trường nhiều nguy cơ và đói ăn.

Các con sẽ được chăm sóc trong môi trường tập thể và đi học đến khi không học được nữa thì thôi, thậm chí có thể đi du học. Nhưng các con phải tự nguyện và gia đình ký cam kết gửi con vào Nhà.

Nhưng trong khi những người lớn hoàn toàn xa lạ cứ trĩu nặng cả lòng trước hoàn cảnh của chúng thì bọn trẻ vẫn cứ ngơ ngác, hầu như không ý thức được chúng đang thiếu và cần điều gì.

 - Ảnh 4.
Khung cảnh tiêu điều nơi những đứa trẻ nương tựa vào nhau mà không có bóng dáng cha mẹ

Nếu thuyết phục được hai bé 13 và 15 tuổi vào ngôi nhà Nhịp cầu hạnh phúc thì gánh nặng trên vai anh chúng sẽ nhẹ đi rất nhiều. Nó có thể dành thời gian để đi học một cái nghề nào sau này cho thu nhập chắc chắn và ổn định hơn. Chúng tôi cứ bàn mãi. Nhưng cháu chỉ mới học hết lớp 5, có nghề nghiệp nào không quá sức lao lực mà một người mới có từng ấy chữ nghĩa học được?

Vậy nhưng trả lời câu hỏi tha thiết của chúng tôi "Con có muốn đi học lại không? Con có muốn bớt gánh nặng nuôi em để lo học lấy một cái nghề không?", chúng hầu như chỉ cười, nói "Con không biết".

Trời ơi, chúng sợ bị lừa, bị mang đi bán.

Theo Soha/ Trí thức trẻ

Chia sẻ